Chuyên gia của ĐH Oxford tiêm vắcxin thử nghiệm cho tình nguyện viên Ruth Atkins - Ảnh: Reuters |
Người tình nguyện Anh đầu tiên tiếp nhận vắcxin thử nghiệm là Ruth Atkins, 48 tuổi, một quản trị truyền thông của Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS). Bà từng là một y tá. Khi lái xe đi làm, bà nghe trên đài truyền thanh rằng các nhà nghiên cứu ĐH Oxford cần người tình nguyện để thử nghiệm vắcxin.
“Tôi tình nguyện bởi tình hình ở Tây Phi đang quá nghiêm trọng. Việc tham gia quá trình thử nghiệm vắcxin là một đóng góp nhỏ nhưng tôi hi vọng sẽ có tác động lớn” - bà Atkins cho biết. Sau khi được tiêm vắcxin, bà khẳng định sức khỏe mình vẫn bình thường.
Tổng cộng có 60 người tình nguyện Anh sẽ được tiêm loại vắcxin thử nghiệm này để xem có tác dụng phụ nguy hiểm không. Các nghiên cứu trên cơ thể động vật trước đó cho thấy vắcxin không có tác dụng phụ đáng lo ngại.
Theo báo Guardian, Hãng dược GlaxoSmithKline (GSK) đã sản xuất 10.000 liều vắcxin thử nghiệm này với sự hỗ trợ của Chính phủ Anh và Tổ chức Wellcome Trust. Mỹ cũng sẽ thử nghiệm loại vắcxin này trên người.
Nếu các nghiên cứu ở Anh và Mỹ diễn ra suôn sẻ, GSK sẽ thử nghiệm vắcxin trên cơ thể người tình nguyện khỏe mạnh ở Gambia và Mali.
“Chúng tôi lạc quan tin rằng vắcxin này sẽ giúp chống lại bệnh Ebola” - giáo sư Adrian Hill thuộc ĐH Oxford tuyên bố.
GSK và Chính phủ Anh cho biết họ hi vọng quá trình thử nghiệm sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
Các quan chức Anh cho biết không muốn lặp lại vụ sử dụng thuốc thử nghiệm ZMapp gây tranh cãi. Trước đó Hãng Mapps chỉ sản xuất vài chục liều ZMapp và Mỹ chỉ cung cấp loại thuốc này cho các bệnh nhân phương Tây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận