Phóng to |
Sinh viên Ấn Độ |
Mỗi năm Ấn Độ cung cấp cho thị trường lao động hàng trăm ngàn kỹ sư IT, đáp ứng nhu cầu của hàng ngàn công ty tin học đủ kích cỡ, có tổng giá trị xuất khẩu tài khóa 2004-2005 lên đến 17,5 tỉ USD. Vì sao?
Việc đào tạo những chuyên viên nghiên cứu và ứng dụng của Ấn Độ được xem là một hiện tượng tầm cỡ thế giới. Với hơn 300 trường đại học và 15.600 trường cao đẳng, Ấn Độ tung ra thị trường mỗi năm 2,5 triệu người tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên. Con số này chỉ thua có Mỹ và mới đây là thua Trung Quốc.
Nhưng theo đánh giá mới nhất về các đại học và viện nghiên cứu trên thế giới của Trường đại học Thượng Hải thì không có đại học nào của Ấn Độ lọt vào top 300, trong khi đó Trung Quốc có sáu. Viện Khoa học Bangalore lọt vào top 400, còn Viện Công nghệ thông tin Kharagpur nổi tiếng chỉ đứng sau nó. Một thực tế quả là đáng lo ngại cho chất lượng đào tạo đang xuống cấp. Mỗi năm Ấn Độ “sản xuất” 350.000 kỹ sư, gấp hai lần nước Mỹ.
Các kỹ sư IT Ấn Độ được đào tạo tại những trường, viện tầm cỡ thế giới không thua gì Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ. Tuy nhiên, ở những lĩnh vực khác mang tính hàn lâm hơn như toán, vật lý và văn chương, nghệ thuật, Ấn Độ đang đi thụt lùi so với nhiều nước khác và với chính nó trong quá khứ. Các đại học Ấn Độ một thời là cái nôi tri thức nay cũng thực dụng, bớt chất hàn lâm.
Trong khi đó, xét về lợi ích lâu dài, những ngành tri thức và sáng tạo lại rất quan trọng đối với một hệ thống giáo dục bền vững và tự duy trì. Các nước tiên tiến đã nhận thức rõ điều này. Chính các môn học như toán và nghệ thuật đã tạo ra diện mạo cho hệ thống giáo dục, đào tạo, giúp phân biệt rạch ròi nó với các phòng nghiên cứu công ty và nơi sản xuất robot. Một kỹ sư, kỹ thuật viên IT giỏi đều cần có cái nền văn học và toán học tốt. Tinh thần trách nhiệm của công dân được hình thành phần nào cũng là nhờ các môn học này. Nếu muốn trở thành siêu cường kinh tế, Ấn Độ phải nuôi dưỡng khu vực tri thức, sáng tạo, không nên để nó mai một.
Người ta tự hỏi tại sao chỉ mới cách đây vài thập niên, Trường Kinh tế Delhi, nơi học tập của các nhà kinh tế tiên phong như Ronald Ross, CV Raman and Satyen Bose, và là nơi hai giáo sư Amartya Sen (Nobel kinh tế) và Jagdish Bhagwati cho ra những công trình tầm cỡ thế giới, lại rơi vào tình trạng tụt hậu hiện nay.
Một câu giải thích cho vấn nạn này là trong khi các đại học trên thế giới đã được tổ chức lại cho phù hợp với tình hình mới thì tại Ấn Độ, người ta vẫn trung thành với mô hình cũ, nhàm chán. Vì vậy, theo các nhà quan sát, Ấn Độ có nhiều việc phải làm ngay nếu muốn chuyển biến tình thế, mà việc đầu tiên là mở đường cho tư nhân rót vốn vào đại học bên cạnh việc thay đổi phong cách quản lý quan liêu.
Ngoài ra cần có những qui chế riêng cho các đại học xuất sắc chứ không thể đánh đồng cá mè một lứa, nhất là ở khâu đãi ngộ, mức tự trị và lương bổng cho giáo sư. Trong khi tại nhiều nước, kể cả Trung Quốc, để khuyến khích đưa nghiên cứu khoa học vào thực tế cuộc sống, người ta cho phép phân loại đại học theo hệ thống “sao” với lương bổng và kinh phí nghiên cứu được tăng đồng bộ với năng suất đào tạo và nghiên cứu thì tại Ấn Độ vẫn chưa áp dụng mô hình này.
Tại Mỹ, các trường đại học được quyền sáp nhập hay hợp tác với mục đích tập hợp đội ngũ nghiên cứu tốt nhất cho một công trình nào đó, tại Ấn Độ vẫn mỗi trường vua một cõi. Lương bổng thấp dễ đẩy các nhà khoa học giỏi ra làm việc cho các công ty tư nhân hay nước ngoài. Một giáo sư tại một viện nghiên cứu hàng đầu Ấn Độ than phiền là ông không thể thuê được một PhD tài năng khi lương của anh ta tại một công ty IT tư nhân cao hơn nhiều lần mức lương 14.000 rupee (305 USD) khởi điểm tại viện.
Ngoài ra, các kỹ sư IT tại Kharagpur cho biết họ không muốn học nâng cao hoặc tham gia nghiên cứu khi một công việc IT tại Ấn có thể mang về 400.000 rupee trở lên mỗi tháng. Nếu đến Mỹ học MS hay PhD rồi ở lại làm việc, anh ta sẽ kiếm dễ dàng 1.800 USD. Trong khi đó một PhD nghiên cứu và làm việc cho chính phủ chỉ lãnh 10.000 rupee một tháng. Lương giáo sư chất lượng cao là 25.000 rupee một tháng (600 USD).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận