Đọc truyện là cách làm bạn với con - Ảnh: Kim Tuyến |
Vậy mà bạn nhỏ cứ lồm cồm bò đến, tay ôm ba bốn cuốn truyện mỏng, toàn những truyện đọc đi đọc lại hàng chục lần: “Ba, đọc truyện cho con nghe đi ba”. Thấy ba uể oải ngáp vắn ngáp dài, bạn nhỏ ghé miệng sát tai, năn nỉ: “Ba, đọc hai cuốn thôi nha”.
Ba thở dài. Bạn nhỏ lại “trả giá”: “Ba, vậy một cuốn Bu Bu thôi nghe ba”. Cuối cùng phải ngồi dậy, đi rửa mặt cho tươi tỉnh, bắt đầu làm một diễn viên với giọng đọc lên bổng xuống trầm sao cho thật có hồn, nhập vai nhân vật.
Bạn nhỏ nằm gối đầu lên ngực ba, lắng nghe từng chữ một, xem từng bức ảnh một; khi thấy sắp hết truyện này lại rón rèn thò tay bốc một cuốn truyện mới đẩy vào tay ba: “Đọc tiếp đi ba, một truyện nữa thôi”.
Sao nỡ lòng từ chối được.
Bởi mười lần y như một, bạn nhỏ cười khoái chí khi đọc đến chỗ chú chuột Hin ra bờ ao rủ bạn Vịt Đẹt học đếm, Vịt Đẹt lắc lắc cái mỏ, trả lời: “Cạp... cạp... Đếm số làm sao hay bằng ngụp lặn bắt tôm cá được!”.
Đoạn ấy ở trang số 9, cuốn Chuột Hin giỏi đếm (NXB Trẻ), người đọc truyện hằng đêm cho bạn nhỏ đã thuộc nằm lòng. Có lần thấy bạn nhỏ cười thích thú quá bèn dừng lại hỏi: “Con thấy đoạn này có gì hay mà vui quá vậy?”.
Bạn nhỏ đáp: “Vì con thấy bạn Vịt Đẹt trả lời mắc cười quá ba. Đúng là Vịt Đẹt luôn”.
Một tình huống khác cũng khiến bạn nhỏ tỏ ra hứng thú mỗi khi đọc tới, ấy là đoạn Bu Bu ghé sát tai vào chiếc vỏ ốc to óng ánh xà cừ và nghe tiếng gió thổi (truyện Bu Bu đi nghỉ mát, bộ truyện Bu Bu, NXB Trẻ).
Lần nọ, hai cha con đi “du lịch bụi” ở biển Ninh Chữ, bạn nhỏ nói: “Ba, ở đây có vỏ ốc giống trong truyện Bu Bu không?”. Vậy là phải kiếm một cái vỏ ốc thật to như trong truyện. Bạn nhỏ ghé tai vào và mắt mơ màng, chăm chú lắng nghe, một lúc lại bảo: “Mai con đem vỏ ốc này về Sài Gòn thì tiếng gió, tiếng sóng có về theo không ba?”.
Vậy là trong vali của hai cha con lúc trở về Sài Gòn có thêm một chiếc vỏ ốc lớn màu trắng, nặng trịch. Bạn nhỏ nhắc nhở: “Ba ơi, ba phải lấy cái áo quấn lại thật kỹ, xách đi cẩn thận kẻo sóng biển ở trong vỏ ốc chảy ra hết đó nha ba!”.
Chuyện uống thuốc của bạn nhỏ kể ra cũng là nhờ những cuốn sách, trong đó có cuốn Bu Bu bị bệnh. Bạn nhỏ nhớ nhất là câu người mẹ nói với Bu Bu: “Con phải cố gắng mau hết bệnh để chăm sóc cho gấu nữa chứ!”.
Vậy là những viên thuốc to, đắng cỡ nào bạn nhỏ cũng bỏ vào miệng, nhai nhuyễn rồi uống ực một ngụm nước. Nhờ vậy không còn cảnh ngửa cổ đổ thuốc như xưa nữa. Uống xong, bao giờ bạn nhỏ cũng cười: “Ba mẹ thấy con giỏi không? Con lớn rồi mà, con còn giỏi hơn Bu Bu!”.
Trong “biển truyện” của bạn nhỏ còn có chú bồ câu Yu Yu. Bạn nhỏ thích nhất là cái đoạn chim sẻ và Yu Yu tranh cãi, ai cũng tự thấy ngôi nhà của mình là đẹp nhất.
Mẹ Yu Yu phân xử: “Các con đều nói đúng hết. Không có nơi nào làm cho chúng ta cảm thấy vui vẻ, thoải mái bằng chính ngôi nhà của mình” (truyện Ngôi nhà của Yu Yu, bộ sách Yu Yu và các bạn, NXB Trẻ).
Cũng từ câu nói đó của mẹ Yu Yu, bạn nhỏ có lần thỏ thẻ với mẹ: “Mẹ ơi, con thích nhất là nhà mình có ba, có mẹ, gia đình ấm cúng hạnh phúc bên nhau”. Mẹ “choáng” quá, chẳng biết mấy lời lẽ ngọt ngào ấy đến từ đâu.
Nhưng người đọc truyện hằng đêm đến thuộc nằm lòng những đoạn yêu thích của bạn nhỏ thì lặng lẽ cười. Đúng là tư duy về ngôn ngữ biểu hiện cảm xúc yêu thương nằm sâu trong các chuyện kể giản đơn, mà người lớn có khi đọc đi đọc lại vẫn không thể ngờ.
Cứ thế, mong thời gian đọng mãi hình ảnh những lúc bạn nhỏ cười rúc rích khi nghe đến các tình tiết ngộ nghĩnh dù có khi rất cũ, như thể níu giữ những điều thú vị sẽ còn hoài trên những trang sách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận