![]() |
Người tiến, kẻ dừng
Cuối tháng 3-2005, chị Minh Thủy tìm đến Trung tâm Tư vấn tâm lý tình yêu hôn nhân và gia đình với tâm trạng chán chường, mệt mỏi. Những ngày yêu thương, vui vẻ giữa hai chồng đã không còn nữa, thay vào đó là khoảng cách tình cảm ngày càng xa khiến chị quyết định giãi bày với chuyên gia tư vấn.
Chị Thủy kể: chị và anh Quốc Dũng kết hôn năm 1990 khi chị vừa học xong trung cấp kế toán, còn anh là nhân viên văn thư của một cơ quan văn hoá. Mức lương nhà nước của anh Dũng chỉ đủ cho anh uống cà phê, ăn sáng và đổ xăng, nên kinh tế gia đình đổ hết lên vai người vợ. Ban ngày, chị làm kế toán ở một công ty tư nhân, sau giờ làm việc phải nhận sổ sách ở hai công ty khác về làm thêm vào buổi tối.
Nhờ chị siêng năng, cần cù nên trong nhà cũng dần có của ăn của để. Khi kinh tế ổn định, chị học lên đại học chuyên ngành kế toán. Năm 2000 chị tốt nghiệp đại học và không đi làm thuê nữa, mà mở một cửa hàng bán linh kiện máy vi tính. Sự nhạy bén trong thương trường và tính cầu tiến đã đưa chị từ chủ một cửa hàng nhỏ trở thành giám đốc môt doanh nghiệp thành đạt.
Trong khi chị ngày càng thành công trong công việc, học vấn ngày càng được nâng lên khi lấy thêm bằng cử nhân Anh Văn, thì chồng chị lại an phận với công việc đi đưa thư, giao báo. Đã nhiều lần chị khuyến khích anh đi học thêm để sau này giúp chị quản lý công ty, nhưng anh cứ phớt lờ với lý do: anh đã công việc ổn định thì học thêm để làm gì? Anh cũng không giấu ý định đang chờ hai năm nữa để đủ điều kiện thâm niên 25 năm công tác, sẽ xin về hưu để hưởng một cuộc sống an nhàn.
Chị Thuỷ: “Tôi vừa nuôi con nhỏ vừa đi làm mà còn cố gắng đi học được đến đó, trong khi anh ấy rảnh rang lại không chịu vươn lên tìm một chỗ đứng trong xã hội. Người ù lì và an phận đến mức thực dụng như anh ấy làm tôi phát chán. Hơn hai năm nay, chúng tôi như ở hai thế giới khác nhau, sự đối nghịch về lối sống đã đẩy chúng tôi ngày một xa.
Tuy không hạnh phúc nhưng tôi không ly hôn vì anh không có những tật xấu như nhậu nhẹt, cờ bạc, trai gái… Nhưng cứ tiếp tục chung sống thì tôi thấy tình cảm của mình cũng phai nhạt, không còn muốn gần gũi với chồng nữa”.
Một khách hàng của Trung tâm là anh Văn bình, luật sư tư vấn cho một công ty liên doanh vớI nước ngoài. Anh Bình kể: Năm 1992, sau khi đi kinh tế mới trở về, anh xin được một chân bảo vệ ở một công ty may. Chị Hoa, vợ anh, thì sang được một sạp hàng ở chợ Tân Bình. Hai vợ chồng chăm chỉ làm việc và chi tiêu tiết kiệm, nên cuộc sống dần khá hơn.
Không an phận, anh tranh thủ buổi tối theo học ĐH Luật tại chức và trở thành luật sư ở tuổi 36, có được công việc ổn định với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng.
Cũng từ đó, vợ chồng anh không còn có thể chia sẻ mọi điều với nhau như trước nữa. Anh tâm sự: “Trước đây, chúng tôi đến với nhau vì tìm thấy sự đồng điệu, vợ chồng dễ dàng chia sẻ, tâm sự mọi thứ trong cuộc sống.
Còn bây giờ, khi tôi từ công ty về nhà, lắm lúc có nhiều bức xúc trong công việc, cuộc sống nhưng nhìn cảnh vợ tôi sống an phận, đi bán hàng về là thanh thản nằm xem những bộ phim tình cảm nhiều tập đầy nước mắt của Hongkong, Đài Loan, Hàn Quốc, không hề để tâm xem tôi vui hay buồn, mệt mỏi hay phấn chấn sau một ngày làm việc là tôi cảm thấy hụt hẫng.
Từ đó, thời gian trò chuyện giữa vợ chồng dường như không còn. Tôi mua sách, báo về nhà để giúp cô ấy cập nhật những thông tin, nhưng cô ấy lại chẳng thèm ngó ngàng tới. Tôi không cần vợ phải đến trường để có bằng cấp như tôi, điều tôi mong muốn là cô ấy chịu học thêm ở cuộc đời qua sách báo nhằm không trở thành một con người trì trệ để vợ chồng có thể trò chuyện được như trước đây”.
Cân bằng
Sự chông chênh về trình độ, chí tiến thủ… giữa hai vợ chồng đã khiến nhiều gia đình đứng trước nguy cơ tan vỡ hạnh phúc néu không kịp thời điều chỉnh, cân bằng lại. Điều quan trọng của sự cân bằng này là xoá được tính an phận, sự trì trệ của người bạn đời.
Cũng nhờ hiểu được điều này nên vợ chồng chị Hồng Hạnh và anh Thế Triều ở Q.5 chẳng những không đánh mất hạnh phúc, mà còn có được vị trí nhất định trong xã hội và đuợc sự ngưỡng mộ của hai con từ sự vươn lên của cha mẹ.
Mười bốn năm trước, anh Triều làm bảo vệ ở một bệnh viện lớn, chị Hạnh làm điều dưỡng. Sau khi sinh hai đứa con năm một, chị xin nghỉ việc ở nhà chăm sóc con. Tuy chỉ có anh đi làm nhưng cuộc sống của vợ chồng chị không quá chật vật, vì anh Triều còn có khoản thu nhập đáng kể từ việc giữ xe ở bệnh viện. Khi con vào lớp 1, anh Triều quyết định đi học bổ túc văn hoá cấp III, đồng thời khuyên vợ đi làm trở lại. Nhưng chị không đồng ý vì thấy phụ giữ xe với chồng nhiều tiền hơn, lại còn có thời gian chăm con.
Thấy vợ không có chí cầu tiến, anh Triều đâm ra bực bội, hay cáu gắt vô cớ, vợ chồng thường xuyên gây gổ vì những chuyện không đâu. Anh giải thích: lý do hai vợ chồng phải vươn lên không phải vì đơn thuần để thăng tiến trong công việc hay kiếm tiền, mà chính là để hai con sau này tự hào hơn với bạn bè khi nói về nghề nghiệp của cha mẹ. Vì điều này, chị Hạnh đã chịu đi làm trở lại. Sau nhiều phấn đấu, nay chị đã là điều dưỡng trưởng, còn amh Triều là đội phó đội bảo vệ. Năm 2004, anh còn được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Theo bà Nguyễn Thị Thương – Phó GĐ Trung tâm Tư vấn tình yêu hôn nhân và gia đình thuộc Hội LHTN VN, một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự bền vững của hôn nhân là sự khám phá về mặt trí tuệ giữa hai vợ vhồng và quá trình khám phá này diễn ra liên tục cho đến trọn đời.
Bà Thuơng giải thích, khi trình độ hai vợ chồng được nâng lên thì sự khám phá mang đến nhiều điều thú vị và tạo được sự chia sẻ, đồng điệu. Đó là chất men xúc tác cho tình yêu thêm nồng nàn. Ngược lại, sự an phận, trì trệ sẽ dẫn đến sự nhàm chán, không hiểu nhau.
Minh chứng cho ý kiến này là trường hợp của vợ chồng chị Thủy. Sau hơn hai năm thấy tính an phận ở chồng không có cách gì lay chuyển được, chị đã quyết định ly thân. Chị thổ lộ: “Đắn đo, suy nghĩ mãi tôi mới đưa ra quyết định này dù tính an phận, trì trệ của anh không làm chúng tôi phải cãi nhau hằng ngày. Với tôi, đây là nguyên nhân thật sự nguy hiểm, vì nó giết dần giết mòn tình yêu và cả sự tôn trọng giữa vợ chồng”.
Từ kinh nghiệm thực tế, theo anh Triều, để hoá giải vấn đề này, điều quan trọng là: “Vợ chồng nên thẳnh thắn góp ý để sửa đổi, điều chỉnh kịp thời. Khi góp ý không có kết quả thì cần xem xét đâu là điểm yếu của người bạn đời và đánh đúng vào để họ vươn lên”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận