26/02/2016 09:01 GMT+7

“Con rồng giữ của” của Đảng

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Có một cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, nhưng ký ức về ông Nguyễn Văn Kỉnh trong người thân, đồng chí, đồng đội lại không phải hình ảnh một người lãnh đạo hay sự nghiệp, thành tích...

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại sứ Nguyễn Văn Kỉnh tại Liên Xô - Ảnh: Tư liệu gia đình
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại sứ Nguyễn Văn Kỉnh tại Liên Xô - Ảnh: Tư liệu gia đình

Tất cả đều đã qua đi theo thời gian, còn lại chỉ là những mẩu chuyện nhỏ về một người có nhân cách lớn.

“Đảng phí” của quần chúng

Trong hồi ký Chúng tôi làm báo kể về giai đoạn 1937-1939, thời gian hoạt động của báo Le Peuple viết bằng tiếng Pháp - tờ báo Đảng đầu tiên tại Nam kỳ, ông Nguyễn Văn Trấn bằng giọng văn dí dỏm, uyên bác của mình đã gọi Nguyễn Văn Kỉnh, người được giao nhiệm vụ quản lý báo, là “con rồng giữ của của Đảng” (ông Kỉnh sinh năm Bính Thìn 1916 - PV).

Tờ báo, đúng như tên gọi, đăng những bài viết hướng đến giới công nhân, thợ thuyền, tiểu thương, kêu gọi thành lập nghiệp đoàn, tổ chức phong trào ái hữu, tuyên truyền đường lối của Đảng.

Không phải ai cũng đọc được báo in tiếng Pháp, nên ngoài việc tổ chức mạng lưới phát hành, lạc quyên, Nguyễn Văn Kỉnh còn vận động đội ngũ làm “báo miệng” để đọc, giải thích, bàn luận. Mỗi sáng, những góc phố, con hẻm, tiệm nước xôn xao bên tờ Le Peuple.

Ngoài những bài xã luận ký tên Le Peuple hay dịch thuật ký tên chung, tác phẩm riêng của Nguyễn Văn Kỉnh là những “bài báo mà không phải bài báo”. Nguyễn Văn Trấn trích trong sách: “Chị Ba 0đ50; Dì Chín Tiều 0đ10; Một anh ở Long Thượng 10đ; Trò Ba 0đ05; Hội đồng Tồn 2đ (hàng tháng); Anh chị em Phước Hiệp 5đ; Sổ ủng hộ Vũng Thơm, Vĩnh Long 6đ...”.

Ông Trấn ghi lại nguyên văn lệnh của quản lý Kỉnh: “Số nào bài vở có thừa mà phải cắt bớt thì cắt bài cũng được, còn sổ ủng hộ thì phải đăng hết. Tây không sợ mấy bài xã luận, sợ là sợ sổ ủng hộ đó”.

Không chỉ là đồng tiền để nuôi tờ báo non trẻ và đầy khát vọng, ông Kỉnh giải thích với anh em: báo ta viết “công nhân lãnh đồng lương chết đói, nông dân sống cực khổ, mỏi mòn”, nay chúng ta viết: người ủng hộ một cắc, người ủng hộ năm xu. Số tiền ấy lớn, quý giá biết bao nhiêu, nó là “Đảng phí” mà quần chúng đóng góp, là sự giác ngộ, hi vọng của họ.

Một câu chuyện được chép lại: Một ông lão đã mời anh tuyên truyền viên của báo về nhà, trịnh trọng đến bàn thờ tìm lục ra một quan tiền: “Tôi chỉ có một quan tiền, nay đem ra kính Đảng. Xin quới nhơn cầm giùm và thưa lại tấm lòng mộ nghĩa của kẻ sĩ khó này”. Quan tiền mang về khiến cả tòa báo lặng đi.

Quản lý những đồng tiền “nặng như núi” nên Nguyễn Văn Kỉnh, một “dân Tây” sung túc tuổi đôi mươi, đã tự vạch ra cho mình nguyên tắc nghiêm khắc. Ông Trấn kể lại: “Gần tòa báo Le Peuple có một tiệm nước mà chúng tôi gọi là “cafe báo chí”. Sáng nào chúng tôi cũng đến đó, chỉ trừ Nguyễn Văn Kỉnh. Anh tự nhận xét mình là người giữ tiền ủng hộ, tuyệt đối không đi tiệm nước...”.

Cứ thế, từ sức mạnh “Đảng phí của quần chúng” mà từ Le Peuple, những đảng viên trẻ làm báo trên lưỡi dao đã ra thêm được tờ Dân Chúng, rồi Lao Động bằng tiếng Việt, đến trực tiếp với từng người dân. Sau này, trong kháng chiến, ông Kỉnh còn tiếp tục xây dựng, làm quản lý nhiều tờ báo.

Bút danh Thượng Vũ của ông xuất hiện dưới nhiều bài xã luận, bình luận, và tư tưởng, phong cách của báo Dân Chúng vẫn mồn một.

Nhà báo Trần Bạch Đằng ghi lại: “Một lần, anh Kỉnh gọi tôi đến văn phòng Trung ương Cục đóng ở khu Chín, chỉ vào bài phóng sự của báo Nhân Dân Miền Nam nói về lối cắt cỏ cải tiến, năng suất cao: Nói vừa vừa thôi, nói quá sau này mất công đính chánh. Ráng mà viết cho thật. Tôi thấy dân còn nghèo, thất học, báo của chú lại không viết. Ừ thì kháng chiến còn dài, phải động viên bà con. Song, bà con khổ, cán bộ chỗ này chỗ khác phách lối, báo cần nêu lên phê phán. Tại sao báo của chú không mở mục ý kiến độc giả? Nếu cái gì cũng tốt hết thì cần chi chú ra báo...”.

Bà Mạc Thị Kim Cúc với những kỷ niệm về người bạn đời - ông Nguyễn Văn Kỉnh - Ảnh: Tự Trung
Bà Mạc Thị Kim Cúc với những kỷ niệm về người bạn đời - ông Nguyễn Văn Kỉnh - Ảnh: Tự Trung

 

Đại sứ “nhịn miệng đãi khách”

Với bà Mạc Thị Kim Cúc, người bạn đời, người vợ hiền của ông, 10 năm làm phu nhân đại sứ ở Liên Xô là 10 năm bà được chia sẻ với công việc của chồng một cách gần gũi nhất, thấm thía nhất đức cần kiệm liêm chính, nghĩa tình với bạn bè, đồng chí của ông.

Ấy là những năm đầy khó khăn khi đất nước vừa chấm dứt cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm dằng dặc gian khổ, cuộc chiến tranh khác để đi đến thống nhất đang chờn vờn trước mắt. Đại sứ được giao trọng trách đại diện hình ảnh đất nước, xây dựng tình hữu nghị, vận động sự ủng hộ quốc tế về cả vật chất lẫn tinh thần.

Thời gian ấy lại là lúc quan hệ Liên Xô - Việt Nam gặp những bất đồng căng thẳng về quan điểm. Nhiệm vụ nặng nề, lớn lao nhưng chi phí của sứ quán lại rất eo hẹp, tiêu chuẩn tiếp khách quốc tế chỉ có trà đường, bánh kẹo và... hết. Mang theo hai con nhỏ, ngoài tiêu chuẩn lương, nhu yếu phẩm, vợ chồng ông trừ lương mình để trả tiền mua áo lạnh, học nội trú của con.

Mười năm làm đại sứ, ông Kỉnh chỉ sử dụng ba bộ comlê, cả sứ quán xem chung một máy truyền hình, ông không dùng dù chỉ một viên kẹo ngoài tiêu chuẩn. Đức cần kiệm nghiêm khắc mà ông đã rèn luyện từ ngày còn rất trẻ ở báo Dân Chúng vẫn nguyên vẹn. Vậy mà khi sứ quán có khách trong nước, nhất là các đoàn chiến sĩ miền Nam, ông bảo bà: “Trong nước chiến tranh gian khổ, một đời anh em mới có dịp ra nước ngoài, ghé thăm sứ quán ta một lần, phải khoản đãi nồng hậu”, và không quên dặn thêm: “Không được động đến quỹ chung. Nước ta còn nghèo lắm...”.

Vậy là bà Kim Cúc nhín nhút đắp đổi, cắt giảm khoản này khoản kia của gia đình để có được buổi tiệc cá rau, bánh xèo đãi khách, mua được vài vé metro đưa khách đi tham quan. Đoàn khách Việt Nam nào ghé Matxcơva cũng đều nhắc nhớ tình cảm nồng ấm của gia đình ông đại sứ.

“Ai cũng nghĩ làm đại sứ thì sung sướng lắm, đâu biết mình thiếu thốn. Nhưng so với những người phải trải qua chiến tranh trong nước thì chúng tôi sung sướng thật, vậy nên bản thân phải cố gắng chắt bóp nhưng anh Kỉnh rất vui, và tôi cũng vậy. Có lúc khách đông, nấu ăn chỉ đủ mời anh em...” - bà Cúc nhắc lại như câu chuyện mới hôm qua.

Giở tập ảnh lưu trữ của gia đình, bà chỉ vào một tấm: “Anh Tô (tức Thủ tướng Phạm Văn Đồng - PV) đến thăm sứ quán, bế Bắc Vũ, anh Kỉnh dắt Nam Vũ bên cạnh. Lúc này anh Tô đang nhắc tôi đừng để con mặc không đủ ấm”. Nhìn kỹ vào tấm ảnh, thấy rõ đôi giày của bé Bắc Vũ đang hở mõm và một lỗ thủng trên áo len của Nam Vũ...

Ba nhiệm kỳ đại sứ đã đi qua như thế.

Một đời sôi nổi

Sinh ngày 28-2-1916 tại Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Kỉnh là một người Sài Gòn “chính hiệu”, có quốc tịch Pháp, theo học ở Trường Pétrus Ký danh giá. Là “dân Tây”, nói tiếng Pháp, học trường Tây nhưng cậu Kỉnh nhận thức rõ hoàn cảnh “nước mất, nhà tan” và đi theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc từ rất sớm.

Vào Đảng năm 1938, Nguyễn Văn Kỉnh đã tham gia lãnh đạo cả Nam kỳ khởi nghĩa 1941 và Cách mạng Tháng 8-1945 tại Sài Gòn. Bốn lần nằm Khám Lớn, một lần bị kết án tử hình và được giảm xuống chung thân nhờ quốc tịch Pháp, cứ ra tù ông lại quay lại với hoạt động.

Hai lần được bầu làm bí thư Thành ủy Sài Gòn (1945 và 1954), từ 1956-1966 ông được cử làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên Xô, kiêm đại sứ tại Albania và Romania. Khi về nước, ông làm phó Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, bí thư Đảng đoàn các tổ chức đoàn kết và hữu nghị.

Ông mất năm 1981 do bệnh nặng, thọ 65 tuổi.

Năm 2012, TP.HCM đặt tên Nguyễn Văn Kỉnh cho một con đường ở P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2.

Thắp hương tưởng nhớ nhà cách mạng Nguyễn Văn Kỉnh

Sáng 25-2, đoàn lãnh đạo TP.HCM do ông Lê Thanh Hải - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM - dẫn đầu đến thăm và thắp hương tại nhà riêng của nhà cách mạng Nguyễn Văn Kỉnh, nhân 100 năm ngày sinh của ông (28-2-1916).

Đi cùng có ông Tất Thành Cang - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND TP.HCM - cùng đại diện UBND TP, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM...

Đoàn lãnh đạo cùng ôn lại quá trình hoạt động cách mạng của ông Nguyễn Văn Kỉnh qua những thước phim tư liệu quý mà gia đình lưu giữ. Đoàn đã thăm hỏi, trò chuyện với bà Mạc Thị Kim Cúc (89 tuổi), phu nhân của nhà cách mạng, cũng như các thành viên trong gia đình.

Theo kế hoạch, 8g sáng nay (26-2), buổi tọa đàm về những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và quá trình xây dựng, bảo vệ TP.HCM của nhà cách mạng Nguyễn Văn Kỉnh do Thành ủy TP.HCM tổ chức diễn ra tại Hội trường Thành ủy TP.HCM.

MINH PHƯỢNG

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên