27/02/2016 08:19 GMT+7

​Anh Tư Thượng Vũ của chúng tôi

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG (phamvu@tuoitre.com.vn)
PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG (phamvu@tuoitre.com.vn)

TT - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Nguyễn Văn Kỉnh,Thành ủy TP.HCM đã tổ chức tọa đàm “Nguyễn Văn Kỉnh - người chiến sĩ cộng sản kiên cường”

Bà Mạc Thị Kim Cúc (đứng giữa), phu nhân đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, trò chuyện cùng các đại biểu tham dự buổi tọa đàm về “Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh - người chiến sĩ cộng sản kiên cường” do Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 26-2 - Ảnh: Tự Trung
Bà Mạc Thị Kim Cúc (đứng giữa), phu nhân đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, trò chuyện cùng các đại biểu tham dự buổi tọa đàm về “Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh - người chiến sĩ cộng sản kiên cường” do Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 26-2 - Ảnh: Tự Trung

Sáng 26-2, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức tọa đàm “Nguyễn Văn Kỉnh - người chiến sĩ cộng sản kiên cường”, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Gia đình và nhiều bạn bè đồng chí của ông Kỉnh, những đồng chí lớp sau và nhiều nhà khoa học lịch sử cùng dự.

Kỷ niệm ngày sinh thứ 100 - ông đã đi xa 35 năm - nhưng hình ảnh và những câu chuyện về “anh Tư Thượng Vũ” (Thượng Vũ là bút danh của ông Kỉnh) vẫn sống động, nồng ấm trong những người đồng chí, đồng đội...

“Người như anh không nhiều đâu”

“Tính từ ngày chúng tôi quen nhau đến nay đã 70 năm rồi, bất kể chức quyền cao thấp, chúng tôi luôn hiểu nhau và trọng nhau” - ông Nguyễn Thọ Chân chậm rãi kể.

Ông Thọ Chân là đồng đội của ông Kỉnh từ thời ở các căn cứ kháng chiến tại nông thôn Nam bộ. Với ông Chân, ông Kỉnh là người thầy dạy cho ông nhiều về văn hóa Nam bộ vốn ông còn lạ lẫm.

Đến năm 1966, được cử sang Liên Xô làm đại sứ, một lần nữa ông Nguyễn Thọ Chân được người tiền nhiệm Nguyễn Văn Kỉnh đưa đi giới thiệu với các sứ quán khác, được nghe giải thích, phân tích cặn kẽ và tinh tế về tình hình kinh tế - chính trị của Liên Xô và các quan hệ ngoại giao.

“Nhiều đại sứ các nước tỏ ra rất hâm mộ anh Kỉnh, và dù cung cách ngoại giao có khác nhau nhưng tôi đã được thừa kế nhiều từ anh” - ông Chân nhắc lại.

Và ông kết luận bằng cả sự trải nghiệm thâm trầm tuổi 95: “Anh Kỉnh là người bạn, người đồng chí thông thái và kiên cường của tôi, luôn khiêm tốn và thông cảm với mọi người, được mọi người - không trừ một ai - yêu mến và kính trọng. Trên đời, người như anh không có nhiều đâu”.

Còn với ông Lê Quang Thành, ông Nguyễn Văn Kỉnh là người biết dẫn dắt đồng chí, đồng đội sống đoàn kết, yêu thương và lạc quan trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Là hiệu trưởng một trường chính trị ở Quân khu 9 trong kháng chiến chống Pháp, ông Kỉnh vẫn cho các lớp dành năm phút đầu buổi học để ca hát, ngâm thơ, kể chuyện. Ông cũng đã hai lần đứng ra tổ chức đám cưới tập thể cho năm cặp đôi nên vợ nên chồng.

Bà Phan Hồng Đào kể lại một kỷ niệm xúc động: “Nhân duyên khiến anh chị Kỉnh - Cúc và vợ chồng chúng tôi cùng tổ chức đám cưới tập thể. Là cán bộ cao cấp nên anh chị được ưu tiên hơn chúng tôi hai cái trứng gà luộc, anh chị chia cho chúng tôi một trứng...”.

Phong cách Nguyễn Văn Kỉnh

Ông Lê Quang Thành nhắc về một khía cạnh khác: “Cũng vẫn anh Tư Thượng Vũ nhưng khi tôi gặp lại ở Liên Xô, trong những tình huống căng thẳng về ngoại giao giữa hai nước, anh đã tỏ ra một đại sứ bản lĩnh và quyền biến, kiên quyết giữ vững đường lối của Đảng ta, kiên nhẫn và khéo léo hướng dẫn các cán bộ, sinh viên chúng tôi hóa giải những mâu thuẫn, khúc mắc, giữ vẹn toàn tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước”.

Trong tham luận gửi đến hội thảo, nguyên đại sứ Vũ Hắc Bồng, chia sẻ: “Tôi biết rằng 10 năm làm đại sứ tại Liên Xô, anh Kỉnh phải đứng mũi chịu sào bao vấn đề phức tạp. Đây là thời kỳ mâu thuẫn Xô - Trung ở cao điểm. Chúng tôi thường nói lúc bấy giờ Bộ Ngoại giao và nhiều bộ khác đang ngày đêm xử lý mấy lò lửa: lò lửa Xô - Trung, lò lửa chống Mỹ trong nước và đã bắt đầu xuất hiện những nhân tố tiêu cực từ phía Trung Quốc đến.

Anh Tư Kỉnh là người điềm tĩnh, ít khi thấy anh nao núng. Anh ít nói nhưng là con người sâu sắc, ứng xử không ồn ào. Anh được Đảng tín nhiệm, được anh em cán bộ đồng lòng hợp tác nên anh đã thành công, hoàn thành nhiệm vụ”.

Ông Trần Hữu Phước kể lại: “Anh Tư Kỉnh không bao giờ dùng quyền uy để áp chế cán bộ. Tôi nhớ trong những năm kháng chiến, có một số cán bộ lãnh đạo cấp cao nổi danh là hay “đe”, hay “búa”, hay “chỉnh đốn tư tưởng” cán bộ. Nhưng anh Tư Kỉnh không làm điều đó.

Khi tiếp xúc với những cán bộ phạm phải khuyết điểm sai lầm, anh lấy việc cảm hóa con người và chinh phục nhân tâm bằng đức trị”.

Ông Phước nhận xét đó chính là điểm ưu việt trong nghệ thuật lãnh đạo của ông Tư Kỉnh. Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam bộ, cùng với các đồng chí ở Trung ương Cục miền Nam, ông Kỉnh đã không đồng tình chủ trương sử dụng biện pháp mạnh để giải quyết vấn đề ruộng đất cho giai cấp nông dân trong căn cứ địa kháng chiến.

Ông cũng không đồng tình với phương pháp tiến hành các cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân nội bộ theo kiểu “đao to búa lớn” bằng cách truy bức và quy chụp nặng nề về tư tưởng như Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm tại chiến khu Diên An thời kỳ kháng Nhật.

Cũng theo ông Phước, một trong những đặc điểm nổi bật của anh Tư Kỉnh là ham học hỏi. Trên giá sách và tại bàn làm việc của anh không bao giờ thiếu vắng các loại sách báo nước ngoài. Anh Tư Kỉnh đã tự trang bị cho mình thứ vũ khí rất lợi hại là vốn ngoại ngữ.

“Có thể nói trong Ban chấp hành Trung ương Đảng ta (cả khóa II và khóa III), ngoài Bác Hồ, anh Tư Kỉnh là người giỏi ngoại ngữ nhất. Anh có thể sử dụng tốt tiếng Pháp, Anh, Nga, Quốc tế ngữ, biết tiếng Tây Ban Nha và có thể giao dịch bằng tiếng Quảng Đông”.

Tự hào vì xứng đáng với chồng

Xúc động đến không thể đọc được bài viết đã chuẩn bị sẵn, bà Mạc Thị Kim Cúc - người bạn đời của ông Kỉnh - chỉ có thể đứng lên nói vài lời cảm ơn những bạn bè, đồng chí, đồng đội của ông Kỉnh đã luôn lưu giữ những kỷ niệm về ông.

Cuối buổi, khi cả gia đình tụ lại chụp những tấm ảnh kỷ niệm, khi ôm vào lòng tấm ảnh chân dung ông mà ông Trần Quân Ngọc trao tặng, thấy bà như khỏe hẳn. Bà rỡ ràng chỉ: “Đây Kim Vũ, Nam Vũ, Bắc Vũ, dù phải lớn lên trong chiến tranh ác liệt, gian khổ, thiếu thốn nhưng đều đã trưởng thành, người là sĩ quan công an, quân đội, người là kiến trúc sư. Đây các cháu ngoại, cháu nội đều đã có bằng tiến sĩ trong, ngoài nước.

Chồng tôi luôn đề cao việc học, nên bản thân tôi cũng đã cố gắng theo học rất nhiều để nâng cao trình độ bản thân, các con cháu đều noi gương ông. Chúng tôi tự hào vì mình đều xứng đáng với lòng ông mong đợi”.

Nhiều bạn bè, đồng chí nhắc đến câu chuyện riêng, nói về những căn nhà và mảnh đất tại TP.HCM của gia đình mà ông Kỉnh đã không làm đơn xin lại sau ngày thống nhất, nhưng bà Cúc gạt đi: “Ông đã nói để đó làm tài sản công, để xây dựng bệnh viện, trường học cho nhân dân thì có ích hơn, nên gia đình chúng tôi không có ý kiến gì nữa, chỉ mong ông toại nguyện”.

Tôn vinh một tấm gương cộng sản

Ông Tất Thành Cang - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - bày tỏ: “Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh luôn giữ vững phẩm chất trong sạch, liêm khiết, khiêm tốn, giản dị, không khoa trương, tiết kiệm, quý trọng thời gian và không ham muốn quyền lợi cho riêng mình.

Trong công tác, kể cả thời chiến cũng như thời bình, ông luôn gắn bó mật thiết với nhân dân. Ông là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, với khát khao hiểu biết, dù trong tù, nơi chiến khu đạn bom ác liệt hay những khi bộn bề công tác, ông vẫn học tập không ngừng nâng cao kiến thức văn hóa, khoa học, lý luận”. 

 

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG (phamvu@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên