Hình ảnh ba anh em ruột bị chết do ngạt khí ở một hầm vàng tại thôn Dung (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) được các phu vàng đồng hương cuộn tròn bó lại trong những túi nilông đưa về quê Kỳ Sơn (Nghệ An) trong đêm khuya đã khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những vụ sập hầm, ngạt khí đau đớn vì vàng, mà trước đó rất, rất nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra ở khắp các cánh rừng già Quảng Nam.
Đâu đó dọc theo các triền sông, khe suối, trên các hốc đá... chênh vênh những am thờ nguội lạnh là minh chứng cho thân phận bọt bèo của những phu vàng viễn xứ “khố rách áo ôm” chỉ vì miếng ăn mà chấp nhận, thậm chí phải đánh đổi cả mạng sống của mình.
Từ lâu vàng đã trở thành một thứ ma lực không gì cưỡng nổi. Sức hút của thứ kim loại màu lóng lánh này đã khiến hàng nghìn con người lao vào tranh giành, đào xới, bất chấp mọi thứ. Và ở Quảng Nam trong suốt mấy chục năm qua, chưa khi nào những vùng đất vốn được dân đi tăm (khảo sát vàng) đánh dấu lại có được chút bình yên.
Hàng trăm con sông, suối, hàng nghìn hecta rừng đầu nguồn đã bị cày xới, đổi dòng chỉ vì vàng. Và hệ lụy là môi trường sinh thái bị phá hủy, đầu độc vô tội vạ bởi chất độc chết người xyanua. Nhưng ám ảnh hơn vẫn là cảnh hàng nghìn phu vàng lũ lượt kéo nhau vào rừng chỉ để săn, tìm vàng và làm giàu cho những ông chủ của họ.
Hiểm họa từ nạn khai thác vàng trái phép là điều ai cũng thấy rất rõ. Chính quyền Quảng Nam từ cấp tỉnh đến huyện, xã đã không biết bao nhiêu lần tổ chức truy quét, đẩy đuổi với hi vọng dẹp bỏ dứt điểm vấn nạn này. Nhưng tất cả đều thất bại. Vì sao?
Có rất nhiều câu trả lời để biện hộ cho sự thất bại này. Từ chuyện thiếu kinh phí để duy trì việc đẩy đuổi đến chuyện dung túng, bảo kê của cán bộ địa phương. Nhưng xét cho cùng, cái gốc của việc không dẹp được nạn vàng “tặc” vẫn là câu chuyện việc làm.
Nhiều năm qua, các vùng đất có vàng ở Quảng Nam đã chào đón hàng chục vạn lao động từ khắp các nơi đổ về mong tìm được việc làm ở những bãi vàng trái phép - nơi mà chỉ cần có sức khỏe và sự cam chịu.
Và trên thực tế ở những bãi vàng, “mùa bắt quân” là mùa sau tết. Thời điểm ấy, các chủ bãi thường tìm về các vùng quê nghèo (càng hẻo lánh càng tốt) để dụ dỗ, rủ rê những thanh niên vốn đang khát khao có được một việc làm. Thế rồi họ nghe theo những lời đường mật, hứa hẹn để vào rừng làm thuê dưới những ngóc hầm tăm tối suối ngày đêm.
Không ít phu vàng mặt còn non sữa vì không chịu nổi sự bóc lột của chủ bãi mà cắt rừng trốn thoát. Nhưng kết cục họ cũng phải chấp nhận quay trở lại làm kiếp phu vàng vì chẳng biết sẽ phải đi về đâu.
“Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” - câu nói của người xưa xem ra quá đúng với những phận phu vàng viễn xứ. Nhưng những vàng “tặc” ở tận rừng xanh kia thì cuối cùng cũng chỉ vì việc làm, vì miếng cơm manh áo mà đành chấp nhận đánh đổi.
Vậy nên, ngoài việc chấn chỉnh công tác quản lý khai thác khoáng sản ở địa phương, giải pháp căn cơ cho việc dẹp bỏ dứt điểm nạn đào vàng trái phép có lẽ vẫn là tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, nhất là những thanh niên trai tráng. Đó mới là cái gốc của vấn đề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận