Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu vắc xin phòng COVID-19 để ưu tiên nhu cầu trong nước - Ảnh: REUTERS
Theo các nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ở thời điểm này nhu cầu trong nước phải được ưu tiên do dịch bệnh COVID-19 đang tăng trở lại, vì vậy việc tạm ngừng xuất khẩu vắc xin là cần thiết.
Một người ẩn danh xác nhận với BBC: "Mọi yêu cầu khác sẽ không phải là ưu tiên một. Sẽ không có xuất khẩu vắc xin cho tới khi tình hình (dịch bệnh) ở Ấn Độ được ổn định".
Mặc dù không có người nào ở Bộ Ngoại giao đứng ra tuyên bố, trang web của bộ có đăng thông báo kể từ ngày 25-3, việc xuất khẩu vắc xin bị ngừng.
Ngày 24-3, Ấn Độ ghi nhận sự tăng vọt về số ca nhiễm trong một ngày với hơn 47.000 ca dương tính mới và 275 ca tử vong do COVID-19. Đây cũng là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất trong năm 2021 ở Ấn Độ.
Việc tạm ngừng xuất khẩu có thể kéo dài đến cuối tháng 4-2021 và khoảng 190 nước nhận vắc xin qua cơ chế phân phối vắc xin công bằng COVAX được WHO hậu thuẫn có thể bị ảnh hưởng.
Ấn Độ là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, trong đó Viện Serum của Ấn Độ được phép sản xuất vắc xin AstraZeneca và một số vắc xin khác.
Theo BBC, Viện Serum đã trì hoãn việc giao hàng cho nhiều nước trong những ngày gần đây, trong đó có cả các lô hàng giao sang Anh, Brazil, Saudi Arabia và Morocco. Người phát ngôn của viện cho biết họ sẽ cố gắng để cung cấp thêm vắc xin trong thời gian tới, dựa trên tình hình hiện tại và yêu cầu của chương trình tiêm chủng trong nước.
Từ đầu tháng 4-2021, Ấn Độ sẽ mở rộng tiêm cho những người trên 45 tuổi. Các chuyên gia dự báo nhu cầu về vắc xin sẽ tăng cao nhưng sẽ hạ nhiệt vào tháng 5-2021 khi dự kiến có thêm ít nhất một loại vắc xin nữa được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở nước này.
Cho đến nay, Ấn Độ đã xuất khẩu hơn 60 triệu liều vắc xin đến 76 nước, đa số là vắc xin của AstraZeneca. Trong năm nay, Viện Serum đặt mục tiêu sản xuất 1 tỉ liều vắc xin phòng COVID-19 cho các nước có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới, mỗi tháng tầm 60-70 triệu liều và có thể lên đến 100 triệu liều.
Ngoài vắc xin của AstraZeneca, đơn vị này còn sản xuất vắc xin do Công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ phát triển và hiện chưa được cấp phép ở Ấn Độ.
Ấn Độ triển khai tiêm phòng COVID-19 từ ngày 16-1 và cho đến nay đã tiêm được ít nhất 1 liều cho hơn 47 triệu người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận