06/03/2017 11:11 GMT+7

Bà Phạm Khánh Phong Lan: 'Chúng tôi sẽ chặn được thực phẩm bẩn'

LÊ THANH HÀ THỰC HIỆN, LETHANHHA@TUOITRE.COM.VN
LÊ THANH HÀ THỰC HIỆN, LETHANHHA@TUOITRE.COM.VN

TTO - PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định như vậy. Ngày 6-3, bà nhận quyết định làm trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM.

Cán bộ ban quản lý chợ Thái Bình, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM kiểm tra nguồn gốc rau, quả bày bán của
tiểu thương - Ảnh: Hữu Khoa
Cán bộ ban quản lý chợ Thái Bình, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM kiểm tra nguồn gốc rau, quả bày bán của tiểu thương - Ảnh: Hữu Khoa

Trao đổi với Tuổi Trẻ về nhiệm vụ mới được lãnh đạo TP điều động và thực trạng thực phẩm đang “ngổn ngang trăm mối” hiện nay, bà Phạm Khánh Phong Lan nói: “Tôi làm việc hơn 20 năm trong lĩnh vực dược, với 10 năm ở cương vị phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Đây là nền tảng thuận lợi đối với việc quản lý an toàn thực phẩm, cả về chuyên môn và kinh nghiệm.

Tất cả đều là quản lý việc sản xuất kinh doanh và sử dụng những sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhưng thực phẩm thì rộng hơn vì cung ứng cho tất cả mọi người, trong khi dược phẩm chỉ tập trung phục vụ người bệnh.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đang quản lý tập trung cả dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm theo mô hình FDA (Food & Drug Administration)”.

Đừng xem nhẹ thị trường trong nước

* An toàn thực phẩm cho người dân là vấn đề nan giải nhất tại TP.HCM và cả nước. Bà có tự tin sẽ làm thay đổi được “bộ mặt” thực phẩm của cả TP không?

- Tôi mong và tin mình sẽ làm được, không chỉ dựa vào quyết tâm của bản thân tôi mà còn có sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP, sự kỳ vọng của người dân và quyết tâm của đội ngũ làm công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP từ ba sở Y tế, Công thương, Nông nghiệp & phát triển nông thôn nay tập hợp về.

Tôi tin rằng khi Ban quản lý an toàn thực phẩm TP tập trung lực lượng, phối hợp sức mạnh sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn.

Bà Phạm Khánh Phong Lan  - Ảnh: L.TH.H.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: L.TH.H.

“Chúng tôi sẽ chống, chặn thực phẩm bẩn - đặc biệt từ nguồn - bằng cách kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, chất phụ gia độc hại và xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn cho TP.

Việc tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp sẽ được đẩy mạnh, đồng thời với việc xây dựng, chấn chỉnh đội ngũ quản lý an toàn thực phẩm

PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan

Thực tế chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng sản xuất thực phẩm sạch, bằng chứng là nước ta luôn dẫn đầu về xuất khẩu nông sản, đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của những thị trường khó tính nhất.

Vậy tại sao lại để người dân trong nước dùng thực phẩm bẩn? Phải kiểm soát chất lượng thực phẩm nghiêm túc để bảo vệ sức khỏe dân mình như các nước đang làm để bảo vệ dân họ.

Tôi không chấp nhận quan điểm vì nghèo nên cái gì tốt ta ưu tiên xuất khẩu, xem nhẹ thị trường trong nước.

* Ban quản lý an toàn thực phẩm là mô hình thí điểm đầu tiên của cả nước. Bà sẽ bắt đầu “dọn dẹp” thực phẩm bẩn thế nào, từ đâu trước?

- Cần khẳng định chúng ta đã nỗ lực nhiều để kiểm soát thực phẩm, nhưng chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Việc chia nhiệm vụ cho ba bộ ngành theo phương pháp cắt ngang trước đây (nuôi trồng của nông nghiệp & phát triển nông thôn, lưu thông của công thương và sử dụng của y tế) hay cắt dọc theo Luật an toàn thực phẩm 2010 (nông nghiệp & phát triển nông thôn quản lý 9 ngành hàng, công thương 5 ngành hàng và y tế 5 ngành hàng) đều bộc lộ nhược điểm trong việc phối hợp và trách nhiệm xử lý.

Việc tập trung theo mô hình ban quản lý an toàn thực phẩm cũng là tập trung quản lý theo một đầu mối, với các mục tiêu cụ thể từng giai đoạn, chủ động trong thanh tra - kiểm tra, không mất thời gian cho thủ tục liên ngành.

Tôi nghĩ ban quản lý có rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên là xây dựng các quy chuẩn còn thiếu, chuẩn hóa cấp phép; liên thông các phòng thí nghiệm và kiểm soát dữ liệu; thiết lập hệ thống đội thanh tra an toàn thực phẩm các quận, huyện; tăng cường công tác thông tin truyền thông giáo dục; tiếp tục xây chuỗi thực phẩm sạch và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Tôi xác định nguy cơ lớn nhất chính là thực phẩm bẩn từ nguồn với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, việc cho thêm các chất cấm, chất phụ gia công nghiệp, hóa chất độc hại vào thực phẩm.

Việc kiểm soát thực phẩm cho TP càng khó khăn hơn khi 80% nguồn nông sản đến từ các địa phương khác.

Việc mua bán tự do chất phụ gia công nghiệp (chợ hóa chất Kim Biên) cũng là một thực tế tồn đọng nhiều năm chưa giải quyết được...

* Nhân sự của ban được tập hợp từ các sở Y tế, Công thương, Nông nghiệp & phát triển nông thôn. Bà có lo khi nhân sự đến từ nhiều nguồn sẽ có những khó khăn trong tổ chức bộ máy và có thể ảnh hưởng đến hoạt động của ban?

- Chúng tôi phải kiện toàn công tác nhân sự trong quý 1-2017, trên nguyên tắc tập hợp bộ phận quản lý thực phẩm từ ba sở theo đề án của UBND TP đã trình Chính phủ.

Tổ chức của ban được sắp xếp theo các phòng chuyên môn theo hướng gọn nhẹ mà hiệu quả, với hệ thống thanh tra thực phẩm cho tất cả quận huyện.

Tôi nghĩ cái gì mới ban đầu chắc chắn có những khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ phải vượt qua, khi đã về ban rồi thì không phân biệt nguồn gốc ai ở đâu về nữa, mà sẽ được phân công nhiệm vụ rõ ràng.

“Tôi không đơn độc”

* TP.HCM cũng triển khai thí điểm nhiều mô hình như tổ chức chuỗi cung cấp thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn, nhưng thực phẩm bẩn vẫn luôn đe dọa người dân. Một mình bà có thể chống lại không?

- Xin khẳng định là tôi không hề đơn độc trong “cuộc chiến” này. An toàn thực phẩm đã và đang trở thành một vấn đề sống còn cho sức khỏe cộng đồng và sự tồn vong của quốc gia, được cả Chính phủ và người dân quan tâm.

Tôi chỉ tiếp tục công việc đang dở dang, rút kinh nghiệm người đi trước và sẽ làm hết sức quyết liệt.

Chúng tôi sẽ chống, chặn thực phẩm bẩn - đặc biệt từ nguồn - bằng cách kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, chất phụ gia độc hại và xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn cho TP.

Việc tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp sẽ được đẩy mạnh, đồng thời với việc xây dựng, chấn chỉnh đội ngũ quản lý an toàn thực phẩm sạch.

* Có không ít đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm vẫn bơm nước vào heo, bò; sử dụng thuốc tăng trọng, kháng sinh vô tội vạ cho gia cầm, gia súc... Vì sao những vi phạm này chưa chấm dứt được?

- Có rất nhiều lý do: vì lợi nhuận, việc quản lý chất cấm, chất phụ gia độc hại còn lỏng lẻo; chưa đủ nguồn thực phẩm sạch và người dân chưa tin tưởng, vì hoàn cảnh phải chọn thực phẩm rẻ; hạn chế của đội ngũ thanh tra: khó phát hiện vi phạm và nương nhẹ trong xử lý hành vi vi phạm...

* Dư luận cho rằng để thực phẩm bẩn lưu thông và đến tay người tiêu dùng được có sự tiếp tay của một số người làm nhiệm vụ quản lý, giám sát thực phẩm. Bà nghĩ sao về dư luận này?

- Dư luận này là có cơ sở, bản thân tôi cũng đã nghe có vấn đề tiêu cực, nhũng nhiễu. Nhưng cũng nên phân tích là tiếp tay chủ động hay bị động.

Vì rất nhiều trường hợp năng lực cán bộ hạn chế, không giám sát, nhiệm vụ chồng chéo, tiêu chuẩn sản phẩm, hình thức xử phạt không rõ ràng...

Do đó để có một đội ngũ “sạch” phải khắc phục tất cả tình trạng trên, chứ không chỉ biết xử lý kỷ luật khi phát hiện vi phạm của người thực hiện công việc.

* Để chấn chỉnh thực trạng mất an toàn thực phẩm hiện nay, ban quản lý và cá nhân bà cần lãnh đạo TP và người dân giúp sức thế nào?

- Tôi mong lãnh đạo TP luôn quan tâm chỉ đạo kịp thời, quyết liệt và linh động, người dân TP ủng hộ thực phẩm sạch và tham gia giám sát việc sản xuất kinh doanh thực phẩm tại cộng đồng.

Có một thực tế là nguồn thực phẩm cho công nhân, sinh viên, người lao động nghèo tại các chợ chiều, chợ cóc, chợ tạm, các bếp ăn tập thể giá rẻ... có rất nhiều nguy cơ không an toàn, cần được sự quan tâm của lãnh đạo TP, các doanh nghiệp và cộng đồng để thay bằng nguồn thực phẩm sạch với giá hợp lý.

Đây cũng là một hình thức đầu tư hiệu quả cho con người, giảm gánh nặng chi phí y tế về sau này.

Bà Phạm Khánh Phong Lan năm nay 47 tuổi, tốt nghiệp thủ khoa dược sĩ Đại học Y dược TP.HCM năm 1994. Năm 1999, bà lấy bằng tiến sĩ dược tại Pháp.

Được phong hàm phó giáo sư (Đại học Y dược TP.HCM) năm 2006. Năm 2007, bà về làm phó giám đốc Sở Y tế TP. Hiện bà là phó chủ tịch Hội Dược học VN, chủ tịch Hội Dược học TP. Đại biểu Quốc hội khóa 13, 14.

Hoạt động thí điểm 3 năm

Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM là cơ quan thuộc UBND TP.HCM, được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ban quản lý có chức năng giúp UBND TP tổ chức thực thi pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn TP.

Trước khi có quyết định thành lập, Sở Nội vụ TP có tờ trình Chính phủ xin thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn; khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành...

Ban được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế và một số bộ phận trực thuộc các phòng, chi cục thuộc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Sở Công thương.

LÊ THANH HÀ THỰC HIỆN, LETHANHHA@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên