Phóng to |
Thầy giáo Lù Văn Tú với học sinh lớp lá Trường mầm non Bình Minh - Ảnh: B.D. |
Thầy giáo ấy là Lù Văn Tú - giáo viên Trường mầm non Bình Minh.
“Chọn nghề vì yêu trẻ”
Sáng sớm có mặt ở làng Kon Cheo (thị trấn Đắk Tô) đã nghe tiếng con trẻ hát vang chân đồi. Lớp mẫu giáo khoảng 50m2 nhưng ngập tràn màu sắc, những câu chuyện cổ tích được kể bằng tranh vẽ. Đứng trên bục giảng, thầy giáo ánh mắt tươi vui: “Các con ơi! Hôm nay thầy sẽ dạy cho các con tập múa hát bài con ong chăm chỉ nhé”. Nói rồi thầy giáo Tú khoác lên mình bộ cánh chú ong giả được tô vẽ sặc sỡ. Thầy xoay một vòng rồi cất cánh tay “bay” lên cao mô tả hình ảnh chú ong chăm chỉ đi tìm mật giữa nắng vàng. Phía dưới lớp học, những đứa trẻ mắt không rời khỏi “chú ong nâu”.
"Vợ mình cũng làm giáo viên, lúc mới vào nghề cái khó nhất là làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ. Tay mình thô ráp, cứng cáp làm không được. Hai vợ chồng đêm nào cũng hí hoáy cắt dán, luyện cả tháng mới ra được thế này đây" Thầy LÙ VĂN TÚ |
Thầy Tú cho biết để có thể “múa dẻo, hát hay” như hiện nay là cả một quá trình rèn luyện, nỗ lực bằng tất cả tình yêu con trẻ. “Nhiều người thấy mình múa hát, dỗ trẻ như thế liền rùng mình và nghi là mình... có vấn đề về giới tính. Nhưng đây là chọn lựa của mình, đến nay mỗi ngày không được múa hát, không được nghe âm thanh ồn ào ở lớp là nhớ không chịu được” - thầy Tú chia sẻ.
Thầy Lù Văn Tú nói sở dĩ thầy chọn theo nghề chăm trẻ là điều rất lạ lẫm, thầy thích trẻ con và cảm thấy mình... chơi rất hợp với trẻ. Lớp 12 vừa kết thúc, trong khi bạn cùng trang lứa vào Nam ra Bắc chọn vào những ngành “dành cho phái mạnh”, thì Tú lại kể với bạn rằng sẽ thi vào trường mầm non. “Lúc đó bạn bè không tin, nhưng đến khi mình đi thi rồi mới tin đó là lựa chọn nghiêm túc” - Tú nhớ lại. Thời điểm ấy, việc một nam thanh niên chọn nghề giữ trẻ là điều rất mới mẻ, mới đến nỗi gây tò mò. Kể cả ba mẹ, người thân Tú cũng mất nhiều thời gian để thuyết phục.
Mùa thi năm 2008, hội đồng coi thi Trường cao đẳng Sư phạm Kon Tum xuất hiện một thí sinh lạ lẫm. Ông phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm Kon Tum lúc đó thấy có một chàng trai đứng lóng ngóng ở ngoài phòng thi liền chạy tới nạt lớn: “Ai cho phép cậu đứng ở đây, không có phận sự thì về đi kẻo tôi kêu bảo vệ bây giờ”. Khi chàng thí sinh người Thái đưa tờ giấy báo thi, thầy giáo mới ngã ngửa rằng đó là sinh viên tương lai của mình.
Tú cho biết câu chuyện làm bài thi vào ngành mầm non cũng mãi là kỷ niệm không thể quên. Cả hội đồng thi năm ấy chỉ có mình Tú là con trai, khi các cô gọi tên thí sinh vào thi năng khiếu thì bước từ cánh gà ra là một chàng trai thô ráp. Rồi cứ tự nhiên như chẳng ngại ngùng gì, chàng trai ấy đứng múa, hát, biểu diễn say sưa khiến các giám thị phải bất ngờ. Bài thi ấy ngoài điểm chuyên môn, có thầy cô giáo nói với Tú rằng còn có thêm cả điểm “khích lệ, động viên” nữa. Đậu vào trường cao đẳng, Tú trở thành tâm điểm sự tò mò, nhiều bạn cùng khóa còn kêu nhau “đi xem thầy giáo múa hát” khiến Tú nhiều lúc phải phát phiền. “Nhưng mình yêu nghề nên vẫn quyết tâm đeo đuổi để đến ngày được đứng lớp hát cho trẻ nghe” - Tú nói.
Nếu chọn lại vẫn làm “anh ong nâu”
Tú nói rằng đến giờ đã theo nghề nuôi dạy trẻ được gần ba năm. Mỗi ngày đến lớp, được thấy học trò Xê Đăng của mình tinh tươm, sạch sẽ, không còn nghịch đất, sống lay lắt như hòn đá ngọn cỏ giữa làng nữa là niềm sung sướng nhất đối với Tú. “Ai không làm nghề này có lẽ không thể hiểu hết, sáng ra mở lớp thấy mấy đứa nhỏ người dân tộc thiểu số mà nói tiếng Kinh như sáo, hát múa hồn nhiên - trái với sự khổ cực, lam lũ khi phải theo cha mẹ lên rẫy là không gì sung sướng bằng. Tiếng ồn trong lớp học đối với mình giờ là niềm vui, nếu được chọn lại mình vẫn theo nghề giữ trẻ” - Tú nói.
Làm thầy giáo nuôi dạy trẻ mầm non, kỹ năng quan trọng nhất là thu hút sự chú ý, trò chuyện được với trẻ. Muốn vậy người dạy phải nói “ngọt giọng”, múa dẻo, hát hay, biết kể chuyện, pha trò. Những kỹ năng này không dành cho đàn ông. Nhưng Tú đã học được, đồng nghiệp nữ cố gắng một thì Tú cố gắng hai, ba. Bàn tay giờ đã dẻo, tính cách cũng mềm mại hơn để có thể truyền lại bài học cho trẻ. Thầy Tú cho biết mỗi ngày lên lớp ngoài việc dạy chuyên môn, trò chuyện với trẻ, thầy phải làm việc bếp núc như lau dọn phòng học, trang trí không gian lớp, biến ngôi trường thành khu vườn cổ tích. Ngoài ra phải cho trẻ ăn, lau mặt, hướng dẫn trẻ vệ sinh thân thể.
Đặc thù hơn, học sinh Xê Đăng ở Kon Cheo hầu như gia đình rất nghèo, các em thường theo cha mẹ đi rẫy, đến mùa rẫy thầy Tú phải lội rừng để bế học sinh về trường. Có những lần học trò bị ốm, hai ba ngày không đến lớp, thầy giáo sốt ruột đi tìm thì thấy ba mẹ đang mời thầy về cúng. Thầy giáo lại phải hết lời khuyên giải, tuyên truyền thì phụ huynh mới chịu đưa con đến trạm xá.
Trước lúc chia tay, thầy Tú dẫn chúng tôi đi thăm “những khu vườn cổ tích” mà hầu hết dụng cụ, tranh vẽ là do thầy làm nên. Một khu vườn được chăm chút bằng sự tỉ mỉ, nhẫn nại và tình yêu tâm hồn con trẻ.
Có tố chất sư phạm mầm non Thầy Nguyễn Tiến Dũng, hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm Kon Tum, cho biết mùa thi năm 2008 Lù Văn Tú đến hội đồng thi Trường cao đẳng Sư phạm Kon Tum để dự thi vào ngành mầm non làm các thầy cô giáo hết sức bất ngờ. Thầy Dũng cho biết đến năm 2008 Tú là thí sinh nam duy nhất dự thi vào ngành mầm non của trường. Dù là sinh viên nam nhưng Tú đã nỗ lực rất lớn, bộc lộ nhiều kỹ năng của một sinh viên sư phạm mầm non và hoàn thành tốt chương trình học. Trong thời gian học Tú còn được nhà trường kết nạp Đảng. “Tôi cũng khá bất ngờ khi biết Tú theo học ngành mầm non, đây là ngành khá đặc thù nên phải có tình yêu nghề và yêu trẻ thì mới có thể theo đuổi và theo nghề được” - thầy Dũng nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận