Trà My xúc động lắng nghe và gửi gắm niềm tin đến người bạn N.B. ở trại giam - Ảnh TỰ TRUNG
Cô gái Trần Trà My tặng sách và xúc động tâm sự trước phạm nhân ở trại Z30D.
Chữ "tử tế" nhũ đỏ
Từ ngày cuốn sách thứ tư Tin vào điều tử tế ra mắt độc giả đến nay mới chỉ nửa năm, hàng ngàn độc giả liên lạc trực tiếp đến Trà My mua sách. Và đặc biệt, cô còn tặng sách ở những trại giam, nơi bao phận người đang cố gắng vượt qua bóng tối.
Cùng với Trà My, chúng tôi đến nơi ấy...
Tại sao lại là những trại giam? My viết trên bìa sách: "Như những hạt mưa bé nhỏ tưới mát những hạt mầm tử tế trong tâm hồn chúng ta". Và My nói: "Cuốn sách nhỏ bé của tôi có thể lọt thỏm trên kệ của nhà sách, trong tủ sách gia đình, nhưng nếu vào được trại giam, đến được tay những con người ở đó, nó sẽ lấp lánh. Tôi mong cuốn sách làm được chức năng của nó".
Tôi hiểu quyết tâm của cô gái đã được dự định từ rất lâu. In trên giấy vàng nâu, chữ "tử tế" trên bìa sách của Trà My được ép nhũ đỏ, phát sáng lên trong bóng tối.
Phạm nhân trong trại khát sách, nhưng để đưa được cuốn sách đến trại giam phải trải qua nhiều thủ tục khó. Trà My không nản lòng. Ngón tay gầy gò, yếu ớt của cô gái khuyết tật liên tục lướt điện thoại để gửi những tin nhắn thuyết phục chuyển từ người này đến người kia.
Những cuốn sách gửi đến cán bộ trại giam đọc thử, thẩm định. Những cuộc điện thoại từ độc giả gọi đến giới thiệu. Những người đồng lòng với Trà My góp kinh phí mua sách. Rồi những thùng sách cũng được gửi đến các trại giam ở Quảng Trị, Vinh, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Vũng Tàu, Ninh Thuận, Đồng Tháp... Và sách đến trại Thủ Đức (Z30D - Bình Thuận) này đã là trại thứ 15, mà cũng là trại thứ hai Trà My đích thân đến giao lưu.
Chúng tôi may mắn được trở thành khách mời tham dự hội nghị thân nhân mà mỗi năm Z30D lại tổ chức một lần, cán bộ - thân nhân - phạm nhân giao lưu cùng nhau, kéo gần khoảng cách đến ngày phạm nhân được trở về hòa nhập xã hội.
Phân trại 2 rộn ràng từ sáng sớm, hôm nay họ đón rất nhiều khách, mà quan trọng nhất chính là cha mẹ, anh em, bạn bè phạm nhân. Những bộ đồ phạm nhân trắng sạch, thẳng nếp. Những gương mặt trông đợi. Đội văn nghệ ríu rít trang điểm bên hành lang. Vài bà mẹ trẻ bế bé thơ bụ bẫm, xoay tròn.
Chương trình văn nghệ với những tiết mục hát, múa, tiểu phẩm công phu. Ngồi xem cùng Trà My, chúng tôi thật sự xúc động. Các diễn viên, báo cáo viên trong bộ đồng phục kẻ sọc nhắc chúng tôi nhớ rằng những tiết mục ca múa của họ tuy không thể hay hơn các sân khấu nhưng là tất cả những nỗ lực hướng thiện.
Bài thu hoạch của họ tuy nghe cũng quen thuộc nhưng lại chính là những gì họ thật sự thấm thía được chứ không thể tham khảo đủ loại tài liệu như "những người ở ngoài đời".
Và khi cô diễn viên xinh đẹp trên sân khấu rứt ruột thốt lên: "Mẹ ơi, con nhớ nhà mình quá!", ai cũng hiểu rằng câu này chính từ trong đáy lòng cô chứ không phải từ vai diễn. Và chúng tôi đã cùng nhận ra N.B., nữ tử tù nổi tiếng vì nhan sắc và vụ án oan nghiệt mười mấy năm về trước. "Mình sẽ tìm gặp cô ấy" - Trà My ngân ngấn nước mắt, thì thầm.
Giao lưu với phạm nhân, Trà My nói cô không cảm thấy sự phân biệt vì lằn ranh thiện - ác trong con người vốn mong manh, chỉ có sự tử tế làm dây neo.
"Mọi người ở đây đều may mắn hơn tôi..."
Đến lượt Trà My lần từng bước khó nhọc trên đôi chân khuyết tật lên sân khấu. Cô bé nhỏ lọt thỏm trong chiếc ghế tựa, chọn từng từ khó nhọc để nói trọn câu: "Mỗi người sống trên đời không có ai hoàn hảo. Ai cũng có khuyết điểm cần khắc phục, nhưng ai cũng có những giá trị riêng mình để cống hiến cho xã hội, cho cuộc đời bằng sự tử tế.
Tôi là một người khuyết tật, tôi chưa từng được đi học và mỗi ngày tôi đều cố gắng để làm được điều có ích, trước là cho bản thân, sau là cho cộng đồng. Các anh chị, các bạn ở đây đều đã có may mắn hơn tôi từ lúc sinh ra, hiện giờ có gặp khó khăn thì hãy cố gắng, hãy vươn lên để trở lại những ngày tử tế...".
Phía dưới có người khóc! S., một phạm nhân đang thụ bản án thứ tư trong đời, loang nước mắt. S. kể về cuộc đời bôn ba, bỏ nhà đi bụi từ 8 tuổi, vào tù ra khám, đến bản án thứ tư 20 năm tù thì S. thấy mình không còn gì để mất nữa.
"Vào trại, chỉ muốn quậy phá cho đến chết mà thôi. Thế rồi nghe tin vợ sinh con trai, vợ đưa con vào thăm, tôi bỗng lại muốn sống, muốn được trở về làm người có ích, làm chồng, làm cha... Hôm nay được thấy cô Trà My, tin rằng những tấm gương vẫn được nghe kể, được học tập là có thật bằng xương bằng thịt", S. nói.
Bà Nga, mẹ của S., cũng có mặt hôm nay. Bà rơi nước mắt nói với các phạm nhân: "Cố gắng lên các em, các cháu ơi. Cố gắng lên mà về với đời. Trời ơi, cuộc sống ngoài kia đẹp lắm, tự do quý lắm, đã dại dột rồi, đừng dại dột nữa mà uổng phí cuộc đời".
Rồi bà gạt nước mắt: "Những ngày này tôi vào thăm con đã tìm lại được nụ cười. S. tiến bộ lắm rồi, đã thành người được 70% rồi, không còn là đứa bỏ đi nữa. Tôi yên tâm chờ ngày con về".
Cuốn sách gieo mầm tử tế, thiện lương của Trà My, những phạm nhân may mắn được tặng ngay hội trường, tìm cách len đến tận nơi xin chữ ký. Nhìn My yếu ớt cong tay, khó nhọc đẩy từng nét chữ, nhiều người lại lau nước mắt.
"Chị ấy là nhà văn thật sao? Chị ấy từ miền Trung vào TP.HCM sống một mình, tự lập thật sao?", mấy cô gái ghé vào tôi thì thầm hỏi. Gật đầu. Những ánh mắt cụp xuống: "Thật là ý chí quá, vậy mà chúng em...". My như nghe thấy, cô ngước lên, mỉm cười, viết tiếp vào cuốn sách: "Cố gắng em nhé".
Một tình bạn bắt đầu
Cuối cùng, Trà My cũng được ngồi riêng với N.B.. Từ trải nghiệm cuộc đời của mình, lúc nào My cũng nuôi khát khao được chia sẻ với những cuộc đời, những số phận bất hạnh. Một lần nữa B. kể lại chuyện của mình - cô sinh viên dại dột nghe lời đường mật của người yêu đi chuyển tiền mua bán ma túy.
Một đời người sụp đổ! Cô gái 23 tuổi, dung nhan rực rỡ đi qua án tử hình, được ân xá xuống chung thân và được giảm xuống 30 năm tù. "B. đã ở tù 13 năm 6 tháng rồi. Nếu cố gắng hết mức, có lẽ B. sẽ còn 7 năm nữa" - B. thủ thỉ. Trà My cố vươn đôi tay bé bỏng, yếu ớt ôm lấy B.: "Cố gắng lên, B. vẫn còn tương lai phía trước. Số phận thử thách My, cũng thử thách B., chỉ là theo cách khác nhau. Từ nay chúng mình làm bạn. Trong số những người chờ B. về sẽ có My".
Bàn tay rắn rỏi của N.B. nắm lấy bàn tay nhỏ xíu mềm uột của Trà My, mắt rưng rưng: "Được gặp My hôm nay, B. cảm động lắm. B. sẽ cố gắng hơn nữa, cố gắng hơn 13 năm 6 tháng qua. Bảy năm nữa chúng mình sẽ gặp lại ở Sài Gòn nhé...". Vòng tay ôm siết của đôi bạn lúc chia tay. Đường về, nước mắt Trà My tuôn dài. Hữu duyên, một tình bạn thật đặc biệt đã gắn kết ở phân trại 2, Z30D như thế.
"Hành trình này của tôi sẽ còn tiếp tục" - Trà My khẳng định. Và cô lại mở máy vi tính, tiếp tục lên kế hoạch để đưa cuốn sách ý nghĩa của mình phát sáng chữ "tử tế" trong những nơi phận người đang cố gắng vượt qua bóng tối...
Một lựa chọn của tôi
Trà My ngấn nước mắt, ôm chặt người bạn là phạm nhân trước lúc chia tay - Ảnh TỰ TRUNG
Sáng thức dậy nhìn ra khung cửa sổ. Bầu trời sau một đêm mưa bão có chút sương mù se lạnh. Chim vẫn hót và những bông hoa vẫn cứ khoe sắc. Không gian tĩnh lặng, đẹp và thơ mộng khiến tôi thật ngạc nhiên và phải nhắc mình rằng đây chính là một trong những khu trại giam lớn nhất nước.
Tôi thập thõm chậm rãi bước qua khoảng sân thật rộng, thật dài để vào hội trường, nơi hội nghị thân nhân sắp diễn ra. Một anh phạm nhân săm sắn chạy tới dìu đỡ.
Tranh thủ, tôi vừa đi vừa hỏi chuyện: "Ở đây thứ bảy, chủ nhật các anh làm gì?".
Anh bảo: "Thứ bảy, chủ nhật không phải đi lao động thì tham gia văn nghệ hoặc đọc sách báo cô ạ".
Tôi được xếp ngồi vào hàng ghế đại biểu. Ngồi chưa được năm phút tôi đã lon ton xuống dưới hàng ghế dành cho phạm nhân.
Tôi chọn khu các nữ phạm nhân đang ngồi. Họ đều trẻ đẹp và đa số đều là nạn nhân của ma túy. Và điều làm tôi bất ngờ nhất là ở đó có cả những "mầm sống bụ bẫm". Các em bé kia là con của các nữ phạm nhân được sinh ra trong trại giam và các bé chỉ được sống cùng mẹ cho tới năm ba tuổi, rồi sau đó phải đem về nhờ người nhà nuôi cho tới khi người mẹ được thả tự do. Z30D là trại giam duy nhất có nhà trẻ để nuôi các bé con của các nữ phạm nhân.
Khó tin được rằng nơi đây lại đang có những đứa trẻ bụ bẫm và ngoan ngoãn như bé Bon, bé Gạo. Mẹ Bon bảo: "Cả hai vợ chồng tôi đều phải vào đây vì ma túy và Bon là con thứ ba...". Tôi đứng hình khi nhìn bé Bon, bé Gạo ngủ ngon trong tay mẹ dù giữa hội trường mấy trăm người ồn ào náo nhiệt.
Tôi như rớt nước mắt khi nhìn thấy những người khỏe mạnh, lành lặn, xinh đẹp và rất trẻ, nhưng đang phải trải qua thời thanh xuân của mình ở đây. Ngày ba mẹ của Bon và Gạo được tự do cũng sẽ là ngày các con bước vào tuổi dậy thì, hay đã tuổi trưởng thành. Trong khoảnh khắc ấy, tôi tự hứa với lòng rằng mình sẽ làm một điều gì đó để có tiền mua sữa, mua tã và mua đồ dùng đem vào cho các bé. Phải cố gắng để làm việc đó đều đặn hằng năm để các bé vẫn có cơ hội được hưởng sự yêu thương, chăm sóc như bao đứa trẻ khác ngoài xã hội.
Chương trình kết thúc, tôi lên xe về thành phố mà lòng trĩu nặng. Quả thật trong cuộc đời của mỗi con người liệu chúng ta đã bao nhiêu lần đứng giữa ranh giới giữa cái thiện và cái ác. Sự chọn lựa phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, và sai lầm cũng là rất mong manh. Vậy thì khi những người phạm nhân kia được thả tự do, xin chúng ta hãy bao dung với họ và hãy trân trọng những phút giây mà mình đang được-tự-do-làm-người-lương-thiện.
Với một người đang tự do và mong có thêm những trải nghiệm cho nghề viết như tôi, được đặt chân đến các trại giam và nhất là trại Z30D Thủ Đức lại là một may mắn.
Thật ra, trại giam không đáng sợ như chúng ta vẫn mường tượng. Tôi muốn gọi những nơi đó là "hệ sinh thái để gột rửa những tâm hồn lầm lỡ", mong những "hệ sinh thái" đặc biệt này có thêm thật nhiều đầu sách trong thư viện, được tổ chức các khóa học về tư duy, kỹ năng dành cho các phạm nhân cải tạo tốt... Tâm hồn họ chắc sẽ trong lành và bình yên hơn, tỉ lệ tái phạm chắc chắn sẽ bớt đi rất nhiều.
Tôi sẽ góp phần mình!
TRẦN TRÀ MY
Cảm phục Trà My
Vừa trở về, chúng tôi đã nhận được thư của N.B. gửi qua đường bưu điện: "N.B. vẫn khỏe, vẫn nhớ My cùng câu chuyện mình đã nói cùng nhau. B. tin rằng những ai tiếp xúc với My, ngoài hai chữ "cảm phục" đều sẽ còn lại một điều gì đó đặc biệt, có thể là nghị lực, là niềm tin vào muôn màu trong cuộc sống này. Với N.B. cũng vậy. N.B. đã đọc xong Tin vào điều tử tế, rất cảm động và có chút xót xa. N.B. đã từng tin, rồi thất vọng, nhưng gặp My, B. sẽ lại tiếp tục tin và bước tiếp con đường phía trước.
Rất vui được làm bạn với My, và hẹn gặp lại một ngày không xa".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận