17/02/2022 09:26 GMT+7

Ấm lòng vì một lời của bác sĩ ở huyện

TÚ NGUYÊN
TÚ NGUYÊN

TTO - Theo đề xuất của Sở Y tế TP.HCM về cơ chế chính sách mới nhằm củng cố, nâng cao năng lực y tế cơ sở (Tuổi Trẻ 15-2), tôi rất tâm đắc 2 trong nhiều mục tiêu của tờ trình.

Ấm lòng vì một lời của bác sĩ ở huyện - Ảnh 1.

Bạn Đặng Xuân Chí Đức - sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - thực tập tại Trạm y tế phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: D.PHAN

Một là hướng tới trạm y tế phải là nơi gần dân nhất, nơi chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh gần nhất, giảm tải bệnh nhân cho các bệnh viện đã và đang quá tải. Tôi từng khám bệnh ở nhiều nơi từ trạm y tế, bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh. Tôi cũng có nhiều lần đăng ký khám bệnh qua điện thoại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Lần khám mắt, nhân viên tổng đài cho biết khám phòng 6, lầu 2, lúc 8h sáng, nhưng khi tới nơi, nhân viên phòng khám này buộc tôi phải đăng ký tại quầy nhận bệnh như tất cả bệnh nhân khác. Lần khác, cũng đăng ký khám qua điện thoại, nhân viên tổng đài hướng dẫn liên hệ với quầy nhận bệnh số 8 nhưng khi đến bệnh viện lại phải xếp hàng như chưa từng đăng ký.

Tôi đến Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM thì lại khác. Chỉ cần đăng ký qua điện thoại trước sẽ có ngay số thứ tự, ngày, giờ khám qua tin nhắn hồi đáp và đúng ngày giờ quy định sẽ có tên mình đến lượt khám trước phòng bác sĩ. Mong lắm bệnh viện tỉnh sẽ được như vậy.

Với bệnh viện cấp huyện, những nơi tôi đến đều phải đăng ký theo thủ tục khám trực tiếp. Thủ tục thì nào là sổ khám bệnh, BHYT, chờ tới lượt khám, nhận toa thuốc, nhận thuốc rồi chờ nhận lại BHYT, mất một buổi. Với trạm y tế cơ sở tôi đã đến, có nơi bác sĩ trưởng trạm luân chuyển nơi khác cả năm nay nhưng vẫn chưa có bác sĩ nào thay thế. Thật lòng mà nói, đa số bệnh nhân đến trạm y tế là nhận thuốc cao huyết áp, tim mạch và khám một số bệnh thông thường.

Trang thiết bị ở bệnh viện cấp huyện ở tỉnh tôi cũng được đầu tư khá tốt. Tôi an tâm với trình độ và y đức của bác sĩ huyện nhà (huyện Cần Đước, Long An) và rất ấm lòng khi bác sĩ siêu âm ổ bụng tôi có hỏi "Anh đã cắt túi mật rồi phải không?", trong khi đó một tháng trước tôi siêu âm ở một bệnh viện tại TP.HCM và kết quả có ghi "túi mật thành không dày, đều, lòng túi mật không có sỏi". Thực tế thì tôi đã cắt túi mật từ năm 2018. Sự quan tâm của bác sĩ, dù một câu nói thôi, cũng rất quý và quý hơn khi lời ấy xuất phát từ sự tận tâm với nghề, với bệnh nhân.

Tôi nghĩ chỉ cần luân chuyển hoặc tăng cường bác sĩ có thâm niên nghề, hay tốt hơn là bác sĩ có chuyên môn cao từ bệnh viện cấp tỉnh, huyện về trạm y tế cơ sở thì mọi việc sẽ cải thiện rất nhiều. Tất nhiên việc này phải phù hợp với việc đi lại, ăn ở và cả chi phí bồi dưỡng khác. Nâng chất y tế cơ sở, trong đó yếu tố nhân lực rất quan trọng.

Còn về cơ sở vật chất thì nhất thiết các trạm y tế địa phương cần phải được nâng cấp hơn nữa. Trước hết là tạo diện mạo "bắt mắt" để người dân có tâm lý tin tưởng và trang thiết bị mới.

'Y tế cơ sở phải tăng ca mới hết việc'

TTO - Hiện dịch COVID-19 tại TP.HCM đã được kiểm soát, hệ thống y tế cơ sở đã dần khôi phục và trở lại chức năng thường quy như trước đây nhưng nhân viên y tế vẫn còn đối diện với khối lượng công việc khổng lồ.

TÚ NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên