Kỷ niệm 48 năm thành lập Tuổi Trẻ, có rất nhiều câu chuyện ấn tượng, đội ngũ Tuổi Trẻ sẽ ghi nhớ mãi. Với các phóng viên, mùa dịch COVID-19 kéo dài từ 2020-2022 là những ký ức không thể phai mờ.

"Nhật ký của các phóng viên trong mùa dịch" là một phần của ký ức ấy.

"Hai năm trước, cũng ngày này là nhận lệnh và vào TP.HCM sau 2 ngày, việc đầu tiên hôm đó là "xuống tóc" và chuẩn bị hành quân. Đó là những tháng ngày không quên". Vài ngày trước, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, một bác sĩ quân y đã có mặt ở Sài Gòn trong những ngày khó khăn 2 năm trước, viết trên trang cá nhân.

Nỗi nhớ của bác sĩ Tuấn cũng như các đồng nghiệp của anh về những ngày đặc biệt ấy, dù hai năm đã trôi qua nhưng vẫn còn nguyên trong ký ức.

TP.HCM, đó là những ngày người ta chỉ có thể vào TP trên những chuyến bay đặc biệt, chở hàng và chở lực lượng y tế. Là những tháng ngày TP không bóng người, không phương tiện đi lại ngoại trừ tiếng hụ còi xe cấp cứu.

Ba năm và mãi mãi - Ảnh 1.

Tiếng xe cấp cứu hụ còi, âm thanh thường thấy nhất trong những ngày COVID-19 nóng bỏng ở TP.HCM

Là những tháng ngày đầy nước mắt khi ngày nào cũng có tin người quen, người thân của bạn bè "ở trỏng" qua đời vì COVID-19.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online về những tháng ngày ấy ngay sau khi trở lại Hà Nội, ông Nguyễn Trường Sơn, khi đó là thứ trưởng Bộ Y tế, trưởng bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP.HCM, chia sẻ ông đã đến mọi nơi và đến cả Bình Hưng Hòa, trái tim ông khi nào cũng như đang rỉ máu.

Ba năm và mãi mãi - Ảnh 2.

Một trong số đó là tôi, PV báo Tuổi Trẻ. Tôi đã bắt đầu theo dõi thông tin về COVID-19 từ những ngày cuối cùng của năm 2019, khi ấy có một bệnh "lạ" xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Người ta bất ngờ khi số người mắc tăng lên nhanh và tử vong cũng nhanh, tương tự như bệnh SARS năm 2003. Rồi người ta gọi vi rút gây bệnh SARS 2003 là SARS-CoV-1, vi rút gây bệnh lạ mới này là SARS-CoV-2, và tên căn bệnh là COVID-19, với hàm ý căn bệnh xuất hiện lần đầu năm 2019 mà khi ấy chưa biết rằng nó sẽ thay đổi cả thế giới.

Ba năm và mãi mãi - Ảnh 3.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, thời điểm đó là giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, rời nhà vào bệnh viện, trong những ngày COVID-19 bắt đầu leo thang

Bệnh lạ ở Vũ Hán nhưng có liên quan đến Việt Nam không? Việt Nam từng có dịch SARS 2003, COVID-19 còn có nhiều nguy cơ hơn vì thế giới phẳng hơn?

Đúng như dự đoán, trước Tết Nguyên đán 2020, Việt Nam ghi nhận những ca bệnh đầu tiên. Rồi chùm ca tại Vĩnh Phúc khi nhóm học viên từ Vĩnh Phúc đi học tại Vũ Hán, Trung Quốc về, rồi sau đó có thêm bệnh nhân từ Anh (chuyến bay VN54 tháng 3-2020). Giữa tháng 4-2020, đợt dịch đầu tiên được ngăn chặn.

Những tháng ngày khó quên

Tháng 7-2020 là đợt dịch thứ 2, xuất hiện đầu tiên tại Đà Nẵng. Lần đầu tiên khái niệm "chi viện y tế" được hiểu theo cách đầy đủ nhất, bởi các y bác sĩ từ nhiều miền, đặc biệt là từ Hà Nội, vào chi viện cho Quảng Nam, Đà Nẵng.

Dứt dịch Đà Nẵng, đến Tết Nguyên đán 2021 là đợt dịch xuất phát từ Hải Dương, tháng 5-2021 là đợt dịch Bắc Giang - Bắc Ninh và ngay sau đó, cuối tháng 5-2021 là Sài Gòn bắt đầu nóng, nóng khủng khiếp với nhiều người mắc, nhiều người chết vì dịch.

Lực lượng y tế vất vả nhất trong những tháng ngày đặc biệt

Các đoàn y bác sĩ nối tiếp nhau lên đường. Trước mỗi chuyến đi, họ chỉ có 1-2 ngày chuẩn bị, nhưng họ đều xung phong. Ở Bệnh viện Việt Đức có cặp vợ chồng cùng xung phong vào vùng dịch TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh...

Những chuyên gia thiện chiến nhất về hồi sức cấp cứu đã được đưa vào Sài Gòn - TP.HCM để cấp cứu người bệnh tại các bệnh viện dã chiến. Không khí chống dịch còn nóng cả ở Hà Nội khi mỗi ngày Hà Nội - TP.HCM đều giao ban từng ca bệnh, tìm cơ hội sống cho người bệnh nặng.

Ba năm và mãi mãi - Ảnh 6.

Cấp cứu cho người bệnh

Đến một ngày, đoàn y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản trung ương lên đường, người lãnh đạo công tác tổ chức của ngành y tế cho biết có thể tuần tới nữa đến y bác sĩ Bệnh viện Sức khỏe tâm thần.

Trong tôi chỉ còn nỗi lo lắng: các y bác sĩ thành thạo cấp cứu người bệnh hô hấp (như COVID-19) đã đều ở vùng dịch, nếu dịch cứ tăng mãi, chúng ta lấy đâu ra bác sĩ?

Nhưng rồi những nỗ lực của người dân, của TP, của các y bác sĩ cũng thành. Tháng 9-2021 dịch giảm nhiều, cuối tháng 10-2021 cả nước bắt đầu thực hiện "bình thường mới", cuộc sống đã trở lại.

và những đớn đau khó phai mờ...

Những hình ảnh đọng lại trong tôi những ngày ấy là những chiếc áo bảo hộ của y bác sĩ, họ đi ngược vào Nam những ngày dịch nóng bỏng trong Nam; khi dịch nóng ở Bắc Giang, Bắc Ninh, có bác sĩ TP.HCM cắt tóc để ra bắc vào bệnh viện cấp cứu người bệnh.

Bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy) đã ở Bắc Giang nhiều ngày trong khu cấp cứu. Những ngày ấy, bác sĩ quý hơn kim cương, chỉ có họ mới đủ dũng cảm mặc áo bảo hộ nóng bức, khẩu trang hằn trên gương mặt, xa gia đình, xa các điều kiện sống - nghỉ ngơi bình thường nhất.

Cảm ơn tất cả và sẽ nhớ mãi thời gian 2020-2022 đặc biệt với chúng ta.

Ba năm và mãi mãi - Ảnh 8.

Tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ hy sinh trong vụ dịch

Ba năm và mãi mãi - Ảnh 9.

"Chưa có tiền lệ! Thật khủng khiếp! Đây sẽ là ký ức khó quên nhất trong cuộc đời làm nghề y" - đó là những câu nói mà chúng tôi được nghe nhiều nhất từ các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch khi COVID-19 bắt đầu xâm nhập vào nước ta…

"Ký ức khó quên" này đã nói lên tất cả về sự khốc liệt của dịch bệnh. Thông tin số ca mắc, số ca tử vong, phong tỏa bệnh viện này, cách ly khu phố nọ… cập nhật từng giờ như chà xát tâm can.

Ba năm và mãi mãi - Ảnh 10.

Y bác sĩ nào cũng phải choàng đồ bảo hộ, họ chỉ nhận ra nhau qua dòng tên viết vội nơi ngực áo

Nếu so với cả chặng đường chống dịch kéo dài suốt gần 3 năm, giai đoạn này chưa thể nói lên điều gì. Nhưng đó chắc chắn là giai đoạn đặc biệt, bởi dịch bệnh COVID-19 còn rất mới, chưa từng có tiền lệ. Mọi kế hoạch và phương pháp chống dịch vẫn còn rất sơ khai và cần phải thay đổi liên tục cho phù hợp với tình hình thức tế.

Và trong bối cảnh ấy, có lẽ thông tin các bác sĩ tuyến đầu đang nỗ lực cứu sống từng ca bệnh nặng đã góp phần xoa dịu tình hình vốn đang rất nặng nề. Rõ ràng giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, chính các bác sĩ tuyến đầu đang cho xã hội một niềm tin mãnh liệt…

Nhưng họ là ai phía sau bộ đồ bảo hộ kín mít, là ai sau vết hằn in sâu trên mặt… và họ đang phải trải qua thời khắc khó khăn như thế nào?

Ba năm và mãi mãi - Ảnh 11.

Chiều 24-3-2020, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đi thăm bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Chuyến đi đó cũng là lần đầu tiên các phóng viên, trong đó có Nguyễn Khánh của Tuổi Trẻ, vào khu điều trị COVID-19.

Giữa căn phòng cách ly đặc biệt, các bác sĩ, điều dưỡng mặc đồ bảo hộ kín mít đang tất bật giành giật sự sống cho những bệnh nhân COVID-19.

Không mấy người biết họ tên gì và chẳng mấy ai biết đến khuôn mặt của họ ra sao. Thứ mà chúng tôi nhìn thấy chỉ là những giọt mồ hôi đọng trên kính bảo hộ và vết hằn khẩu trang in sâu trên khuôn mặt.

Họ là ai? Đó chính là câu hỏi đó đã thôi thúc nhóm phóng viên báo Tuổi Trẻ phải thực hiện bằng được một bộ ảnh chân dung để vinh danh họ - những "thiên thần áo trắng".

Ba năm và mãi mãi - Ảnh 12.

Nhưng ở trong tâm dịch vẫn luôn phải có nụ cười hy vọng

Có quá nhiều thứ khó khăn, bộn bề để hiện thực hóa bộ ảnh này, từ việc xin phép Bộ Y tế, các bệnh viện và ngay cả các bác sĩ, điều dưỡng, lúc đó họ đều rất bận. Cho đến việc dựng studio ở đâu cho an toàn rồi phương án thuê trang thiết bị…

Nhưng những khó khăn đó nó không lớn bằng quyết tâm của cả nhóm thực hiện bộ ảnh đặc biệt này. Chúng tôi chia thành hai nhóm, ở TP.HCM, phóng viên Hoàng Lộc, Duyên Phan phụ trách việc chụp và phỏng vấn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Ở Hà Nội, phóng viên Nguyễn Khánh - Danh Trọng trực tiếp tác nghiệp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Sau khi được Bộ Y tế cùng các bệnh viện đồng ý, khó khăn tiếp theo là thuê trang thiết bị. Sau nhiều ngày liên hệ và nhờ cậy các nguồn khác nhau, cuối cùng chúng tôi cũng được một đơn vị cho thuê một "phim trường di động" và giúp lắp đặt tận sảnh của bệnh viện.

Ba năm và mãi mãi - Ảnh 13.

Để họ có thể đối mặt với những giây phút khó khăn nhất

Ban đầu, khi nghe trình bày về mục đích sử dụng thì đơn vị cho thuê thiết bị cũng hơi ái ngại, vì thời điểm đó thông tin nóng nhất mà ai ai cũng quan tâm là số ca mắc COVID mới bao nhiêu, ở tỉnh thành phố nào, diễn biến dịch bệnh ra sao… Chúng tôi phần nào hiểu được sự lưỡng lự của họ.

Nhưng để có thể góp phần giúp người dân hình dung phần nào những câu chuyện đau thương của con người trong đại dịch, những hy sinh không lời nào diễn tả của đội ngũ y tế nơi tuyến đầu chống dịch, họ cũng đã đồng ý hỗ trợ hết mình.

Dưới tiết trời nắng nóng của những ngày cuối tháng 4-2020, hai studio di động cũng đã được các phóng viên Tuổi Trẻ dựng ngay sát khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và khu vực sảnh lễ tân tại Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Từ nơi "tuyến đầu", các phóng viên Tuổi Trẻ đã chụp lại những bức ảnh chân dung của những "thiên thần áo trắng" cũng như nghe họ kể về câu chuyện về hành trình chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân ở bệnh viện của các y bác sĩ.

Họ lao vào một "cuộc chiến" mới, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm thường trực. Họ gác lại sau lưng nỗi niềm riêng, gia đình, mẹ già, con thơ để hướng đến một nhiệm vụ duy nhất: "cứu sống người bệnh".

Những nụ cười đã mang lại hy vọng cho người bệnh, cho cộng đồng

Để chuyển tải những câu chuyện về tinh thần nỗ lực chống dịch, những hy sinh về cộng đồng, những câu chuyện cảm động về giành giật sự sống nơi tuyến đầu chống dịch... chúng tôi - những người làm báo - cũng đối mặt với không ít khó khăn. Mọi thông tin gửi đến bạn đọc phải rất cẩn trọng, tránh làm người dân hoang mang.

Để hôm nay khi dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi, được nhìn lại những hình ảnh ấy, gương mặt ấy, chúng ta đều có chung một cảm giác biết ơn - tự hào.

Ba năm và mãi mãi - Ảnh 15.
HOÀNG LỘC - DUYÊN PHAN - NGUYỄN KHÁNH - LAN ANH
DUYÊN PHAN - NGUYỄN KHÁNH
NGỌC THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên