“Trận chiến” ở hai tàu tham gia lễ hội Nghinh Ông, trong khi người trên tàu hầu hết không mặc áo phao - Ảnh: Tâm An |
Nếu ai có dịp tham gia lễ hội Nghinh Ông miền sông nước sẽ cảm nhận được đây đúng là một lễ hội độc đáo, thú vị, đầy ý nghĩa. Thế nhưng, cũng tại lễ hội này, tai nạn chìm tàu đã xảy ra ngày 6-4 tại Gành Hào (Bạc Liêu) cướp đi sinh mạng của ba thiếu nữ.
Từ vụ tai nạn, tôi nhớ về lễ hội Nghinh Ông tại xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, Bến Tre mà tôi đã có dịp tham gia với nỗi lo nếu như cách tổ chức lễ hội thiếu tính quản lý chặt chẽ cứ tiếp diễn thì tai nạn xảy ra là điều khó tránh.
Tại lễ hội năm ấy, đến giờ Nghinh Ông, rất nhiều tàu thuyền ra khơi một lượt. Các tàu chạy san sát nhau mà không có sự phân luồng thứ tự nên tạo thành những cơn sóng dập mạnh dẫn đến việc tàu nghiêng, chông chênh. Nhiều tàu lại chở quá đông khách.
Với tâm lý thoải mái của ngày hội, người dân địa phương và khách du lịch nườm nượp lên tàu mà hầu như không ai kiểm soát xem tàu có quá tải hay không. Có những tàu khách đứng đông nghẹt không có cả lối đi.
Và tất nhiên, hầu hết những người theo tàu đi Nghinh Ông đều không được trang bị áo phao đầy đủ. Thậm chí có người còn dắt theo cả trẻ nhỏ mà không có bất kỳ sự đảm bảo an toàn nào.
Thanh niên thì tự do leo lên cả nóc tàu, đu lên thanh chắn tàu, leo lên cả cột tàu để nhìn cho xa cho rõ. Những trường hợp này tai nạn trượt chân, trượt tay té xuống nước là rất dễ xảy ra.
Lúc ra khơi là thời khắc thiêng liêng nên mọi chuyện đều có vẻ bình lặng và yên ắng, nhưng sau khi đã xin được keo về thì “trận chiến” trên tàu mới thực sự diễn ra. Thanh niên bắt đầu đùa giỡn và chạy rượt nhau trên tàu.
Họ dùng những túi nilông đổ đầy nước buộc chặt lại và bắt đầu chơi trò chọi nước lẫn nhau rồi ném sang cả những tàu bên cạnh, thậm chí dùng cả vòi xịt để “chiến đấu” với nhau.
Lúc đầu lái tàu, chủ tàu và vài người lớn cũng có nhắc nhở. Thế nhưng lễ hội mà..., nhắc vài tiếng không được rồi mặc kệ tụi nhỏ chơi cho thỏa.
Nguy hiểm hơn là một lúc sau, vài lái tàu cũng tham gia cuộc chiến. Các tàu bắt đầu rượt đuổi, ép sát mạn tàu, có tàu bị ép nghiêng hẳn sang một bên gần như sắp đổ. Nghĩ lại, đến giờ mà tôi vẫn còn thót tim!
Tôi cũng nhớ trước khi lên tàu, một bác người địa phương mà tôi có dịp làm quen đã dặn: “Đừng lên tàu có mấy đứa choai choai”.
Tôi cũng nhìn thấy mấy thanh niên địa phương chuẩn bị sẵn túi nilông, dây nhợ, rồi còn dùng bao nilông gói điện thoại lại rất cẩn thận giống như sợ mưa ướt. Thì ra trận chiến “nước” này là chuyện diễn ra hằng năm nên ai cũng có tâm lý chuẩn bị trước.
Đành rằng lễ hội là phải vui chơi, thế nhưng nếu tình trạng tổ chức lễ hội thiếu sự quản lý và thiếu tính an toàn thế này cứ tiếp diễn thì biết đâu sẽ có một tai nạn chìm tàu khác xảy ra?
Tôi hi vọng các nhà chức trách ở Bến Tre nói riêng, ở các tỉnh có tổ chức lễ hội này nói chung, nên có biện pháp chấn chỉnh lại lễ hội Nghinh Ông để tăng tính an toàn cho người tham gia, tránh tai nạn đáng tiếc như vừa xảy ra ở Gành Hào.
Sẽ siết khâu tổ chức Ông Nguyễn Hồng Hải - chủ tịch UBND xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, phó ban tổ chức lễ hội Nghinh Ông xã Bình Thắng 2016 - cho biết những năm trước do không kiểm soát kỹ số lượng người dân lên tàu cá dự lễ hội nên một số tàu đã chở quá số lượng người. Ngoài ra, có tình trạng tàu chạy đua nhau, một số người trên tàu cá chọi nước qua lại gây nguy hiểm. Những hành động này đều tự phát và không nằm trong phần lễ hội. Theo ông Hải, lễ hội Nghinh Ông xã Bình Thắng năm nay sẽ được siết chặt nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia. “Tuy chưa xây dựng kế hoạch cụ thể nhưng xã sẽ tham mưu cho UBND huyện Bình Đại - là trưởng ban tổ chức - việc chọn những tàu cá đảm bảo an toàn được dự lễ. Số lượng người dân lên tàu để ra biển dự lễ cũng hạn chế và có độ tuổi phù hợp. Đặc biệt, những người ngồi trên tàu đều phải mặc áo phao để phòng thân khi gặp sự cố” - ông Hải nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận