18/07/2023 10:16 GMT+7

Ăn cá chình ở nhà hàng, 8 người nhập viện cấp cứu

Sau khi ăn cá chình ở một nhà hàng tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội, 8 người phải nhập viện cấp cứu, trong đó 3 ca nặng đang được điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên thăm khám cho bệnh nhân ngộ độc cá chình tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên thăm khám cho bệnh nhân ngộ độc cá chình tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Chị M. (trú huyện Phúc Thọ, Hà Nội), một trong các bệnh nhân đang cấp cứu tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay trưa 14-7, có 9 người ăn cá chình cùng bữa tiệc, sau đó tối cùng ngày 8 người nhập viện cấp cứu, 1 người có triệu chứng nhẹ hơn theo dõi tại nhà.

"Đây là lần đầu tiên tôi ăn loại cá này. Sau khi ăn khoảng 4 tiếng, tôi thấy mệt mỏi, tay chân rũ, đau đầu, nôn, đi ngoài liên tục, co cứng cơ hàm, tê lưỡi. Sau đó tôi được người nhà đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tuyến dưới", chị M. nói.

Cũng có mặt trong bữa tiệc, chị B. (trú tại huyện Phúc Thọ) sau khi trở về nhà bắt đầu có triệu chứng đau mỏi cơ, chân tay yếu, hàm đơ cứng và tê lưỡi. Chị đã gọi điện cho những người đi cùng và được biết mọi người đều có biểu hiện tương tự. Sau đó chị được người nhà đưa đi cấp cứu.

Sau khi cấp cứu ở tuyến dưới, 3 bệnh nhân có biểu hiện nặng hơn được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc cá chình.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay cả 3 bệnh nhân đã ổn định, đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện. 

Theo bác sĩ Nguyên, ngộ độc cá chình khá phổ biến trong số ngộ độc hải sản thường gặp.

Ông cho biết trong cá chình có một số loại độc tố có thể gây ngộ độc. Triệu chứng phổ biến khi ngộ độc cá chình là tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, cứng cơ. Phần lớn triệu chứng xuất hiện từ 2 - 6 giờ sau ăn.

Nguồn gốc độc tố do vi tảo biển gây ra. Các loài tảo này là thức ăn của nhiều loài cá ăn thực vật (cá nhỏ), các loài cá này là thức ăn của những loài cá thịt lớn hơn. Các độc tố đi vào chuỗi thức ăn và tích lũy trong thịt các con cá lớn hơn.

Các nghiên cứu cho thấy cá chình thường chứa độc tố ciguatera. Độc tố này còn thường gặp với các loài cá ở rạn san hô như: cá nhồng, cá hồng, cá tầm, cá cháo, cá cam, cá mú, cá mó, cá vược, cá mập (gan cá)… có tới hàng trăm loài cá có chứa độc tố ciguatera.

Chủ động phòng tránh ngộ độc

"Mặc dù tỉ lệ tử vong do ngộ độc ciguatera ít gặp, tuy nhiên tử vong có thể xảy ra do suy hô hấp, liệt cơ hô hấp, co giật hoặc loạn nhịp tim. Bên cạnh đó, người bệnh khi ngộ độc sẽ có triệu chứng dai dẳng.

Có những trường hợp triệu chứng kéo dài một tháng mới hết, gây khó chịu cho người bệnh, thậm chí trầm cảm sau khi ngộ độc. Bởi vậy khi có các biểu hiện ngộ độc, bệnh nhân cần được đưa tới cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị theo triệu chứng", bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên thông tin.

Theo bác sĩ Nguyên, ngộ độc ciguatera khó phòng tránh vì vi khuẩn không mùi, không vị, không phá hủy bởi nhiệt độ đông lạnh, không xác định được bằng mắt thường.

Để phòng bệnh, người dân không nên ăn quá nhiều cá chình và các loại cá sống ở rạn san hô, đặc biệt tránh ăn nội tạng cá.

Trẻ ngộ độc nấm mọc từ xác ve sầu xuất viện, tiếp tục thêm trẻ ngộ độc nấmTrẻ ngộ độc nấm mọc từ xác ve sầu xuất viện, tiếp tục thêm trẻ ngộ độc nấm

Nam bệnh nhi (12 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) trong vụ ngộ độc Gyrommitrin do ăn nấm mọc từ xác ve sầu đã xuất viện, sau hai tuần được các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tận tình cứu chữa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên