02/11/2015 06:00 GMT+7

Bà nội trợ muốn thấy nhãn dán nông sản sạch Việt Nam

ĐẶNG TƯƠI - MAI NGUYỄN
ĐẶNG TƯƠI - MAI NGUYỄN

TTO - Thông tin rau củ quả Đà Lạt được phân phối ra thị trường được người dân đón nhận một cách rất nồng nhiệt. Song, nhiều bà nội trợ nói không muốn nghe nữa mà muốn nhìn thấy sản phẩm ghi rõ "nông sản sạch Việt Nam".

Rau củ quả Đà Lạt được bày bán tại một siêu thị trên phố Thụy Khuê (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh

"Không thể đi chợ rồi ăn bằng niềm tin mãi được". Nhiều bà nội trợ nói như vậy. 

Tự trồng là nhất

Nhiều bà nội trợ nói phải tự cứu mình trước, khi thông tin 200 tấn nông sản Trung Quốc không đảm bảo chất lượng được tiêu thụ mỗi ngày ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Họ đã chuyển sang sử dụng nông sản tự trồng.

Chị Bùi Thị Kim Thoa (Q. Tân Phú) cho biết gia đình chọn cách tự trồng rau do không tin tưởng vào chất lượng các mặt hàng nông sản bán ngoài chợ hoặc thậm chí là siêu thị.

“Ai biết được rau củ mua bên ngoài có thuốc bảo quản, thuốc tăng trưởng độc hại hay không? Bởi vậy gia đình tôi phải tự trồng rau đã được gần ba năm rồi. Ăn được đúng rau củ Đà Lạt thì yên tâm nhưng bây giờ hàng nhái nhiều quá. Chỉ còn cách tự trồng là yên tâm nhất thôi”, chị Thoa cho biết.

Chị Bùi Thị Thảo An (Q.Gò Vấp) cho rằng dù gặp nhiều khó khăn trong việc tự trồng rau nhưng vì muốn đảm bảo sức khỏe cho gia đình nên cũng chấp nhận.

“Nhiều gia đình không có khả năng tự trồng nên mới phải đi mua. Thật ra cũng tùy suy nghĩ mỗi người nhưng do nhà mình rất đặt nặng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nên tự trồng rau vẫn là giải pháp tối ưu nhất”, chị An nói thêm.

Không tự trồng nhưng chị Lâm Ngọc Phước Thu (Q. 10) cho biết mình luôn sử dụng nguồn rau củ quả do họ hàng, người quen trồng dưới quê gửi lên.

“Mình nghĩ là sạch hơn vậy thôi chứ nếu nguồn đất, nguồn nước nhiễm bẩn thì cũng không có cách nào biết được. Chỉ chắc chắn một điều là rau do người quen trồng không dùng hóa chất bảo quản độc hại. Đỡ được chừng nào hay chừng nấy”, chị Thu nói.

Theo chị Thu, trường hợp bất đắc dĩ cần nguồn thực phẩm ngay mà chưa có thì chị mới mua bên ngoài và luôn chọn hàng có nguồn gốc Việt Nam. “Tuy vậy lúc đó cũng phải chấp nhận khả năng mua phải rau quả có hóa chất độc hại”, chị Thu cho biết.

Nhiều bà nội trợ khác cho biết nếu nông sản Việt như rau củ Đà Lạt đã phân phối ra thị trường thì người tiêu dùng muốn thấy rõ chữ "nông sản sạch Việt Nam", thấy rõ dấu ấn thương hiệu.

Rau sạch do người tiêu dùng tự trồng - Ảnh: Nguyệt Hạ

Quan trọng là nguồn cung

Một chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng để bảo vệ sức khỏe của mình, người tiêu dùng chỉ còn cách đảm bảo từ nguồn cung cấp nông sản.

“Rất khó để biết được nông sản có sạch hay không bằng các cách thông thường. Không thể mua bó rau về rồi mang đến phòng thí nghiệm kiểm tra được. Để biết được nguồn thực phẩm đang tiêu thụ là sạch không thể dựa trên thành phẩm đầu ra, mà phải đảm bảo từ việc chọn mua từ các nguồn cung có uy tín. Người tiêu dùng khi mua nông sản phải hỏi rõ nguồn gốc xuất xứ. Người kinh doanh có trách nhiệm cung cấp thông tin này đến người tiêu dùng”, chuyên gia này phân tích.

Chị Huỳnh Lê Ái Trinh, một người chuyên bán thực phẩm sạch, chia sẻ cách chị thu hút niềm tin của khách hàng là in rõ thông tin về người trồng, nơi trồng sản phẩm lên bao bì để bất kỳ khách hàng nào cũng có thể kiểm chứng.

“Bản thân tôi cũng phải kiểm định giám sát nguồn cung rất kỹ trước khi cung cấp sản phẩm cho khách hàng. Không chỉ kiểm tra nguồn đất, nguồn nước mà còn phải giám sát cả quá trình trồng nông sản”, chị Trinh cho biết.

Chị Ngô Phương Thảo, chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, lại thường xuyên trăn trở vì nguồn cung luôn là vấn đề nan giải.

“Tôi theo đuổi nguồn cung của mình được ba năm rồi nhưng lượng hàng hóa vẫn chưa ổn định, lúc có lúc không, những mặt hàng bán chạy lại thường xuyên hết hàng. Nhưng vì chưa tìm được nguồn cung nào khác đạt tiêu chuẩn nên tôi vẫn trung thành với nguồn cung này”, chị Thảo cho biết.

Thách thức cạnh tranh

Chị Huỳnh Lê Ái Trinh cho biết những người có tâm huyết đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh rau sạch đều phải có nghề tay trái mới duy trì được công việc này.

“Thị trường rau sạch ở Việt Nam hiện nay chưa vững được về giá cả, vì vậy chưa thể cạnh tranh nổi do chưa có hệ thống sản xuất và phân phối đồng nhất. Rau sạch đắt hơn rau thị trường bên ngoài rất nhiều nên chỉ người tiêu dùng nào có điều kiện mới có thể tiếp cận”, chị Trinh nói.

Còn theo chị Ngô Phương Thảo, bản thân nhà cung cấp rau sạch cũng gặp nhiều thách thức.

“Giá rau sạch hiện nay nhỉnh hơn thị trường 20-30%. Việc mở rộng sản xuất không khó, điều kiện có, công nghệ có nhưng không đồng bộ trong phân phối”, chị Thảo nhận định.

Bạn đọc Vũ Thái cũng nêu: Đã lâu rồi người VN rất ngại dùng rau củ quả, thịt cá từ Trung Quốc vì lo sợ bị nhiễm độc. Vì thế mới có chuyện hàng Trung Quốc đội lốt mác VN để bán. Tuy nhiên từ sản xuất, lưu thông phân phối đến nơi tiêu thụ phải liên kết thành chuỗi mới mong có hiệu quả bền vững, đẩy lùi nông sản, thực phẩm độc hại của Trung Quốc.

Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, để tạo được lòng tin cho người tiêu dùng đồng thời cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập, doanh nghiệp thực phẩm chỉ còn cách hình thành chuỗi sản xuất và phân phối, tạo cho mình một thương hiệu riêng đảm bảo chất lượng.

“Đây cũng là xu hướng phát triển mới cho các doanh nghiệp. Phải từ từ xây dựng thương hiệu, đồng thời nghiêm ngặt trong khâu đảm bảo chất lượng thì mới tạo được lòng tin cho khách hàng. Nếu chỉ tuyên truyền việc sử dụng hàng Việt nhưng lại không đảm bảo được về chất lượng thì cũng không ăn thua. Người tiêu dùng hiện nay không thể phân biệt được đâu là thực phẩm sạch nên cứ thấy rẻ là mua chứ không còn quá quan tâm đến xuất xứ nữa”, ông Du phân tích.

Cần có sự nhận dạng thương hiệu

Thông tin rau củ quả Đà Lạt được phân phối ra thị trường Hà Nội được người dân đón nhận một cách rất nồng nhiệt.

Người tiêu dùng không những rất khó khăn trong việc tìm được nguồn rau quả sạch mà còn phải bỏ ra rất nhiều tiền. Nhu cầu rau sạch hiện nay là rất cao, những địa chỉ bán nông sản sạch trên mạng luôn thu hút trong khi không kiểm soát được về chất lượng.

Điều đầu tiên các doanh nghiệp nông sản Việt Nam hiện nay phải làm là tạo niềm tin cho khách hàng cộng với việc đảm bảo về chất lượng và giá cả. Người tiêu dùng cần một sự nhận dạng mang tính chất pháp lý thay vì những đặc điểm chỉ mang tính chất cảm giác.

Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cũng đang nỗ lực xây dựng hệ thống nhãn hiệu riêng cho các sản phẩm nông sản của địa phương mình. Việc đó không chỉ tạo được niềm tin mà còn là hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng trước hiện trạng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.

MAI VINH

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Chị Bùi Thị Kim Thoa

>> Chị Ngô Phương Thảo

>> TS Huỳnh Thế Du

>> Phóng viên Mai Vinh

 

ĐẶNG TƯƠI - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên