Tên lửa Agni-V được phô diễn trong một cuộc duyệt binh tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ năm 2013. - Ảnh: CNN
Thông tin trên được Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết trong một dòng tweet đăng tải trên mạng xã hội Twitter cùng ngày, theo đài CNN.
Vụ phóng thử diễn ra vào sáng 18-1 tại đảo Abdul Kalam nằm trong Vịnh Bengal ngoài khơi bang Odisha miền đông nước này.
Tên lửa Agni-V là dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa tối tân nhất của Ấn Độ ở thời điểm hiện tại, và việc phóng thử thành công tên lửa này được đánh giá là một "sự cải thiện đáng kể" năng lực quốc phòng của quốc gia Nam Á, đài CNN dẫn lời từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ.
Theo ước tính của Hội liên hiệp các nhà khoa học Mỹ, Ấn Độ hiện sở hữu 120 - 130 đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của mình.
"Đây không phải là một năng lực mới của quân đội Ấn Độ, mà chỉ đơn giản là một cuộc thử nghiệm trước khi nước này đưa loại vũ khí này vào biên chế hoạt động", Phó giáo sư Vipin Narang - chuyên gia chính trị học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), nói với CNN.
Theo ông Narang, có thể đợt phóng thử lần này là nhằm mục đích kiểm tra hộp phóng, tốc độ phóng, hiệu suất bay cũng như độ chính xác của tên lửa Agni-V, nói tóm lại là một "cuộc kiểm tra kỹ thuật bình thường".
Tên lửa Agni-V, do Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) Ấn Độ chế tạo, được phóng đi từ tổ hợp bệ phóng số 4 của ITR. Tên lửa Agni-V nặng khoảng 50 tấn, có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường nặng khoảng 1,5 tấn. Tầm bắn của tên lửa này từ 5.000-8.000 km, với độ chính xác cao hơn nhiều so với 3 phiên bản trước đó là Agni-II, Agni-III và Agni-IV.
Thông số kỹ thuật của tên lửa Agni-V theo công bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ. - Đồ họa: CNN
"Ấn Độ đang dần nâng cấp độ phức tạp của quy trình thử nghiệm các loại tên lửa mà họ sở hữu", CNN dẫn nhận định của ông Ajai Shukla - cựu sĩ quan quân đội Ấn Độ nay làm chuyên gia phân tích quốc phòng.
Từ năm 2012 đến nay, Ấn Độ đã 5 lần phóng thử tên lửa Agni-V, trong đó đợt phóng thử gần đây nhất là vào tháng 12-2016.
Khi đó, hai đối thủ địa chiến lược quan trọng nhất của nước này là Pakistan và Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ trước động thái của Ấn Độ.
Tầm bắn của tên lửa Agni-V ở vào khoảng 5.500 đến 5.800 km, nghĩa là đủ sức vươn tới toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, theo ông Shukla.
Tầm bắn của Agni-V từ lâu đã không còn là bí mật, và Ấn Độ cần vũ khí này để có thể đánh trả vào các mục tiêu giá trị cao của Trung Quốc nằm ở bờ biển phía Đông nước này.
Phó giáo sư Vipin Narang, Viện Công nghệ Massachusetts
Dù vụ phóng thử hôm thứ Năm 18-1 chỉ là một bước tiến mới về mặt kỹ thuật, nhưng nó có thể làm nóng lại bất đồng và chia rẽ giữa Ấn Độ và Trung Quốc vốn âm ỉ suốt nhiều năm qua.
Quan hệ hai nước đã lao dốc không phanh trong năm 2017 do tranh chấp biên giơi kéo dài tại khu vực cao nguyên Doklam thuộc vùng núi Himalaya.
Theo nhận định của ông Narang, thời điểm mà Ấn Độ chọn cho đợt phóng thử lần này có thể không phải hoàn toàn không có chủ đích.
"Thật khó mà không thắc mắc liệu vụ phóng thử có phải là một tín hiệu gửi đến Trung Quốc" nhằm tái khẳng định năng lực quốc phòng của Ấn Độ hay không, nhất là trong bối cảnh căng thẳng tại Doklam vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ông Narang nhận xét.
Thời điểm của đợt phóng thử cũng trùng với chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và thời điểm diễn ra Đối thoại Raisina 2018, một trong những hội thảo địa chính trị uy tín hàng đầu Ấn Độ.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà một trong những chủ đề thảo luận của Đối thoại Raisina năm nay là "Sự khó lường của hạt nhân: Quản lý khung hạt nhân toàn cầu".
Ấn Độ, cùng với Pakistan và Triều Tiên, là 3 trong số 13 nước chưa ký kết Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện (CTBT).
Đó là chưa kể việc Ấn Độ đã quyết định nối lại hợp đồng mua tên lửa trị giá 500 triệu USD của Israel.
Hãng Thông tấn PTI ngày 17-1 đã dẫn phát biểu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Ấn Độ sẽ nối lại việc mua tên lửa chống tăng Spike của Israel theo hợp đồng trị giá 500 triệu USD. Theo Thủ tướng Netanyahu, các chi tiết của hợp đồng vẫn đang được thảo luận.
Trong khi đó Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat cho biết các cuộc đàm phán đã diễn ra theo chiều hướng tích cực và nội dung chi tiết sẽ sớm được công bố.
Ấn Độ đã tuyên bố hủy hợp đồng mua tên lửa Spike nói trên chỉ vài tuần trước chuyến thăm của Thủ tướng Netanyanu. Công ty Rafael - nhà sản xuất của Israel, khi đó phát biểu "lấy làm tiếc" vì quyết định này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận