Phóng to |
Một tác phẩm ảnh báo chí (thể loại ảnh đơn) gửi dự thi ảnh báo chí quốc gia năm 2013 - Ảnh: Thuận thắng |
Đó là hàng loạt vấn đề nêu ra tại hội thảo Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ảnh báo chí do Hội Nhà báo VN tổ chức tại Nghệ An ngày 2-8.
Ngay phát biểu khai mạc, ông Hà Minh Huệ - phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN - đã bắt đúng bệnh của ảnh báo chí VN: “Ảnh báo chí chưa đạt được đúng tầm vị trí của nó, chưa được những người cầm trịch ở các tờ báo quan tâm trong chỉ đạo và sử dụng. Ảnh vẫn còn nhiều khuôn mẫu về nội dung và hình thức thể hiện: đó là những cái bắt tay, mặt cười tươi của lãnh đạo, những chiến sĩ bồng súng bảo vệ biên cương, những cánh đồng lố nhố người... để minh họa cho một tin, một bài viết. Thiếu những bức ảnh chộp khoảnh khắc chỉ cần nhìn ảnh là đủ hiểu, không cần chú thích. Thừa những ảnh về làng giải trí gây tranh cãi”.
Ông Huệ đã chứng minh cho thực trạng ảnh báo chí VN bằng con số chỉ có 86 ảnh báo chí dự thi Giải báo chí quốc gia lần thứ 7-2012 vừa qua. Đây là con số cao nhất qua bảy mùa giải báo chí quốc gia, dù ảnh đã được dành riêng một loại giải và cơ chế mở cho việc gửi tác phẩm tham dự (PV có thể tự gửi ảnh đã đăng chứ không cần qua hội nhà báo địa phương). Đáng buồn hơn, ảnh báo chí chưa năm nào có giải A. Dẫn ngay câu chuyện địa phương để nói rõ hơn về chất lượng ảnh báo chí, tổng biên tập báo Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Đình Quế cho biết 10 năm qua dù tỉnh có giải báo chí nhưng không chọn được ảnh để trao giải.
Cho rằng vấn đề con người và đào tạo còn yếu, ông Phạm Tiến Dũng - trưởng ban biên tập ảnh Thông tấn xã VN - nói: “Lâu nay chúng ta chưa coi trọng công tác tuyển chọn cũng như đào tạo phóng viên ảnh. Số lượng phóng viên giỏi, yêu nghề, say nghề, có nhiều sáng tạo không nhiều. Những người vừa là phóng viên giỏi lại vừa có trình độ lý luận, khả năng biên tập ảnh lại càng hiếm. Sự hiểu biết về lý luận và thực tiễn ảnh báo chí của nhiều phóng viên ảnh và kể cả một số cán bộ quản lý ở nhiều tòa soạn báo còn hạn chế, điều đó dẫn đến việc tìm tòi các đề tài mang tính phát hiện, có ảnh hưởng lớn đến xã hội còn ít”.
Từ góc nhìn là một người làm ảnh lâu năm, nhà báo Lưu Quang Phổ (báo Thanh Niên) chia sẻ: “Các phóng viên ảnh thường tâm tư rằng lãnh đạo các cơ quan báo chí chưa tự cảm thấy ảnh là một phần quan trọng không kém gì các tác phẩm báo chí bằng chữ (hoặc video) trong quy trình làm báo của cơ quan mình”. Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN Phạm Quốc Toàn cũng thẳng thắn chỉ ra vai trò của lãnh đạo. Ông cho rằng người sử dụng ảnh như lãnh đạo báo, lãnh đạo tòa soạn còn ít hiểu về ảnh. Do đó không chỉ phóng viên ảnh cần được đào tạo mà biên tập ảnh, lãnh đạo báo, lãnh đạo tòa soạn cũng cần đào tạo lại về ảnh.
Cũng đề cập đến vai trò của lãnh đạo, ông Vũ Khánh - chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN - đề nghị lãnh đạo tòa soạn báo cần có khả năng gợi mở, vạch ra được cách thể hiện nội dung ảnh.
Cần mạnh tay với vi phạm bản quyền ảnh Đóng góp tham luận tại hội thảo, đại diện báo Tuổi Trẻ bày tỏ sự hi vọng khi Bộ Thông tin - truyền thông vừa ra nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó đã siết chặt tình trạng vi phạm bản quyền đối với báo chí VN. Tuy nhiên, nghị định 72 vẫn chưa đề cập rõ chuyện vi phạm bản quyền ảnh, trong khi ảnh báo chí nhiều khi là một tác phẩm báo chí độc lập nên không thể đề cập bản tin hay thông tin chung chung là bao gồm cả ảnh. Ảnh báo chí rất thường xuyên được các trang thông tin điện tử hay các trang tin cá nhân trên mạng xã hội lấy đăng lại như một tác phẩm độc lập, không hề có đường dẫn, ghi nguồn hay tên tác giả. Do đó, khi có thông tư hướng dẫn nghị định 72, Bộ Thông tin - truyền thông cần chú ý đến bản quyền ảnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận