Ba cô con gái phóng xăng đốt nhà mẹ ở Hưng Yên gây bức xúc trong dư luận - Ảnh cắt từ clip
Sau khi Tuổi Trẻ Online phản ánh vụ việc Ba người con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ: Xin chia đất, mất tình thân, trên mạng xã hội cũng lan truyền đoạn video ghi lại cảnh ba người con gái dùng xăng phóng hỏa để đốt nhà mặc cho người mẹ đã ôm lấy van xin. Rất nhiều bạn đọc đã gửi đến ý kiến bày tỏ bức xúc, phẫn nộ trước sự việc đau lòng.
Bạn đọc @Moon chia sẻ khi con gái đi lấy chồng chủ yếu chăm sóc bên chồng, "năm khi mười họa" mới chăm sóc được bố mẹ đẻ. Việc bố mẹ có đất chia đất cho là mừng, bố mẹ vất vả cho mình ra đời, nuôi khôn lớn là phúc phận.
Có ý kiến cho rằng vụ việc xảy ra là do tư tưởng "trọng nam khinh nữ", tuy nhiên bạn đọc Mai Tấn Điệu nêu quan điểm: "Đây không phải là chuyện trọng nam khinh nữ. Vấn đề là người mẹ và người con trai đang ở ngôi nhà mặt đường, nếu giao cho các người con gái thì người mẹ ở đâu? Vợ chồng ở với nhau không được, liệu có ở được với mẹ và anh em trai không?".
Bạn đọc Rose Do bày tỏ dù gái hay trai, bố mẹ cho sao nhận vậy, tuyệt đối không nên đòi hỏi hơn, không cho cũng không có sao, sức dài vai rộng tự lăn lộn đi kiếm ăn. Tiền mất thì kiếm được, nhưng tình thân mất sao lấy lại được?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - nhận định hành vi của những người con không chỉ vi phạm đạo đức nghiêm trọng, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm tới sức khỏe, tài sản của người khác và có thể phải đối mặt với các cáo buộc theo quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015.
"Thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều lần đưa tin về các sự việc anh em, người thân trong gia đình "xào xáo" vì tranh chấp đất đai, không ít trường hợp đã dẫn đến án mạng khiến cho người thân trong gia đình lâm vào cảnh lao lý. Để rồi khi đứng trước phiên tòa, những người vi phạm mới nhận ra lỗi lầm của mình nhưng mọi chuyện đã quá trễ.
Thông qua việc tham gia giải quyết các vụ việc, tôi thấy rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến các sự việc đau lòng nói trên là sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân, người dân không nhận thức được hành vi nguy hiểm của mình cũng như hậu quả phải gánh chịu từ những hành vi đó" - luật sư Hậu cho biết.
Theo luật sư Hậu, trong vụ việc này, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ làm rõ hành vi, mục đích của từng người. Trường hợp xác định mục đích phóng hỏa của ba người con gái là hành vi cố ý nhằm gây thương tích cho người khác thì có thể bị xem xét xử lý về tội "cố ý gây thương tích" theo điều 134 Bộ luật hình sự.
Trường hợp có cơ sở xác định mục đích của những người này là giết mẹ đẻ do tư thù thì có thể bị xem xét xử lý về tội "giết người" theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự.
Luật sư Nguyễn Minh Ngọc, Công ty luật The Light, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cũng nhận định đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng về cả góc độ pháp lý cũng như đạo đức con người, người thực hiện hành vi có thể phải đối mặt trách nhiệm pháp lý rất nghiêm khắc theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Phân chia di sản thừa kế thế nào?
Sau vụ việc đau lòng vì đất đai mà mất tình máu mủ ruột rà, nhiều ý kiến đặt câu hỏi về việc phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết hiện nay pháp luật quy định về hai hình thức thừa kế gồm: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
Trường hợp thứ nhất: thừa kế theo di chúc được quy định tại điều 659 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp thứ hai, thừa kế theo pháp luật. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp được quy định tại điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015, bao gồm: Không có di chúc; Di chúc không hợp pháp; Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; Cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Về người thừa kế theo pháp luật được quy định tại điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận