Chứng khoán "đỏ lửa" trong phiên 20-6, với 221 mã nằm sàn - Ảnh: B.MAI
"Mong manh thật sự, tài khoản lại phải "nằm viện" dài rồi", anh N.H.Hoàng (nhà đầu tư) chia sẻ khi chứng kiến thị trường chứng khoán lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần 20-6, tổng danh mục đầu tư của anh vốn đã âm lại càng âm thêm.
Mặc dù khởi động phiên đầu tuần trong sắc đỏ, sau đó có thời điểm hồi phục lên sắc xanh, nhưng diễn biến tăng trưởng không bền, thị trường chứng khoán đảo chiều lao dốc mạnh, đặc biệt là thời điểm gần cuối phiên giao dịch.
Áp lực bán diễn ra trên hầu hết các ngành, trong đó chỉ số cổ phiếu của những ngành bị giảm 3 - 6% gồm tài chính, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng, năng lượng, dịch vụ tiện ích và công nghiệp.
Ở phiên đầu tuần, hàng loạt cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng bị bán mạnh, kéo chỉ số chứng khoán VN-Index đi xuống, điển hình như các mã BID (BIDV), VPB (VPBank), MBB (MBBank), TCB (Techcombank), CTG (Vietinbank)...
Áp lực bán cũng lan rộng tới cổ phiếu thuộc nhiều nhóm ngành khác nhau, bao gồm cả nhiều mã nổi bật của các doanh nghiệp lớn như GAS (PetroVietnam Gas), HPG (Tập đoàn Hòa Phát), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), VHM (Vinhomes), MSN (Masan)...
Trong phiên, trừ mã GAB (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC) không xuất hiện giao dịch, còn lại toàn bộ các mã thuộc "họ FLC" như FLC (Tập đoàn FLC), ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS) và ART (Chứng khoán BOS) đều bị rớt xuống giá sàn.
Ở "họ FLC", mã ART có giá cao nhất với 4.200 đồng/cổ phiếu, HAI là mã thấp nhất với 1.950 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nhiều mã thuộc họ FLC đã bị giảm từ 85% trở lên so với đỉnh lịch sử lập vào hồi đầu năm nay.
Dù không đủ lực để giúp đảo xu hướng chung, việc tăng trưởng của các mã như VNM (Vinamilk), SHB (SHB), VJC (Vietjet Air), FPT (FPT), PDN (Cảng Đồng Nai), IMP (Dược phẩm Imexpharm)... cũng góp phần xoa dịu một số nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đón nhận dòng tiền mua vào các cổ phiếu thuộc ngành thủy sản như VHC (Thủy sản Vĩnh Hoàn), IDI (Đầu tư và phát triển đa quốc gia), FMC (Thực phẩm Sao Ta), ACL (Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang)…
Khép lại phiên giao dịch, chỉ số chứng khoán VN-Index chính thức không thể giữ được mốc kháng cự 1.200 điểm, mà rớt 36,9 điểm (-3,03%) lùi về mốc 1.180 điểm - thấp nhất kể từ phiên 16-5 đến nay.
Cả sàn HNX và rổ UPCoM cũng bị giảm lần lượt 12,14 điểm (-4,33%) xuống 267,92 điểm và 1,66 điểm (-1,91%) xuống 85,44 điểm.
Trên toàn thị trường có 787 mã chứng khoán bị rớt giá - bao gồm 221 mã nằm sàn, nhiều hơn gần 4 lần số mã tăng giá.
Tổng giá trị giao dịch mua bán cổ phiếu trên toàn thị trường đạt hơn 18.500 tỉ đồng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, chỉ báo tâm lý ngắn hạn trên thị trường chứng khoán đang trong vùng bi quan quá mức, nên thị trường vẫn có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật ngắn hạn. Dù vậy, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm.
Phố Wall xuất hiện nhịp hồi ngắn hạn
Đồng USD và lợi suất trái phiếu tiếp tục hạ nhiệt, đặc biệt là giá hàng hóa hạ nhiệt trong các phiên giao dịch cuối tuần qua, giúp các nhà đầu tư yên tâm về bức tranh tăng lãi suất vào tháng 7-2022.
Trên sàn chứng khoán Mỹ, chỉ số Nasdaq đóng cửa tăng 1,4% với khối lượng giao dịch tăng đột biến so với mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức cao. Theo YSVN, xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức giảm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận