25/12/2022 09:38 GMT+7

Avatar: The Way of Water: Chỉ thỏa mãn về hình ảnh

MAI THỤY
MAI THỤY

13 năm trước, với những kỹ thuật điện ảnh tân tiến, Avatar vẫn trở thành tâm điểm của thảo luận triết học.

Avatar: The Way of Water: Chỉ thỏa mãn về hình ảnh - Ảnh 1.

Avatar: The Way of Water vẫn cuốn hút người xem bằng hình ảnh kỳ vĩ, nhưng câu chuyện lại không có gì đáng bàn đến - Ảnh: IMDB

Năm 2022, khi người xem đã quá chán ngán những bộ phim lạm dụng kỹ xảo, Avatar phần 2: The Way of Water chỉ đem lại sự mãn nhãn về hình ảnh. Còn triết học... chúng đã biến mất. Không ai còn buồn tranh cãi.

Đạo diễn James Cameron vốn nổi tiếng với những bộ phim bom tấn: Kẻ hủy diệt, Titanic, Rambo... 

Tư duy hình ảnh đồ sộ, cầu kỳ và lộng lẫy của ông (giống như phù thủy George Méliès) có thể làm nổ tung nhãn quan điện ảnh của người xem. Năm 2009, ông giới thiệu Avatar và tác phẩm này nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu.

James Cameron mang đến cho khán giả một trải nghiệm điện ảnh phi thường giấu bên trong chiếc hộp Pandora kỳ bí mang theo cả tai ương lẫn hy vọng. 

Không chỉ với người yêu điện ảnh, thế giới mới của James Cameron còn được các học giả đón nhận. Không nhiều bộ phim bom tấn lại được ưu ái đến vậy với hàng loạt bài viết mổ xẻ những luận điểm triết học xoay quanh phim.

Avatar 2 - Trailer mới nhất

Cuộc chạm trán giới tính

Hệ thống đạo đức đóng vai trò quan trọng trong thế giới giả tưởng được các nhà làm phim, tiểu thuyết gia xây dựng. Mỗi đại gia tộc của Game of Thrones có lối tư duy và phương thức vận hành khác nhau, các chủng loài trong Chúa tể của những chiếc nhẫn mang nét tính cách đặc trưng. 

Điều này khiến nhiều thế giới quan va chạm, giá trị cốt lõi bị thách thức, từ đó tạo nên căng thẳng kịch tính.

Với hai cây bút triết học George A. Dunn và Nicolas Michaud, bộ phim Avatar (2009) là cuộc chạm trán giới tính. Trong tiểu luận "Eywa là tiếng nói của phụ nữ", hai tác giả đã phân tích các mặt đối lập. 

Đội quân người Trái đất (hầu hết) là những gã đàn ông mang sức mạnh nam tính đặc trưng được gửi đến chinh phạt Pandora. 

Nhằm khiêu khích sự bạo gan của các binh sĩ, đại tá Miles Quaritch dùng những từ ngữ rùng rợn để miêu tả mảnh đất mới: 

"Ngoài kia, vượt ra những hàng rào đó, mọi sinh vật sống đang bò nhung nhúc, bay lượn và ngồi chồm hổm trong bùn đều muốn giết và moi mắt các anh ra ăn". 

Ngay cả nhân vật chính Jake Sully cũng thừa nhận hệ giá trị của mình: "Tôi trở thành lính thủy đánh bộ để được tận hưởng những thử thách cam go, để được rèn giũa trên chiếc đe của cuộc sống. Tôi đã tự nói với chính mình rằng tôi có thể vượt qua bất cứ bài kiểm tra nào dành cho một gã đàn ông".

Avatar: The Way of Water: Chỉ thỏa mãn về hình ảnh - Ảnh 4.

Cảnh trong Avatar

Ngược lại, Pandora là hành tinh mang đậm nét nữ tính. Người Navi là đối tác bình đẳng với nam giới. Mẹ của Neytiri có tầm ảnh hưởng tuyệt đối đến tộc Omaticaya nhờ năng lực diễn giải ý muốn của đức mẹ thiên nhiên Eywa. Bài viết của hai cây bút triết học trên đã dẫn ra ý tưởng từ nhà tâm lý học Carol Gilligan.

Trong khi đàn ông có xu hướng xem cuộc sống như một cuộc thi nơi các cá nhân liên tục cố gắng thăng tiến bằng cách gây thiệt hại cho nhau, thì phụ nữ thường coi bản thân họ gắn bó mật thiết với mạng lưới quan hệ lớn hơn và được duy trì bởi sự thân mật. 

Theo Gilligan, hai cách định vị bản thân chúng ta trong mối quan hệ với thế giới đã tạo ra hai "tiếng nói" riêng biệt, nam tính và nữ tính. Mỗi giọng nói đều có liên quan đến một cách tiếp cận khác nhau đối với việc ra quyết định đạo đức.

Avatar: The Way of Water: Chỉ thỏa mãn về hình ảnh - Ảnh 5.

Cảnh trong Avatar

Một thế giới khác

George A. Dunn và Nicolas Michaud không phải là những người hiếm hoi chú ý đến Avatar ở khía cạnh học thuật. L'Osservatore Romano, tờ báo của Vatican, đã công khai chỉ trích bộ phim "bị sa lầy bởi chủ nghĩa tâm linh liên quan đến sự tôn thờ tự nhiên" và "mọi thứ được quy giản thành một câu chuyện ngụ ngôn chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa quân phiệt".

Sự phê phán của Vatican đã vấp phải phản ứng của giáo sư triết học Jason T. Eberl. Ông cho rằng những chỉ trích của Vatican bắt nguồn từ sự khác biệt trong cách nhìn nhận về hình ảnh của Chúa. 

Avatar đã thần thánh hóa thế giới tự nhiên (theo thuyết phiếm thần) với luận điểm cho rằng Chúa ở khắp mọi nơi, trong mọi thứ và không tồn tại bên ngoài vũ trụ dưới bất kỳ hình thức nào.

Điều đó đi ngược lại với niềm tin Kitô giáo truyền thống. Đài phát thanh Vatican nói rất rõ quan điểm của mình về tư duy lầm lạc của Avatar: "Thiên nhiên không còn là tạo vật để bảo vệ, mà là thần thánh để tôn thờ".

Ngoài câu chuyện thần học, phim còn lôi kéo các nhà nghiên cứu đến những thảo luận về sự xung đột giữa tâm trí và thể xác - một vấn đề triết học nhức nhối. 

Tiến trình đăng nhập của Jake Sully vào thể xác người Navi gây tò mò cho người xem. Liệu trong cơ thể mới, hạ sĩ Jake có "nhìn" thế giới Pandora như người Navi đang thấy?

Avatar: The Way of Water: Chỉ thỏa mãn về hình ảnh - Ảnh 7.

Cảnh trong Avatar

Còn lại gì ngoài kỹ xảo?

Phần 2 của bộ phim, Avatar: The Way of Water (tạm dịch: Avatar: Dòng chảy của nước, tính đến chiều ngày 24-12 đã thu về hơn 145 tỉ đồng tại các rạp Việt) đi sâu vào khai thác thế giới ở Pandora bằng cuộc đại chiến mới. 

Từ vùng rừng núi tràn ngập kỳ hoa dị thảo, James Cameron gửi gia đình Jake Sully xuống vùng biển. Công chúng được thưởng thức mãn nhãn gam màu xanh biếc của đại dương, những loài thú mới lạ trong hệ sinh thái hư ảo. 

Nhưng những tranh luận về triết học liên quan đến bộ phim đã không còn nữa. Trong suốt tuần công chiếu, điều duy nhất đọng lại trên mặt báo là kỹ xảo điện ảnh và thế giới hùng vĩ tựa thước phim tài liệu về tự nhiên.

Thời đại vàng của phim bom tấn dày đặc kỹ xảo nhưng thiếu chiều sâu nội dung có lẽ đã trôi qua từ vài năm trước.

Avatar phần 2 xuất hiện như kẻ lạc thời. Trong khi đó, tuyến truyện không được chăm chút phát triển. 

Cách James Cameron khai thác các khía cạnh gia đình đi theo mô thức vắt bò ra sữa (cash cow) ở những bộ phim hoạt hình phần 2, 3, 4, 5 của Disney.

Đạo diễn đã phí phạm cơ hội tạo ra những xung đột chính trị, đạo đức trong một thế giới mới hấp dẫn. 

Vậy nên sẽ khó trách khán giả khi họ không biết thảo luận gì ngoài chuyện chúng trông khá... bắt mắt. 

Nên nhớ Minions: Sự trỗi dậy của Guru đã thành công thế nào ở khía cạnh phòng vé (doanh thu gấp 10 lần chi phí thực hiện) và đem lại cho khán giả những tràng cười lăn lê. Thế mà, phim hoạt hình này lại có tên trong danh sách 5 bộ phim tệ nhất năm của tạp chí Variety.

Avatar: The Way of Water: Chỉ thỏa mãn về hình ảnh - Ảnh 9.

Cảnh trong Avatar

Đấu tranh cho phúc lợi động vật

Avatar phần 2 vẫn có điểm sáng đối với các nhà hoạt động vì tự nhiên. Trong phim, các kỹ thuật săn bắt cá voi đã được áp dụng cho quá trình săn loài tulkun ở Pandora.

Chính xác đó là những gì đang diễn ra ở vùng biển Na Uy, khi những con cá mẹ bơi chậm hơn để bảo vệ con mình lại lọt vào tầm ngắm của các tàu đánh cá.

Săn cá voi là ngành được chính phủ nước này bảo trợ bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia. Với sức ảnh hưởng của mình cùng những hình ảnh tráng lệ, kích thích yếu tố kịch tính và đau thương, Avatar: The Way of Water có thể giúp đẩy mạnh các cuộc đấu tranh vì phúc lợi động vật và nâng cao nhận thức quốc tế.

Diễn viên Avatar biến thành người da xanh đầy cảm xúc cách nào? Diễn viên Avatar biến thành người da xanh đầy cảm xúc cách nào?

Avatar 1 làm cách mạng với công nghệ nắm bắt chuyển động, cách đây 13 năm. Và nay, Avatar 2 nâng tầm công nghệ thành nắm bắt diễn xuất, ghi lại cảm xúc tinh tế hơn của nhân vật.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên