Phóng to |
Từ trái sang: Ba người bạn bên nhau trong căn nhà ở Hà Nội: Jane Barton (61 tuổi), Nguyễn Thị Mai (65 tuổi) và Sophie Quinn (56 tuổi) - Ảnh: Uyên Ly |
Họ là Jane Barton - giám đốc quản lý Bệnh viện Washington; Sophie Quinn - tiến sĩ VN học, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về triết học, văn hóa và xã hội VN tại Trường ĐH Temple; và Nguyễn Thị Mai - người đến từ Quảng Nam. Để có cuộc trùng phùng này, họ đã có 30 năm xa cách và một quãng đời ý nghĩa trong chiến tranh.
Gặp gỡ
Năm 1971, trung tâm chỉnh hình của Tổ chức Quaker đặt tại khuôn viên một bệnh viện ở Quảng Ngãi tiếp nhận một phụ nữ vừa bị thương mất hai chân, vết rách dài trên bụng, không có thông tin cá nhân gì ngoài cái tên Nguyễn Thị Mai.
Đó là đảng viên Nguyễn Thị Mai, 30 tuổi, cán bộ tuyên truyền của Ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Nam, trên đường đi lấy tin qua núi Hòn Tàu gặp phải ổ mìn của Mỹ. Một mối quan hệ chân tình và bền vững đã nảy sinh từ những ngày ấy.
Tại trung tâm này, chị Mai nhận được sự giúp đỡ đặc biệt của vợ chồng bác sĩ Jane Barton - giám đốc trung tâm. Về sau, nữ bác sĩ Jane được chị Mai đặt cho cái tên Việt trìu mến là chị Anh, còn chồng Jane là Dũng, như đất quê hương Quảng Nam anh dũng của chị Mai.
Thoạt đầu, Jane (cùng chồng tình nguyện sang VN vào năm 1970) chưa biết rằng Mai giữ liên lạc với Mặt trận Dân tộc giải phóng thông qua những giao liên đóng vai dân thường ra vào bệnh viện. Về sau Jane hiểu tất cả, song chị vẫn tin, tin vào một con người khát vọng tự do như chị Mai.
Ngày Mai hoàn toàn khỏi bệnh, chị được đề nghị ở lại giúp việc cho trung tâm chỉnh hình. “Công việc của chúng tôi hồi ấy đơn thuần là làm từ thiện, vả lại tôi cũng đã được nghe Mai kể về “phía bên kia” nhiều rồi. Tôi lo một người phụ nữ yếu ớt như thế nếu phải ra đường thì sẽ ra sao, nên vẫn can đảm mời Mai ở lại”, Jane kể lại.
Ban ngày, chị Mai làm nhiệm vụ ký giấy xuất kho những đồ dùng từ thiện mà Quaker quyên góp được từ khắp nơi như xà bông dùng dở, áo quần cũ, khăn, chăn đắp... cho bệnh nhân có nhu cầu. Chiều đến, chị về nghỉ trong khu nhà rộng lớn của Tổ chức Quaker.
Những gian phòng biệt lập ấy - nơi cấm súng đạn duy nhất ở Quảng Ngãi - nhiều đêm đã trở thành nơi ẩn náu của những sinh viên học sinh trốn lính, những chiến sĩ cách mạng tạm thời trú ẩn. Jane cũng hiểu nhưng không để lộ ra.
Không chỉ có Jane hiểu mà Sophie Quinn, giám sát viên Tổ chức Quaker tại Sài Gòn, cũng lây lòng cảm phục. Qua những lần từ Sài Gòn về Quảng Ngãi kiểm tra công việc, Sophie và Jane thường trò chuyện với Mai, cảm nhận ngọn lửa sống và niềm tin mãnh liệt từ người phụ nữ VN này.
Rồi đến lúc họ cũng phải tạm biệt nhau. Jane về nước năm 1973 sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Mai chuyển về trung tâm chỉnh hình của Quaker tại Qui Nhơn, làm việc tại đó cho đến khi miền Nam giải phóng. Sophie tiếp tục làm ở Sài Gòn. Mai và Sophie còn qua lại thăm nhau cho đến năm 1976 thì Sophie về nước.
Phóng to |
Chị Mai thời còn ở trung tâm chỉnh hình của Tổ chức Quaker, Quảng Ngãi (ảnh do một phóng viên chiến trường người Mỹ chụp) |
Ngay sau khi về nước, vợ chồng Jane viết thư cho chị Mai, Sophie cũng gửi thư cho chị Mai nhiều nhưng tất cả thư không đến được tay người nhận bởi vì Mai không phải là tên thật. Chị Mai cũng gửi thư nhiều lần cho Jane và Sophie, nhưng cả hai đã thay đổi chỗ ở.
Hai mươi năm dài của những lá thư không người nhận, cho đến khi lá thư viết năm 1995 cho Jane quay lại địa chỉ người gửi, chị Mai không còn hi vọng gặp lại những người bạn của mình nữa.
Jane kể: “Năm 1976 tôi sinh con gái đầu, đặt tên là Mai. Ngọn lửa trong tâm hồn đẹp đẽ của chị đã luôn là nguồn năng lượng tiếp sức cho tôi trên con đường đấu tranh chống lại cuộc chiến của Mỹ ở VN. Khi về nước, tôi chuẩn bị nhiều tư liệu, hình ảnh về những người phụ nữ thiệt thòi do chiến tranh ở VN để kêu gọi hòa bình. Tôi đi đến nhiều quốc gia, xuất hiện trên truyền hình, radio, viết báo... để đòi lại hòa bình”.
Chị Mai không bao giờ quên được nhiều hôm đến bữa ăn tối, trời mưa to, nhà ăn ở xa trung tâm chỉnh hình, chị không biết phải làm thế nào. Vợ chồng bác sĩ Jane đến, người vợ cầm ô che cho chị khỏi ướt, đi theo chồng ghé vai dìu chị đến nhà ăn. Nỗi xúc động về tình người cứ dâng lên mãi. Thời gian sau, khi đã trở thành bạn bè, cứ mỗi kỳ nghỉ phép, mặc cho chị Mai chối từ vì sợ làm phiền hai người bạn, vợ chồng bác sĩ vẫn dìu chị vào ôtô chở đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Huế, Sài Gòn. Mỗi khi gặp bậc tam cấp, hai vợ chồng khiêng chị lên. |
Một năm sau đó, Sophie xuất hiện trước cửa nhà Mai ở thị xã Tam Kỳ, Quảng Nam. Đến lượt chị Mai không cầm nổi nước mắt. Sophie giờ đây đã trở thành một nhà nghiên cứu về VN, chị có dịp đến VN vài lần nhưng vẫn không biết tìm chị Mai ở đâu vì không sao lần ra tên thật. Qua chị Mai, Jane và Sophie cũng đã liên lạc được với nhau.
Họ hẹn gặp nhau vào cuối tháng 6-2005 để được hội ngộ sau hơn 30 năm xa cách. Cuộc trùng phùng của ba người phụ nữ, hai Mỹ, một Việt ấy đã diễn ra ở nhà của chị Mai, và sau đó là ở Hà Nội, nơi chị Mai mơ ước được đến thăm một lần trong đời.
Con cái của những người phụ nữ ấy cũng đã trở thành bạn của nhau. Tháng mười hai năm nay, Mai - con của chị Anh (Jane) - sẽ sang VN để gặp bạn Thúy (con chị Mai). Hai cô gái xinh đẹp cùng tuổi nhau (sinh năm 1976) sẽ còn tiếp nối tình bạn bền bỉ của cha mẹ họ.
Và sắp tới, Jane và Sophie sẽ cùng viết một cuốn sách về cuộc đời Nguyễn Thị Mai, cái tên gắn bó với họ, chứ không phải là Khưu Thị Hồng, từng mang bí danh Thu Thủy, kết nạp Đảng năm 1970, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhì, Huy chương Kháng chiến hạng nhất.
Trong thâm tâm của Jane và Sophie, cái tên Nguyễn Thị Mai và hình ảnh của một phụ nữ VN nhỏ bé mà tràn đầy nghị lực đã là một phần trong cuộc đời của họ, không thể chia xa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận