01/09/2022 10:33 GMT+7

Ấm êm với rừng ngập mặn

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TTO - Nhiều bãi bồi khô cạn, đầm nuôi ngao tôm cua bỏ hoang, cả rừng ngập mặn từng bị "bức tử", chết cháy hơn 10 năm trước... đang được phủ xanh bởi cây sú, vẹt, bần, đước... Chính sách trồng rừng ngập mặn đã tạo ra sinh kế lâu dài cho người dân.

Ấm êm với rừng ngập mặn - Ảnh 1.

Người dân xã Thụy Hải (huyện Thái Thụy, Thái Bình) mưu sinh bên những cánh rừng ngập mặn mới được trồng Ảnh: NAM TRẦN

Những cánh rừng hồi sinh, nhân rộng diện tích mạnh mẽ không thể không nhắc tới xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) và xã Thụy Hải (huyện Thái Thụy, Thái Bình).

Sinh kế lâu dài nhờ trồng rừng ven biển

Chạy dọc quốc lộ 18 theo hướng TP Hạ Long đi TP Móng Cái (Quảng Ninh), khi bước tới địa phận xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên), trước mắt chúng tôi là một màu xanh của cây sú, cây vẹt. Khu vực này có cửa sông Ba Chẽ nên sau khi rừng được phủ kín thì nhiều loại thủy hải sản đã quy tụ về đây.

Nhìn diện tích rừng mới được trồng, bà Hoàng Thị Liên (54 tuổi, thôn Hạ, xã Đồng Rui) cho biết dân làng nơi đây đã có hương ước để bảo vệ rừng. Tuy nhiên, hơn 10 năm trước, diện tích rừng ngập mặn không nhỏ "biến mất".

Mấy năm nay, dân xã Đồng Rui đã trồng thêm, tái tạo được hơn 1.000ha, nâng tổng diện tích rừng này lên khoảng 2.000ha. Rừng lên tốt, lượng phù sa cũng từ đó đổ về ngày một nhiều. "Mong được Nhà nước đầu tư thêm con giống quý hiếm thả xuống khu vực rừng đã tái tạo", bà Liên nói.

Bà Phạm Thị Hoa (52 tuổi, xã Đồng Rui) kể "trồng thêm được cây sú, cây vẹt nào chúng tôi vui vì chắn được sóng, ngăn nước mặn, bảo vệ dân làng. Mùa nào thức nấy, người dân đi bắt cá, ngao, sò… cũng ổn định cuộc sống". Ngoài nguồn lợi thủy hải sản, người dân mong muốn từ những cánh rừng này sẽ thu hút khách du lịch để tăng thêm thu nhập và đồng thời quảng bá hình ảnh Đồng Rui với bạn bè quốc tế.

"Phá thì nhanh nhưng để trồng lại, chăm sóc cây lớn, chắn được sóng phải mất khoảng 3 năm. Chắc chắn chúng tôi không bao giờ dám chặt bỏ một cây nào trong rừng. Nhớ lại thời điểm mất rừng, dân phải đi tới nhiều địa phương khác làm thuê, mỗi ngày kiếm được hơn 100.000 đồng. Giờ thì mỗi ngày vào rừng thu nhập cũng được 300.000 - 400.000 đồng", bà nói.

Phù sa và sự tốt tươi trở lại bền vững

Mấy năm nay, với người dân xã Thụy Hải (huyện Thái Thụy, Thái Bình), việc trồng rừng ven biển đã trở thành niềm tự hào. Đều đặn khi con nước rút, từ tờ mờ sáng cả chục phụ nữ thuộc đội trồng rừng xã Thụy Hải lội bùn vài cây số để trồng từng cây bần. 

Kết thúc công việc trồng rừng, những người phụ nữ này lại dùng một thanh sắt nhỏ để bắt con ốc móng tay, nhặt ngao và sò mang ra chợ bán. Ngay dưới tán rừng xanh mà họ đã trồng 5 - 7 năm trước, mỗi người một ngày cũng kiếm được 200.000 - 400.000 đồng.

Bà Vũ Thị Hà, đội trưởng đội trồng rừng xã Thụy Hải, cho biết: "Những ngày nước lên rất vất vả do đi lại khó khăn, nhưng ai cũng vui vì khi bình minh lên nhìn lại thành quả rất phấn khởi".

Bà Bùi Thị Lý (xã Thụy Hải) cho biết không chỉ trồng rừng ngập mặn mà lúc bắt thủy hải sản dưới tán rừng cũng được người dân nơi đây bảo vệ nghiêm ngặt. 

"Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi chỉ đi bắt thủ công thôi, không có dùng máy móc để đánh bắt vì thủy sinh không thể sinh sản kịp", bà Lý nói. Ngoài con ốc móng tay, dưới tán rừng và bãi bồi còn có một lượng lớn cua, ngao biển mang lại thu nhập hằng ngày cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Thụy Hải Tạ Duy Bình cho biết rừng ngập mặn không những tạo ra "cơm ăn, áo mặc" cho bà con trong xã mà nhiều xã lân cận cũng đến để khai thác, có thời kỳ cao điểm mỗi ngày có đến 400 lao động. Theo ông Bình, điều đáng hoan nghênh là bà con nông dân chỉ khai thác thủ công và nói không với khai thác tận diệt. 

"Kế hoạch, dự án trồng rừng ở xã được thực hiện theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong tổng diện tích hơn 400ha đã thành rừng, một diện tích lớn mới trồng trong khoảng 2 năm trở lại đây cây cũng đang phát triển rất tốt, tích tụ được nhiều phù sa", ông Bình nói.

Dù phát triển được diện tích lớn nhưng cũng đã có lần 150ha rừng ngập mặn xã Thụy Hải đứng trước nguy bị "xóa sổ" để nhường đất cho dự án công nghiệp - dịch vụ. "Năm 2017, chúng tôi đã nói không với một dự án định lấy 330ha bãi bồi ở Thụy Hải để phát triển công nghiệp - dịch vụ, trong đó có 150ha rừng ngập mặn. Sau đó, nhiều cơ quan báo chí, trong đó có báo Tuổi Trẻ, đã phản ánh tâm tư nguyện vọng của bà con nên đến nay dự án đã bị dừng", ông Tiến (xã Thụy Hải) nói.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà:

Tạo ra sinh kế nhiều đời sau

TRONG CAY

Bà con xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) trồng rừng ngập mặn hồi cuối tháng 5-2022 Ảnh: QUANG THẾ

Các tỉnh thành ven biển, chính quyền địa phương sẽ cùng bà con nông dân quy hoạch, phát triển, bảo vệ rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, người dân sẽ được tham gia bảo vệ, khai thác, tăng thêm thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống, hướng đến kinh tế bền vững.

Phát triển thêm các cánh rừng ngập mặn hôm nay tạo ra sinh kế nhiều đời về sau. Những khu rừng ngập mặn quy mô lớn này sẽ trở thành địa điểm cả thế giới biết đến, thu hút khách du lịch đến với các địa phương có nhiều cánh rừng đẹp.

Cô hướng dẫn viên đặc biệt ở rừng ngập mặn Rú Chá Cô hướng dẫn viên đặc biệt ở rừng ngập mặn Rú Chá

TTO - Thấy nhóm du khách luống tuổi đang tìm đường vào rừng, Quý bước tới, "xin" được dẫn du khách vào lõi khu rừng ngập mặn.

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên