25/09/2012 01:31 GMT+7

Ăn gì khi bị hội chứng ruột kích thích?

ThS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG(Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
ThS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG(Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

TT - Nhiều năm qua, các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích được nghĩ có liên quan đến chất béo, chất caffein (có trong trà, cà phê, nước coca...), chất cồn, gluten gây nên.

Đối phó với hội chứng ruột kích thíchXoa dịu chứng ruột kích thích bằng ngồi thiền

Tuy nhiên, các nghiên cứu mới nhất cho thấy hội chứng ruột kích thích còn do một số chất thuộc nhóm tinh bột kém hấp thu và có khả năng lên men tại ruột gây nên (y văn thế giới gọi là các chất FODMAP).

Hội chứng ruột kích thích là một dạng rối loạn chức năng đường ruột mãn tính đặc trưng bởi đau vùng bụng dưới, đầy bụng, trung tiện nhiều, thay đổi thói quen đi tiêu (tiêu chảy và/hoặc táo bón). Đây là một bệnh lý khá phổ biến, cứ bảy người thường có một người bị bệnh.

Những chất này có đặc điểm là kém hấp thu ở ruột non nhưng khi di chuyển xuống đến ruột già lại bị hệ vi khuẩn thường trú ở đây lên men và sinh hơi. Do không được hấp thu, các chất này tồn tại trong lòng ruột, làm gia tăng áp suất thẩm thấu trong lòng ruột, hút nước vào lòng ruột và gây nên triệu chứng tiêu chảy ở bệnh nhân. Bên cạnh đó, khi di chuyển xuống ruột già, chúng được vi khuẩn ở ruột già lên men và sinh hơi. Chính hơi nhiều gây nên các triệu chứng xì hơi, đầy bụng, lình bình cho bệnh nhân. Nếu hơi được sinh nhiều có thể làm chậm di chuyển thực phẩm trong lòng ruột và gây nên triệu chứng táo bón ở một số trường hợp.

Hầu hết mọi người đều ít hấp thu các chất nêu trên. Song chỉ có một số người cảm thấy khó chịu với những chất này (những người mắc hội chứng kích thích). Điều này có thể là do ở những người này có sinh hơi nhiều hơn ở ruột già hoặc đường ruột nhạy cảm hơn với hơi sinh ra, hoặc có trường hợp quá phát vi khuẩn tại ruột non.

Một số chất khác trong nhóm tinh bột như chất xơ và ngũ cốc không ảnh hưởng đến hội chứng ruột kích thích. Ngược lại chất xơ đóng vai trò quan trọng điều hòa chức năng đường ruột và phòng chống táo bón, ung thư đại tràng. Còn ngũ cốc (cơm, khoai, bún...) được tiêu hóa, hấp thu tại ruột non và là nhóm chất cung cấp chất dinh dưỡng chủ yếu, không phải nguyên nhân của hội chứng ruột kích thích.

Những chất thuộc nhóm tinh bột kém hấp thu và có khả năng lên men (FODMAP) nói trên có nhiều trong một số loại trái cây bao gồm táo, dưa hấu, xoài; có trong sữa và chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua...) và có trong bánh mì; có trong một số loại rau cải như hành, tỏi, bông cải, các loại đậu hạt. Ngoài ra một số đường nhân tạo, đường kiêng cũng chứa các chất này nên cần được hạn chế.

Người mắc hội chứng ruột kích thích cần hạn chế hoặc ăn với lượng nhỏ các thực phẩm nêu trên. Ở những trường hợp nặng cần kiêng tuyệt đối các thực phẩm trên trong 6-8 tuần rồi sau đó ăn từ từ với lượng ít.

ThS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG(Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên