Cậu trai 13 tuổi nhắn tin chúc tết lại kèm câu “ba nhớ nhận tiền lì xì giùm con nha”. Tôi nghĩ thằng nhỏ láu lỉnh, đã đi chơi còn sợ mất phần tiền mừng tuổi, đem kể cho nhiều người nghe ai cũng bật cười.
Tôi có anh bạn, ngày tết thỉnh thoảng thương con nên chở con đi cùng. Ba vui vài ly bia, đánh vài ba ván bài thì con vui vì được các chú các bác lì xì, kẻ năm chục, người một trăm. Có lần thằng bé lên 10 này nắm áo một chú giật giật: “A, chú chưa lì xì cho con!...”. Giữa nhiều người “ông chú” lúng túng.
Mùng 4 tết, anh bạn luật sư mời tới nhà ở đường Hoa Cau, quận Phú Nhuận uống ly rượu đưa tiễn tết. Nhà anh có đứa cháu nội 2-3 tuổi. Tôi bỏ một bao 100.000 đồng. Vài bao còn lại mỗi bao 50.000 đồng vì phòng hờ thằng nhóc cháu anh có bạn hàng xóm.
Đến nhà, tôi và mấy người bạn ý tứ hỏi cháu anh đâu, anh bảo trên lầu. Mấy cô thích trẻ con nên bảo bế cháu xuống chơi, anh hiểu ý bảo đừng.
Anh giải thích: “Anh không cho con cháu trong nhà nhận lì xì từ khách của người lớn, chỉ nhận lì xì mừng tuổi của người thân trong dòng họ. Vì anh thấy con trẻ không biết gì, nhưng cho tiền kiểu đó sẽ làm trẻ trông đợi hơn là hiểu ý nghĩa chúc phúc của tiền mừng tuổi”.
* * *
Chuyện tiền lì xì ngày tết luôn là mối bận tâm của một số người, nhất là những người không quá dư dả. Nhưng với cách hành xử của anh bạn tôi, có lẽ con cháu trong nhà sẽ hiểu hơn ý nghĩa của tục lì xì mà người lớn cũng không vấn vương mối bận tâm “nhiều - ít, con ai” mỗi khi sờ túi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận