07/06/2012 00:17 GMT+7

An ninh Trung Á và lân cận

HẠNH NGUYÊN
HẠNH NGUYÊN

TT - Hội nghị hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày 6 và 7-6 tại Bắc Kinh với hai trọng tâm là tăng cường hợp tác an ninh - kinh tế và mở rộng thành viên cho SCO.

KXNec3rH.jpgPhóng to
Nguyên thủ sáu quốc gia (từ trái qua) Uzbekistan, Kyrgyzstan, Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Tajikistan tham dự Hội nghị hợp tác Thượng Hải tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

SCO hiện có sáu thành viên chính thức (Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Tajikistan) được thành lập tháng 6-2001 theo sáng kiến của Bắc Kinh, với mục tiêu tạo thế đối trọng với Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu.

Tại hội nghị thường niên lần thứ 12 kéo dài hai ngày lần này, vị thế của Afghanistan sẽ thay đổi khi chính thức trở thành quan sát viên của SCO. Trung Quốc và Afghanistan cũng sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ thông qua việc ký kết nhiều thỏa thuận chiến lược.

Mở rộng thành viên

China Daily ngày 6-6 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vĩ Dân cho biết “Trung Quốc mong muốn biến SCO thành khu vực hòa hợp”. Sự tham gia của Afghanistan sẽ giúp SCO kiểm soát “ba thế lực đen tối” là chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan tại Tân Cương và khu vực kế cận Trung Á. Nhà nghiên cứu Raffaello Pantucci của Trung tâm quốc tế nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan thuộc ĐH King's College (London, Anh) nhận định SCO nhận ra khả năng hạn chế của mình khi chống khủng bố, ly khai nếu không có sự tham gia của Afghanistan.

Ấn Độ, Iran, Mông Cổ và Pakistan đều đang là quan sát viên và có thể tham gia các buổi họp tham vấn bên lề của hội nghị. Năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn trở thành đối tác đối thoại, Ấn Độ, Pakistan và Iran muốn trở thành thành viên chính thức. Tuy nhiên, đơn của Iran đã bị bác vì vẫn đang còn bị Liên Hiệp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt, trong khi Nga và Trung Quốc vẫn chưa thống nhất ủng hộ Ấn Độ và Pakistan.

Từ khi SCO thành lập cách nay hơn mười năm, các thành viên đã thực hiện nhiều cuộc diễn tập quân sự và diễn tập chống khủng bố. Chen Yurong, nhà nghiên cứu tại Bắc Kinh, cho rằng sự ổn định của khu vực là mục tiêu chính của SCO. Nhiều học giả Trung Quốc nhìn nhận SCO là ví dụ của “chủ nghĩa khu vực mới” mà Trung Quốc đang theo đuổi.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định SCO là tổ chức vẫn còn phân tán. Trung Quốc và Nga đang tiếp tục cạnh tranh để giữ vị trí đầu tàu chủ yếu của SCO. Nhà nghiên cứu Pantucci cho rằng Nga và Trung Quốc đang mong muốn những điều khác nhau từ SCO. Nga quan tâm phát triển SCO với vai trò dẫn đầu là Nga. Tạp chí Âu - Á trong một bài viết ngày 31-5 cho rằng Trung Quốc đang sử dụng SCO như một bình phong để mở rộng ảnh hưởng tại Trung Á. “SCO đã trở thành chìa khóa tạo thuận lợi cho các ý đồ chính trị và an ninh mà Bắc Kinh phát triển trong khu vực Trung Á và lân cận” - tạp chí này nhận định.

Đẩy mạnh hợp tác kinh tế

Tại hội nghị này, SCO sẽ thông qua chiến lược phát triển trong mười năm tới, trong đó an ninh và hợp tác kinh tế vẫn là hai lĩnh vực chính.

Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thông báo SCO sẽ thành lập một hệ thống cải tiến về hợp tác an ninh để tăng cường khả năng của các nước nhằm ngăn chặn và kiểm soát các cuộc khủng hoảng.

Ngày 6-6, trả lời phỏng vấn báo chí liên quan tới hai chủ đề nóng là hạt nhân Iran và tình hình trên bán đảo Triều Tiên, ông Hồ Cẩm Đào cho biết SCO đã khẳng định đối thoại và tham vấn là lựa chọn phù hợp để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tiến trình phi hạt nhân hóa cần thông qua đối thoại sáu bên để đảm bảo hòa bình và ổn định trên bán đảo cũng như toàn bộ Đông Bắc Á. Về vấn đề hạt nhân Iran, SCO ủng hộ Nga, Mỹ, Đức, Anh, Pháp và Trung Quốc trong việc tiếp tục đối thoại với Iran và giải quyết khủng hoảng hạt nhân Iran thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao.

Mỹ bàn vấn đề Afghanistan với Ấn Độ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và người đồng cấp Ấn Độ A.K.Antony đã thảo luận về hợp tác quân sự và chiến lược giữa hai nước, tình hình khu vực Afghanistan. Theo tờ Hindustan Times, Ấn Độ lo ngại việc các lực lượng quốc tế đang rút khỏi Afghanistan sẽ để lại khoảng trống nguy hiểm tại nước này. Ông Panetta kêu gọi Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn tại Afghanistan và Washington xem New Delhi như một yếu tố đảm bảo an ninh từ khu vực Ấn Độ Dương đến Trung Đông.

Ngày 6-6, người phát ngôn của ông Panetta nói “cả hai bên đã thống nhất sẽ tăng cường thương mại quốc phòng và tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác”.

HẠNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên