![]() |
Bà Hoàng Mộng Hà (trái) trong phiên xét xử Phan Đăng Dũng ở TAND TP.HCM chiều 11-4 |
Dũng bị bắt quả tang khi vừa nhận tiền của bà Hà trên một chiếc xe taxi chạy loanh quanh gần tòa án. Dũng khai vì muốn bản án dân sự sơ thẩm của TAND quận Gò Vấp sớm được xét xử phúc thẩm, bà Hà đã chủ động gợi ý bồi dưỡng và đưa tiền cho Dũng. Số tiền “bồi dưỡng” ấy là 110 triệu đồng.
Nhưng bà Hà không phải là một tỷ phú để có thể “bồi dưỡng” tới 110 triệu đồng. Ngồi trong căn phòng nhỏ chỉ có một chiếc giường, trong tiếng nhạc ầm ĩ từ quán cà phê, bà bảo “Tôi bị bệnh tim, nhưng tôi phải cắn răng chịu đựng tiếng ồn làm mệt tim như vậy từ sáng sớm đến đêm khuya, thuê nhà, tự đứng bán cà phê vì kế sinh nhai. Có được ít tiền mấy đứa con gửi cho để tìm mua căn nhà nhỏ lại bị người ta vay không chịu trả, tôi làm gì có được 110 triệu đồng để cho vung vãi. Tôi lại còn ghét nhất trò hối lộ…”.
Bà Hoàng Mộng Hà đã kể rành rọt trước toà về những hành vi nhũng nhiễu, đòi giao trước 1/10 số tài sản sẽ được thi hành án khi thắng kiện của Phan Đăng Dũng. Bà cũng đã kể tỉ mỉ về những cuộc gặp, về việc bà đặt băng ghi âm, ghi sêri số tiền vừa vay mượn, báo công an đến bắt quả tang hành vi của Dũng. Nhưng phải đến nhà, phải đọc được cuốn nhật ký bà đã ghi chép lại từng ngày, từng hành động của mình trong những ngày ấy thì mới hiểu được những gì bà đã thực sự nếm trải để trở thành người thắng lợi…
Tất cả chỉ có 13 ngày kể từ lúc bà gặp Dũng lần đầu tiên ở toà án khi đến hỏi thăm về vụ kiện. Ngày đầu tiên, bà đã choáng váng khi đọc những dòng chữ Dũng ghi trắng trợn “nguyên tắc của toà là vậy, bà muốn thắng kiện phải đưa trước 10%”. Ngày đầu tiên, bà đã ra khỏi toà án với những bước chân hoang mang, hụt hẫng.
Tôi đã nghe những lời khai của bà trước tòa, tôi cũng đã nghe thẩm phán chủ toạ phiên tòa thẩm vấn Phan Đăng Dũng, Dũng cũng thừa nhận có ghi lên giấy số điện thoại của mình để đưa bà Hà… mà tôi vẫn không muốn tin khi đọc những dòng nhật ký rất rành mạch và chi tiết của bà. Mọi việc lại có thể xảy ra một cách đơn giản giữa phòng làm việc rất đông người như thế. Chi tiết tờ giấy được xoay ngược lại rõ ràng là một chi tiết người ta không thể tự nghĩ ra. Sau sự việc của Dũng, phòng thư ký và cả hành lang của toà án thành phố đã được gắn camera quan sát.
Nhật ký chống tiêu cực
Những ngày sau đó, bà Hà đã ghi lại nhiều giọt nước mắt, nhiều cơn mệt tim vì uất ức. Và chợt nhiên, nhật ký của bà nổi lên những dòng quả quyết, táo bạo “Tôi quyết tâm phải vạch trần sự tiêu cực này, quyết bắt được cọp. Mà muốn bắt được cọp thì phải liều mạng vào hang cọp. Muốn vào hang cọp, phải chuẩn bị tư thế để bẫy cọp…”.
Hồi hộp và bất ngờ như đọc truyện trinh thám, càng thắt tim hơn khi biết đây là sự thật 100%. Lời quả quyết chống tiêu cực đã được bà lặp đi lặp lại nhiều lần trước phiên tòa mà tôi vẫn giật mình khi đọc được trong nhật ký. Bà Hà bảo trong cuộc đời, bà ghét nhất là những việc sai trái của những người đã được giao cho nhiệm vụ chỉ làm những việc đúng, việc phải. Và với cá tính quyết liệt, mạnh mẽ ấy, cuộc đời nội trợ, buôn bán vốn bình lặng của bà bỗng nổi lên hai sự kiện đáng nhớ. Cách đây vài năm, cũng trong lúc theo đuổi một vụ kiện đòi nhà, đã được xử thắng nhưng hơn 5 năm vẫn không thi hành án được, bà gửi thư phản ánh đến báo Công an TP.HCM. Báo vừa phát hành thì có người đến, tự xưng là người nhà của các bộ cao cấp và đề nghị giúp đỡ, tất nhiên, trước hết là phải đưa tiền. Bà suy nghĩ rồi báo công an, một màn kịch được giăng ra và mấy tên lừa đảo bị tóm gọn. Lần này cũng vậy, không cân phân tuổi cao, sức yếu, bà Hà quyết định làm một việc vượt sức mình.
Nhật ký của bà ghi lại nhiều lần Dũng gọi điện, đến nhà, hẹn gặp để thúc đẩy việc đưa tiền. Lần nào bà cũng trả lời “Án đúng thì xử đúng, sai thì xử sai. Nếu tôi đúng mà tòa xử sai thì tôi kiện. Chuyện tiền bạc, bồi dưỡng, nếu có cũng phải làm cho công khai, đàng hoàng…”. Dũng vẫn thúc bách, đe doạ hủy án mà không hiểu rằng những lời chí tình của bà Hà là cơ hội cuối cùng của anh ta. Những ngày ấy, bà Hà đi tìm mua một máy ghi âm, lặng lẽ ngồi tập sử dụng hàng giờ đồng hồ. Chưa có tiền, bà cắt giấy báo, gói lại thành tập, bỏ vào giỏ xách, một mình đi đến chỗ hẹn, tìm chứng cứ.
Bà đòi gặp thẩm phán thụ lý hồ sơ thì mới giao tiền nhưng lần nào cũng chỉ có mình Dũng. Sau này, ra trước toà, bà khẳng định “Tôi đã thử nhiều cách, nhiều lần, nên hôm nay có thể khẳng định ông thẩm phán không có tiêu cực trong vụ này. Thái độ của ông rất nghiêm túc”. Bà nói rành rọt như một người rất thông hiểu pháp luật “Tôi không vơ đũa cả nắm. Nói ai điều gì, nhất là những việc xấu thì phải có chứng cứ đầy đủ”.
Để có chứng cứ, bà đã một mình mang một giỏ xách đựng cọc… giấy báo và máy ghi âm đến theo lời hẹn của Dũng vào một buổi tối trời mưa tầm tã. Dũng bảo bà ra khỏi taxi, cho người quen lấy Honda chở lòng vòng trên phố. Tim đập thình thình, chưa gặp Dũng đã gần nhất xỉu nhưng bà vẫn gắng gỏi đóng tròn vai như một trinh sát thực thụ, không quên những biện pháp tự bảo vệ. Cuộn băng ghi âm tối hôm ấy đã đủ để các trinh sát thuộc CA phường Bến Thành tin vào chuyện thư ký tòa tiêu cực và giúp bà giăng mẻ lưới cuối cùng.
Cả một ngày trời, bà ngồi cặm cụi ghi lại từng số sêri của số tiền vay được, tỉ mẩn đánh dấu tên mình lên từng tờ giấy bạc. Buổi sáng, sau khi nhận điện thoại của Dũng, bà đôn đáo gọi báo công an, rồi ghi lại “Tôi cột tiền chặt vào bụng, vào phòng nhìn mẹ già lần cuối, ra nhìn mặt chồng tôi, rồi kêu taxi đến tòa án thành phố…”.
Ngày thứ 13, màn kịch cuối cùng đã diễn ra thật xuất sắc trong nhịp tim “như trống trận” của bà. Bà bảo “Đã có lúc tôi tưởng tôi chết. Hôm đó Dũng cũng tỏ ra mất bình tĩnh, thái độ hung hăng. Mấy chú công an lại không hứa hẹn sẽ đến giúp, họ đi theo tôi cũng không biết. Nhưng mà, mình làm việc phải nên tôi vẫn tin sẽ thành công, không sợ. Lúc Dũng xuống xe, bị bắt, tôi mừng quá…”.
Rồi hôm nay, ngồi dự phiên tòa, bà lại thở dài “Thấy cũng tội, chú ấy còn trẻ, tương lai còn dài. Tôi mong chú ấy sẽ là người cuối cùng mắc sai lầm để cán cân công lý được công bằng”.
Vụ kiện dân sự của bà cũng đã được xét xử phúc thẩm.. Bà thắng, nhưng trước mặt vẫn còn một quá trình thi hành án dài. Nếu lại có ai đó nhũng nhiễu? Đáp lại câu hỏi của tôi, bà trả lời chắc nịch: “Thì tôi lại sẽ đi kiện”.
Tôi, cũng như nhiều người nghe chuyện, đã ngạc nhiên khi biết bà chỉ là một người nội trợ, buôn bán nhỏ. Để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền, cần biết bao nhiêu những người dân như bà, và cần biết bao nhiêu tinh thần đấu tranh không khoan nhượng của bà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận