28/01/2013 06:48 GMT+7

Áo tết lên "cổng trời"

V.TOÀN - V.ĐỊNH - T.OANH
V.TOÀN - V.ĐỊNH - T.OANH

TT - Từ ngày 25 đến 27-1, hơn 3.000 suất quà của chương trình “Áo tết tặng bạn” đã vượt hàng trăm cây số trong cái rét căm căm đến với học sinh và giáo viên miền núi giáp biên giới Lào thuộc ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa.

945 phần quà xuân bạn đọc Tuổi Trẻ tây tiến

6L0XzUfw.jpgPhóng to
Quà tết đã đến với các em học sinh Trường Mường Lống 1 ở “cổng trời” Nghệ An - Ảnh: Tố Oanh

Vượt 21km đường vành đai biên giới đầy dằn xóc của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, chúng tôi đến Trường tiểu học Tà Cạ, nơi có hơn 200 học sinh “chẳng có chi” (Những học sinh “chẳng có chi”, Tuổi Trẻ ngày 29-12-2012). Điểm trường nằm bên bờ sông biên giới Nậm Mộ (một nhánh sông thượng nguồn hợp thành sông Cả) một bên Việt, một bên Lào.

Áo tết đầu tiên

"Đã có tiền mua chút thịt cho ông bà ngoại rồi, lâu lắm rồi con và ông bà chỉ toàn ăn rau"

Chiều ấy, khi xe tải chở quà tết đến cổng Trường Tà Cạ, hơn trăm học sinh người Khơ Mú mặc áo mỏng manh, chân đất reo vui chào đón. Thầy giáo Mùa Bá Lồng bắt tay chúng tôi rất chặt, giọng cảm động: “Các anh đi đường xa tới chốn này lại có quà “3 trong 1” (một túi quà có áo mới, bánh và 100.000 đồng) cho học sinh, lại tặng cả giáo viên (một túi quà bánh và 300.000 đồng) khiến cả thầy lẫn trò đều mừng”. Em Hoa Thị Day, học sinh lớp 5A, nói từng tiếng một: “Áo này con để dành mặc đón tết. Đây là lần đầu tiên tết con có áo mới. Bánh kẹo chia cho cả nhà. Còn tiền thì...”.

Thấy học trò ngập ngừng, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Thành đỡ lời: “Bố mẹ các em ở những bản Khơ Mú thường có tiền là uống rượu trắng đêm. Trước khi biết đoàn sẽ trao quà tết, chúng tôi đã mời các phụ huynh đến vận động không dùng tiền quà của con uống rượu say mà để sắm sửa tết cho gia đình. Ai cũng gật đầu”.

Những chiếc áo tết màu đỏ do Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA tặng được các học sinh Tà Cạ háo hức mặc thử ngay tại chỗ. Một sắc đỏ đón xuân ngập tràn khiến cả sân trường rộn ràng với không khí tết đang về rất gần. Ở điểm Trường PTCS dân tộc bán trú Tây Sơn, điểm trường của học sinh người Khơ Mú xen lẫn người Thái, các em cũng không giấu nổi niềm vui bởi đây là lần đầu tiên nhận nhiều quà tết của bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Điểm trường trên điểm cao nhất của huyện Kỳ Sơn với 1.300m so với mặt biển là hai trường tiểu học Mường Lống 1, Mường Lống 2. Đây là điểm trường của học sinh người Mông, cách xa trung tâm huyện 42km. Mỗi khi vào đây, mọi người không nói “vào Mường Lống” mà thay bằng câu nói quen thuộc: “Lên cổng trời”.

Sự yên lòng đầu tiên của chúng tôi là tuyến đường đang tiếp tục được trải nhựa tại những điểm hiểm trở nhất. Xe đi không chỉ có đèn gầm mà còn phải bật cả đèn pha. Trời miền rừng mưa, gió đã lạnh nhưng mỗi khi xe xóc, nhìn con đường len lỏi giữa một bên vách núi cheo leo, kề bên vực sâu hun hút ai cũng ớn lạnh thêm. Nhưng rồi sau gần hai giờ, xe chúng tôi cũng bò ngược lên con dốc cuối cùng dài vòng vèo để chạm vào “cổng trời” heo hút trong sương bay.

Thầy Phạm Viết Phúc - hiệu trưởng Trường Mường Lống 2 - cho biết: “Điểm trường gần đây nhất cũng cách 6km, 15 lớp còn lại tại bốn điểm lẻ ở trong khe, trong bản xa 12km, nhưng các em toàn đi bộ đến trường một mình. Có quà tết là vui nhất rồi”. Không khí buổi trao quà diễn ra trên sân trường cũng ấm cúng, xúc động như ở Tà Cạ, Tây Sơn bởi ở vùng biên giới này mái trường nào cũng lãng đãng sương bay, cũng rừng núi bao bọc và học sinh dù người Khơ Mú, người Thái hay người Mông cũng nghèo khó như nhau. Lầu Y Vị, học sinh lớp 5A - liên đội trưởng của trường, đã mạnh dạn trò chuyện với chúng tôi: “Tiền tết trong túi quà này, cha mẹ sẽ dành để mua bút, giấy cho em học chứ không uống rượu đâu”.

Bên sân trường, các bà mẹ trẻ địu con thơ đứng xem con mình nhận quà. Ánh mắt của các chị cũng long lanh xúc động. “Lần đầu tiên con tôi được nhận quà tết, không chỉ mẹ con tôi mà dân bản đều vui lắm đấy”- chị Hờ Y Mai, mẹ của Y Hải, học sinh lớp 3B, nói.

n3DG3SCe.jpgPhóng to
Học sinh Trường PTCS dân tộc bán trú Tây Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An) háo hức mặc thử áo tết - Ảnh: Tố Oanh

Có tiền mua chút thịt

Những món quà tết đầy tình cảm đến từ phương xa khiến nhiều học sinh, giáo viên ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh không giấu được nước mắt xúc động. Nơi đây còn rất nhiều học sinh đến trường bằng đôi chân trần lấm lem, tấm áo sờn cũ không lành lặn dù trời rét cắt da. Đón nhận phần quà, Lê Thị Ngọc Anh (lớp 9 Trường THCS Sơn Hồng, xã Sơn Hồng, Hương Khê) bật khóc. Cuộc sống của cả nhà em chỉ dựa vào những ngày mẹ khỏe đi rừng lấy củi, chặt cây ná đong gạo, còn bố đau ốm suốt. Năm nào hai chị em Ngọc Anh cũng không có quần áo mới đi học, đến sách vở cũng mượn bạn bè về học. Tài sản giá trị nhất của gia đình em chỉ có một chiếc xe đạp cũ kỹ đèo nhau đến trường. Còn ở Trường tiểu học Sơn Hồng, cậu học trò lớp 5 Phạm Thanh Sang chia sẻ về món quà tết khiến ai cũng bùi ngùi: “Đã có tiền mua chút thịt cho ông bà ngoại rồi, lâu lắm rồi con và ông bà chỉ toàn ăn rau. À, còn mua thêm đôi tất cho ông bà đêm ấm chân hơn. Chưa bao giờ nhà con có nhiều bánh tết thế này, ông bà chắc sẽ mừng lắm”. Sang không có bố, mẹ lấy chồng xa xứ. Từ ngày vác nổi chiếc rìu nhỏ, chặt đứt được cái cây, ngoài giờ đến trường Sang theo ngoại lên rừng kiếm củi về đổi gạo.

“Hi vọng món quà nhỏ mang màu sắc tết này sẽ giúp gia đình các em có được một cái tết ấm cúng”, trao từng món quà cho các học trò nhỏ, bà Nguyễn Thương Huyền, đại diện Công ty Kinh Đô - đơn vị ủng hộ 1.000 phần quà bánh kẹo tết cho tỉnh Hà Tĩnh, bồi hồi. Nhìn thấy những em học sinh vui mừng mở quà ra xem, ông Phạm Ngọc Hùng - phó chủ tịch UBND xã Sơn Hồng - xúc động: “Với số quà này, tôi nghĩ các em học sinh cũng như gia đình các em sẽ đỡ đi nhiều lắm cho cái tết năm nay”. Ông cho biết Sơn Hồng là xã nghèo nhất huyện Hương Sơn.

1,2 tỉ đồng nghĩa tình

Chỉ trong ba tuần lễ, hơn 1,2 tỉ đồng (tiền và quà) đầy nghĩa tình của bạn đọc đã đóng góp cho chương trình “Áo tết tặng bạn” dành cho học sinh, giáo viên vùng cao do báo Tuổi Trẻ phát động. Từ ngày 21 đến 31-1, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các đơn vị bộ đội biên phòng, tỉnh đoàn, phòng giáo dục, hội bảo trợ trẻ em, mạnh thường quân trao tặng hơn 4.500 suất quà tết cho học sinh và giáo viên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn tại năm tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa (mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng/học sinh và 400.000 đồng/giáo viên).

T.O.

Tết này em vui lắm

Sân Trường tiểu học Tây Tiến (xã Mường Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) sáng 27-1 ấm dần lên khi phụ huynh đưa các em đến nhận quà của bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Anh Giàng A Dềnh, ở bản Trung Thắng (Mường Lý), đưa con đi nhận quà, tâm sự: “Cách đây gần một tuần, chúng tôi được thầy giáo cắm bản mời ra điểm trường chính nhận quà của bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Sáng sớm, khi con gà còn ngủ say, cha con tôi đã dậy, gói vội nắm cơm rồi nhanh chóng vượt gần 5km đường rừng núi cheo leo để xuống điểm trường chính nhận quà cho kịp giờ”.

Trong hai ngày 26 và 27-1, đoàn công tác của báo Tuổi Trẻ đã vượt qua hàng trăm cây số đường rừng núi ở Thanh Hóa để trao 945 suất quà tết cho các em học sinh ở các trường tiểu học xã biên giới Yên Khương (huyện Lang Chánh), tiểu học xã biên giới Hiền Kiệt (huyện Quan Hóa), tiểu học Tây Tiến (huyện Mường Lát) và 96 suất quà tết cho giáo viên ba trường nêu trên.

Em Vàng A Dua (dân tộc Mông) ở bản Xì Lồ (Mường Lý) xúc động khi nhận gói quà tết: “Chưa bao giờ em được nhận quà tết nhiều như vậy. Có bốn gói bánh to. Tết này em vui lắm. Tiền lì xì em đưa cho bố mẹ mua quần áo mới”. Còn em Lò Phương Anh, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Yên Khương II, xã biên giới Yên Khương, cầm bao lì xì có 200.000 đồng tiền mặt và gói quà của bạn đọc báo khoe với mẹ ngay: “Tết này con không phải mặc quần áo cũ nữa vì đã có tiền để bố mẹ mua quần áo mới cho con rồi”.

H.ĐỒNG

V.TOÀN - V.ĐỊNH - T.OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên