![]() |
Với sắc màu đỏ tươi, xôi gấc là món không thể thiếu trong mâm cỗ tết Việt |
Thực phẩm và xu hướng ăn uống của con người luôn xuất hiện và được sử dụng gắn với những mục đích khác nhau. Chính điều đó đã tạo nên trường phái ẩm thực độc đáo như ăn giải đen, ăn cầu may, ăn để chúc phúc… Mỗi trường phái ấy là sự tập hợp một vài món ăn mà người ta mong muốn cùng thưởng thức vào một dịp nhất định, mang những niềm tin nhất định.
“Ăn để được may mắn” không phải là quan niệm của riêng quốc gia hay vùng miền nào. Rất nhiều người tin tưởng về một hoặc một vài món ăn sẽ giúp họ có nhiều may mắn hơn nếu thưởng thức vào dịp đặc biệt nào đó.
Niềm tin vào thực phẩm may mắn đôi khi chỉ bắt nguồn từ một truyền thuyết, khi được giải thích bởi nguồn gốc, sự ra đời, ý nghĩa tên gọi, hoặc cũng có thể chỉ từ màu sắc hay cách chế biến món ăn... Nhưng hầu hết các “món may mắn” đều được sử dụng nhiều trong các dịp lễ - tết truyền thống, đầu năm mới như để cầu may mắn cho cả năm tiếp theo.
Người dân mỗi vùng miền lại tin vào một hay một vài món ăn may mắn khác nhau. Người Việt ta vẫn quan niệm rằng màu đỏ là màu của hạnh phúc, màu thắm của sắc xuân, là biểu tượng cho sự may mắn, tốt lành nên trong mỗi dịp lễ tết, cưới hỏi luôn không thể thiếu được đĩa xôi gấc đỏ thắm.
Nhưng với người Nhật lại khác, đối với người trên đất nước Mặt trời mọc thì cá biển luôn là thực phẩm không thể vắng mặt trong những món ăn mỗi dịp tiệc tùng, cưới hỏi, năm mới… Đầu năm mới, người Nhật thường ăn các món truyền thống dân tộc đều có thành phần từ cá biển như sushi, tempura, sashimi bởi họ quan niệm cá là loài động vật thông minh, nhanh nhẹn và sẽ mang đến sự năng động, sáng suốt cho cả năm.
Nho là một trong những loại quả phổ biến nhất ở Tây Ban Nha. Cây nho trên đất nước này gắn bó với cuộc sống và sinh hoạt của người dân trong suốt 12 tháng trong năm. Điều đó giải thích phần nào cho quan niệm của người dân nơi đây rằng trái nho là biểu trưng của may mắn, ăn 12 trái nho trong thời khắc giao thừa sẽ hưởng trọn sự may mắn, đầy đủ cho suốt cả năm.
Vào thời Phục hưng, chiếc bánh mì Pandoro đầu tiên được một số gia đình quyền quý ở Ý chế biến bằng những đồng tiền vàng lấp lánh phủ bên ngoài để trưng bày, thưởng thức trong các dịp đặc biệt của năm. Cũng vì sự ra đời đặc biệt như vậy mà ngày này dù bánh Pandoro thông thường chỉ được phủ lớp đường kính trắng bên ngoài nhưng người dân nước này vẫn sử dụng nhiều mỗi dịp lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh và đầu năm mới như sự cầu may về tiền bạc cho gia đình.
Ngoài những ví dụ trên, khắp năm châu còn có hàng trăm món ăn với ý nghĩa cầu may như kim chi Hàn Quốc (biểu trưng cho điềm lành và sự vui vẻ), mì sợi ở các nước châu Á và mì spagetti của người Ý (cầu mong cuộc sống trường thọ), sủi cảo Trung Quốc (thể hiện sự đoàn tụ, sum họp gia đình)…
“Kho tàng” phong phú về những thực phẩm cầu may trên khắp thế giới có lẽ phụ thuộc vào truyền thống lịch sử, phong tục, tôn giáo… của mỗi nơi. Do vậy, mỗi miền đất lại có những món ăn may mắn riêng nhưng đôi khi món ăn đó trùng nhau hoặc ngay trên một lãnh thổ lại có những quan niệm và tập tục riêng biệt.
Dù vậy tất cả những món ăn may mắn đều có ý nghĩa quan trọng là phải thưởng thức bên những người thân trong gia đình với không khí đầm ấm, hạnh phúc thì mới thật sự “linh nghiệm”.
Ngày nay, sự giao thoa ẩm thực trên khắp hành tinh khiến sắc màu của mỗi vùng miền không thật rõ nét. Chỉ khi nhắc tới món ăn cầu may, người ta mới thấy được văn hóa truyền thống và nét đẹp tinh thần độc đáo riêng biệt của mỗi mảnh đất và con người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận