10/02/2022 10:13 GMT+7

Ăn Tết lên ký, làm gì cho hết?

CẨM NƯƠNG
CẨM NƯƠNG

TTO - Sau kỳ nghỉ Tết dài, thói quen sinh hoạt xáo trộn. Để quay lại nhịp sống bình thường, các chuyên gia y tế khuyến cáo cần thiết lập lại chế độ luyện tập thể thao đúng cách.

Ăn Tết lên ký, làm gì cho hết? - Ảnh 1.

Người dân tuân thủ 5K khi tập luyện thể dục, thể thao ở các nơi công cộng - Ảnh: NHẬT THỊNH

Ngưng tập thể thao trong nhiều ngày, ăn uống chế độ nhiều dầu mỡ, đồ chiên xào với thực đơn ngày Tết khiến cơ thể tăng cân. Việc đột ngột quay trở lại chế độ luyện tập như trước đó có thể gây ra các vấn đề về cơ xương khớp, nhất là hiện nay nhiều người mong muốn giảm thật nhanh cân nặng sau Tết.

Khởi động thật kỹ, không tập quá nhanh

Nếu như trước Tết, nhu cầu giảm cân, làm đẹp tăng mạnh thì sau Tết, xu hướng luyện tập thể thao để giảm cân tăng trở lại. Những bài tập cường độ cao được đặt ra, thời gian tập luyện dày đặc hơn...

Bác sĩ CKI Phạm Thế Hiển - khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết thời gian nghỉ Tết, việc gián đoạn tập luyện có thể từ 1 - 2 tuần, muốn quay lại các môn thể dục, thể thao cần một khoảng thời gian đệm để cho cơ thể thích nghi dần. 

Cần lưu ý khởi động thật kỹ trước khi tập, tập theo cường độ từ ít đến nhiều. Thời gian tập luyện giảm đi còn 2/3 so với bình thường, mật độ tập cũng nên giảm 30%.

"Do dịp Tết chúng ta nghỉ ngơi, các hệ cơ xương mất đi độ co giãn nhất định, để trở lại, nhất là các môn thể thao, thể lực nặng phải khởi động thật kỹ, tập theo nguyên tắc. Nếu không rất dễ bị đứt dây chằng, gây đau và viêm, rách bao khớp khiến cơ thể về lâu dài sẽ bị đau âm ỉ", bác sĩ Hiển chia sẻ.

Ngoài ra, theo bác sĩ Hiển, sau Tết một số người tăng cân khiến hệ gân, cơ, xương khớp chịu áp lực rất nhiều, vì vậy trong quá trình bắt đầu tập luyện lại không nên tập quá nhanh. Bởi khi tải trọng lên khớp, dây chằng, bao khớp tăng đột ngột, rất dễ làm cơ thể chúng ta bị tổn thương.

Bác sĩ Hoàng Quốc Nam - phó khoa cơ xương khớp, Bệnh viện Thống Nhất - cho biết việc nghỉ ngơi một thời gian dài trong kỳ nghỉ Tết sẽ làm tăng sức ỳ, giảm sự dẻo dai các khớp cơ và dây chằng vì vậy rất cần thiết luyện tập thể thao trở lại sau kỳ nghỉ. Tuy nhiên, phương pháp vận động phải tùy điều kiện, phù hợp với tình hình sức khỏe, thể trạng, tuổi tác. 

Với các môn như yoga, uốn dẻo, khi ta bẻ khớp với hệ thống dây chằng chưa căng ra có thể gây ra chấn thương thậm chí gãy xương.

Người lớn tuổi, có bệnh tim mạch thì không nên chọn những môn cần nhiều sức lực, các môn đối kháng dễ gây chấn thương, đột quỵ, kiệt sức. Người có bệnh thoái hóa khớp không nên chạy bộ. Các môn như đi bộ và bơi lội là thích hợp với đa số mọi người. 

"Nên bắt đầu tập luyện nhẹ nhàng, chậm rãi, sau đó tăng dần về cường độ và thời gian. Khởi động 5 - 10 phút trước khi vào bài tập nhất là với môn bóng đá. Theo dõi sức khỏe trước, trong và sau khi tập. Nếu thấy cơ thể mệt mỏi, choáng váng, đau các cơ, khớp thì cần ngưng tập, có sự điều chỉnh phù hợp", bác sĩ Nam nhấn mạnh.

 Đầu tư chế độ dinh dưỡng hợp lý

Theo bác sĩ Phạm Thế Hiển, mỗi người cần phải đầu tư chế độ dinh dưỡng khi tập luyện các môn thể thao, nhất là các môn vận động mạnh.

"Chúng ta không tập khi đói hay quá căng bụng, có thể uống một ít nước đường hoặc ăn một ít bánh nhẹ trước khi tập nếu thấy đói để duy trì đường huyết. Bổ sung đủ lượng nước, có thể chọn các loại nước có điện giải, hạn chế uống các loại nước ngọt có gas. Sau tập luyện nên ăn một ít trái cây hoặc ngũ cốc để bổ sung lại nguồn năng lượng vừa mất", bác sĩ Nam cho biết.

Để phục hồi sự dẻo dai của hệ thống xương khớp, bác sĩ Hoàng Quốc Nam cho rằng cần kết hợp tập luyện, chế độ ăn đầy đủ vitamin và chất khoáng, đặc biệt cần tránh các đồ uống có cồn, thuốc lá. 

Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều magie như: hạt hạnh nhân, sữa đậu nành, bơ đậu phộng... có các khoáng chất giúp săn chắc cơ, hạn chế các cơ bị chuột rút trong quá trình tập luyện. Tăng cường các thực phẩm giàu protein như: các loại đậu, gạo lứt, các loại hạt, thịt, bông cải xanh.

Không nên bổ sung thêm protein dạng thuốc hoặc dạng bột, một chế độ ăn uống cân bằng đã cung cấp đủ protein cho cơ thể, kể cả với người chơi thể thao. 

"Cơ thể cũng cần có thời gian hồi phục sức khỏe sau khi tập luyện thể thao, vì vậy chúng ta lưu ý nên ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý vì quá sức trong luyện tập rất dễ dẫn đến chấn thương", bác sĩ Nam nhắc nhở.

Người vừa khỏi COVID-19 nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi tập luyện

Theo các bác sĩ, dù việc luyện tập thể thao rất quan trọng đối với sức khỏe, nhất là sau Tết nhưng người dân cũng lưu ý không nên lơ là trong việc phòng chống dịch COVID-19. Với các môn thể thao bắt buộc tiếp xúc gần, nên làm giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm bằng cách: tiêm đủ 3 mũi vắc xin, luôn đeo khẩu trang, chọn không gian chơi ngoài trời, rộng, thoáng.

Vệ sinh tay và các bề mặt tiếp xúc nơi công cộng, không khạc nhổ bừa bãi. Với bệnh nhân vừa khỏi COVID-19 nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tham gia luyện tập thể thao trở lại, nhất là các môn thể lực nặng. Có thể lựa chọn các phương pháp vận động nhẹ nhàng để cơ thể dần thích nghi sau thời gian nhiễm bệnh.

Tái tăng cân sau khi giảm cân - nguyên nhân do đâu? Tái tăng cân sau khi giảm cân - nguyên nhân do đâu?

Sau khi giảm cân thành công, nhiều người lại có xu hướng tăng cân trở lại. Và việc giảm cân sau khi tái tăng cân lại là một hành trình khó khăn hơn ban đầu rất nhiều.

CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên