18/05/2008 04:01 GMT+7

Anh tan ca đêm, em vào ca sáng...

 PHI LONG - ĐÌNH DÂN
 PHI LONG - ĐÌNH DÂN

TT - Là vợ chồng nhưng có khi cả tuần họ chỉ gặp mặt nhau đúng một lần. Đó là tình cảnh của nhiều đôi vợ chồng công nhân làm trái ca ở ngoại thành TP.HCM.

MDOpCJ1m.jpgPhóng to

Mẹ con chị Nguyễn Thị Diệu - Ảnh: Đ.DÂN

TT - Là vợ chồng nhưng có khi cả tuần họ chỉ gặp mặt nhau đúng một lần. Đó là tình cảnh của nhiều đôi vợ chồng công nhân làm trái ca ở ngoại thành TP.HCM.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Hơn 8 giờ tối, căn phòng nhỏ chỉ đủ kê một chiếc giường, một góc bếp của chị Nguyễn Thị Liên vắng lặng hơn các phòng bên cạnh. Cũng có chồng, có con như bao người bạn cùng lứa khác nhưng niềm vui sum vầy với cảnh cả gia đình ngồi xem phim buổi tối đối với chị là một thứ xa xỉ. "Thấy người ta như mình nhưng ngày nào cũng có chồng bên cạnh mà mủi lòng", chị buồn buồn nói.

Cả tuần vợ chồng chưa gặp nhau

Vào Sài Gòn làm từ năm 2000, chị Liên và anh Phạm Văn Tùng đã có với nhau hai mặt con. Chị thêu gia công ở Công ty Freetrend từ 7g30-16g30, còn anh làm bảo vệ từ 18g-6g sáng hôm sau. Mỗi ngày hai vợ chồng chỉ ở bên nhau chưa đầy 30 phút do anh làm cách nhà khá xa. Vì thế, đứa lớn bốn tuổi gửi lại cho ông bà nội ở miền Trung, còn đứa nhỏ chưa đầy một tuổi thì gửi nhà trẻ. Chị Liên gạt nước mắt: "Vì khó khăn quá nên phải gửi cháu về cho ông bà chứ nhớ lắm. Tuần nào cũng phải gọi điện về nhà nói chuyện với nó một hai lần…". Dù ở chung một nhà nhưng từ lâu anh chị hiếm khi có những buổi tâm sự hay đi chơi chung vì làm trái ca.

Cách đó không xa, tại phòng trọ chưa đầy 12m2 nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo của khu phố 4, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM, chị Nguyễn Thị Hiền vội vã đặt con vào góc nhà rồi quay ra với đống hàng cao hơn đầu người. Chốc chốc đứa trẻ thiếu hơi mẹ khóc thét lên trong giấc ngủ, chị Hiền lại bỏ ngang đống quần áo chạy vào với con. Quệt những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt gầy gò, chị Hiền tâm sự: "Những đợt có hàng về gấp anh phải tăng ca tối ngày, nhiều lần mệt quá anh nghỉ lại công ty luôn để kịp làm ca sau. Có khi anh điện bảo là tối về nhưng rồi đợi hai ba ngày cũng không thấy bóng dáng đâu. Như cả tuần nay hai mẹ con chưa được gặp bố".

Rồi anh Nguyễn Cảnh Toàn - chồng chị Hiền - cũng về nhà sau đúng một tuần với đôi mắt trũng sâu, thâm đen vì thiếu ngủ. Anh sà xuống, trìu mến vuốt ve đứa con đang no sữa ngủ say. Vất vả là thế nhưng mỗi tháng lương anh chỉ tròm trèm hơn 1 triệu đồng, cộng với khoảng 300.000đ của vợ vừa trông con vừa làm thêm ở nhà, hằng tháng anh chị cũng chỉ đủ xoay xở tiền nhà, tiền điện nước, tiền đi chợ, tiền lo cho con.

Những ngày chị Nguyễn Thị Diệu (Công ty Lucky VN) nghỉ sinh đứa con thứ hai, anh Nam Anh cũng xin nghỉ ở Công ty giày Huê Phong để chăm sóc vợ con. Đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của gia đình họ vì hai vợ chồng được gần gũi nhau hằng ngày sau biết bao tháng năm vợ chồng trái ca, xa mặt… Tuần vừa rồi hai vợ chồng gửi con vào nhà trẻ để đi làm. Nhưng con trai anh chị vừa đến nhà trẻ một ngày thì bị dập môi, đến ngày thứ bảy lại bị té sưng vù ở trán, sợ quá anh chị đón con về không dám gửi nhà trẻ nữa. Anh Nam Anh phải nghỉ việc ở nhà chăm con vì chị đã vào biên chế, còn anh thì chưa…

Xa mặt, cách lòng

"Tối ngủ thiếp đi thì không sao, chứ mỗi lần con khóc phải thức dậy tôi lại thấy buồn. Khát khao đơn giản của người phụ nữ như tôi là một bờ vai hằng đêm, là hơi ấm của chồng nhưng sao khó quá!", chị Hiền tâm sự. Nhiều đêm chị trằn trọc đến sáng vì lo lắng không biết trong ca trực đêm có chuyện gì xảy ra cho anh. Nhưng điều chị sợ nhất chính là chuyện xa mặt dẫn đến cách lòng. Chị kể dạo trước đi làm về anh còn dành thời gian âu yếm chị chứ bây giờ "về là anh tắm rửa, thay đồ rồi ngủ ngon lành chẳng cần biết cảm nghĩ của vợ như thế nào".

Không chịu nổi cảnh xa vợ con triền miên, anh Tùng đã quyết định nghỉ làm bảo vệ, xin vào một công ty chế biến gỗ gần nhà. Còn vợ chồng anh Nam Anh cũng đã tính đến phương án về quê kiếm sống, vì thu nhập công nhân vốn đã bấp bênh, nay cơn "bão giá” quét qua khiến đời sống càng khó khăn bội phần. Anh Nam Anh rầu rĩ: "Giờ về quê làm ruộng thì đất đai không còn vì lúc đi đã bán hết lấy tiền vào đây rồi. Nhà cũng không có mà ở...". Chị Diệu đã tính đến việc đi buôn bán, nhưng rồi lại chột dạ: "Giờ xoay xở vốn để nhập hàng không phải chuyện dễ". Cuối cùng anh chị phải nghẹn ngào với phương án: cả gia đình sẽ về quê ở Nghệ An, chồng lại quay vào Nam kiếm sống, vợ ở lại nhà ông bà ngoại chờ con biết đi rồi gửi lại cho ông bà để vào làm với chồng.

Nhiều đôi vợ chồng cho biết sống thiếu thốn vật chất còn có thể chịu đựng được nhưng thiếu thốn tình cảm thì không thể. Họ cần một mái ấm để đi về, cần sự chăm sóc của người phụ nữ sau một ngày làm việc vất vả, cần sự che chở và vòng tay yêu thương của người chồng hằng đêm. Vậy mà những điều đơn giản ấy lại không thể có với những đôi vợ chồng "anh tan ca đêm, em vào ca sáng"!

 PHI LONG - ĐÌNH DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên