25/02/2013 18:24 GMT+7

Anne Hathaway: Đường đến vinh quang không chỉ có hoa hồng

NGUYÊN PHẠM
NGUYÊN PHẠM

TTO - Anne Hathaway đã có tượng vàng đầu tiên trong cuộc đời diễn viên của mình. Thành công được nhìn thấy rõ, nhưng không ai biết phía sau ánh hào quang này Anne Hathaway đã trải qua một chặng đường lao động và cống hiến miệt mài.

Oscar 2013: Phim xuất sắc nhất - Argo

Uol6AwPu.jpgPhóng to

Anne Hathaway nhận giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 85 vừa diễn ra sáng nay
hqUIV3kR.jpgPhóng to
Hình ảnh Anne Hathaway trong phim Les Misérables - Ảnh: IMDB

Lần lượt chinh phục hết những giải thưởng lớn nhỏ như Oscar, Quả cầu vàng, Giải thưởng của Hiệp hội Diễn viên Mỹ… nhờ vai diễn cô gái điếm Fantine trong Les Misérables (Những người khốn khổ), ai cũng nghĩ danh hiệu nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất dành cho Anne Hathaway là điều “tất lẽ dĩ ngẫu”.

Nhưng ít người ngờ rằng để có 10 phút xuất hiện trên phim và rồi sau đó tỏa sáng ở suốt mùa giải thưởng điện ảnh, nữ diễn viên 30 tuổi này đã phải hi sinh khá nhiều.

Sinh ra để làm Fantine

Sinh trưởng trong một gia đình có cha là luật sư và mẹ là diễn viên, tình yêu với nghệ thuật đã sớm nảy sinh nơi Anne ngay từ khi còn bé. Năm lên 7 tuổi, Anne được xem một vở nhạc kịch mà mẹ cô, bà Kathleen Ann McCauley, chính là người đảm nhận vai Fantine trong tour diễn vở Les Misérables đầu tiên tại Mỹ.

“Tôi nghĩ vở diễn ngày hôm đó đã khiến tôi thật sự muốn trở thành diễn viên. Nó cho tôi khái niệm về việc biểu diễn, về khả năng kể một câu chuyện thông qua diễn xuất và tôi cũng bắt đầu yêu thích ca hát kể từ đó”, Anne sau này tâm sự lại với Fox News.

Hơn 20 năm sau những ấn tượng đầu tiên về Fantine, năm 2011 Anne có cơ hội tái hiện nhân vật này trên màn bạc khi tham gia thử vai trong bộ phim của đạo diễn Tom Hooper.

Vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký, Anne nhận được vai diễn với nhiệm vụ quá rõ ràng: Hóa thân thành một cô gái điếm “khốn khổ” - một người chấp nhận, bán thân, bán tóc, thậm chí bán cả răng để lấy tiền nuôi con.

Quá trình khổ luyện để trở thành một Fantine suy kiệt bắt đầu. Trong vòng 5 tuần, Anne phải ăn kiêng để giảm hơn 11 kg. Mỗi ngày nữ diễn viên chỉ được tiếp nhận chưa tới 500 calo ( bằng 1/4 chỉ số calo tối thiểu cho một ngày của người bình thường) bằng cách ăn một quả táo và đôi khi bổ sung một chút ngũ cốc ăn kiêng.

Ngoài ra, Anne vẫn phải duy trì những bài tập luyện giọng trong vòng 4 tháng trước khi Les Misérables bấm máy và liên tục 9 tuần khi phim đang quay. Trong thời gian này, nữ diễn viên với gương mặt khả ái cũng phải chấp nhận cắt đi mái tóc mà cô “nuôi dài” trong 3 năm để phù hợp với hình dáng nhân vật.

Điều đáng nói Anne “không cảm thấy rằng mình đang hi sinh” mà đơn giản cô chỉ làm những điều mà bản thân “nghĩ là mình cần phải làm vậy”.

“Thành thực mà nói, tôi nghĩ cô ấy đã đi quá xa với những yêu cầu mà cô cần thực hiện. Tôi đã cố gắng ngăn cản cô ấy,” đạo diễn Tom Hooper nói về tinh thần làm việc của Anne.

Giấc mơ trở thành hiện thực

Đứng trên sân khấu lễ trao giải ngày 24-2, chạm tay vào tượng vàng Oscar danh giá, Anne Hathaway nghẹn ngào phát biểu: “Giấc mơ đã thành hiện thực”.

Không ai biết giấc mơ Oscar của Anne bắt đầu từ khi nào. Ngay khi cô chạm ngõ môn nghệ thuật thứ 7 với bộ phim đầu tay The Other Side of Heaven (2001) hay khi Anne nổi lên nhờ hình tượng cô công chúa đáng yêu trong loạt phim The Princess Diaries (Nhật ký công chúa -2002).

Cũng có thể niềm mong mỏi Oscar của Anne được nhen nhóm lúc cô dũng cảm từ bỏ hình ảnh ngoan hiền để đảm nhận những vai diễn đa dạng và có chiều sâu hơn: một người vợ bị phản bội trong Brokeback Mountain (2005), một sinh viên ngành báo chí vừa ra trường trong The Devil Wears Prada (2006), đứa em gái nghiện ngập và nổi loạn trong Rachel Getting Married (Đám cưới của Rachel) năm 2008 - bộ phim mang lại cho Anne đề cử Oscar đầu tiên, một nữ nhà văn hiền lành trong One day (2011) hay gần đây nhất là nhân vật Miêu nữ quyến rũ trong phim Người dơi 3

Dù ở tác phẩm nào, người xem cũng dễ dàng nhận thấy sự cống hiến hết mình cho nhân vật của Anne. Và Oscar năm nay là phần thưởng xứng đáng cho nữ nghệ sĩ 30 tuổi này. Giấc mơ được thành hình qua những mồ hôi và quá trình hoạt động nghệ thuật nghiêm túc của Anne.

Như những gì nhà bình luận Lou Lumenick - tờ New York Time- đã viết: “Riêng sự thể hiện của Anne đã đáng để chúng ta nên xem Les Misérables”.

NGUYÊN PHẠM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên