14/02/2019 12:05 GMT+7

Ám ảnh... đăng ký môn học

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Đang đăng ký thì sập mạng, mạng chạy lại thì 'hết chỗ', hoặc đăng ký xong vẫn bị hủy vì sĩ số ít... Việc đăng ký môn học trở thành nỗi ám ảnh của nhiều sinh viên.

Ám ảnh... đăng ký môn học - Ảnh 1.

Thông báo hủy lịch giảng của phòng đào tạo ĐH Ngân hàng TP.HCM vì có ít sinh viên đăng ký - Ảnh: M.G.

Trong tình hình đó, các trường cũng đưa ra nhiều lời khuyên cho sinh viên.

Đăng ký môn như chơi chứng khoán

Tình trạng chung của việc đăng ký môn học mà sinh viên gặp phải là nghẽn mạng, thậm chí sập mạng. T.T.V. - sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - cho hay trong đợt đăng ký môn học tháng 5-2018, tuy trang đăng ký vẫn vào được nhưng khi vào đến phần điền mã bảo vệ phải mất cả hai tiếng đồng hồ, trang luôn báo mã bảo vệ không đúng. Sau khi vào được nơi đăng ký thì nhiều lớp đã đầy. 

"Dù đăng ký được cũng phải hồi hộp chờ xem lớp đã đủ sĩ số chưa. Nếu đã đủ phải rút chạy qua lớp khác. Nếu chưa đủ thì cầu cho đủ, bởi thiếu thì trường sẽ hủy lớp. Đăng ký môn học chẳng khác nào chơi chứng khoán, nếu sẩy chân có thể bị trễ một học kỳ" - V. chia sẻ.

Để hạn chế tình trạng quá tải, nghẽn mạng, nhiều trường đã phân chia lịch đăng ký môn học theo khoa, khóa nhưng điều này vẫn liên tục diễn ra. Một sinh viên năm 4 Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết sau bốn năm cố gắng vẫn chưa thể đăng ký được hai môn học là đạo đức văn hóa doanh nghiệp và quản trị vận hành. 

"Sắp xong chương trình học nhưng còn mấy môn chẳng bao giờ đăng ký được, không biết chừng nào mới ra trường" - sinh viên này cho biết.

Không chỉ hồi hộp khi đăng ký, ngay cả khi đăng ký được rồi sinh viên vẫn chưa thể yên tâm bởi môn học tự dưng biến mất. N.T.N. - sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ tin học TP.HCM - đăng ký môn học xong từ sáng, trưa kiểm tra lại vẫn còn đầy đủ môn, nhưng tới tối kiểm tra thì mất một môn. 

L.N.T. - sinh viên Trường ĐH Văn Lang - cám cảnh: "Tôi đăng ký xong xuôi môn giáo dục thể chất, giờ xóa hết bắt đăng ký lại. Đăng ký lại thông báo 18h, tôi ngồi từ 17h50 chờ, nhưng đến 19h30 vẫn không có động tĩnh gì".

Từ tình trạng trên, không ít sinh viên phải tìm cách "nhượng môn" từ bạn bè. Một sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết có đợt không đăng ký đủ tín chỉ phải năn nỉ bạn cùng lớp nhường suất học cho một môn đã đăng ký thành công. Tuy nhiên, hai người phải lên phòng đào tạo làm giấy cam kết đủ kiểu.

Qua được "cửa ải" đăng ký cũng chưa phải đã may mắn. Nhiều sinh viên buộc phải thực hiện đăng ký lại do trường hủy học phần đã đăng ký. Đa số việc hủy học phần do sĩ số lớp chưa đủ để trường mở lớp. 

Trong thông báo hủy lịch giảng học kỳ 2, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM hủy đến 37 môn học, Trường ĐH Kinh tế quốc dân hủy 14 môn. Học kỳ 2 năm học 2017-2018, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) hủy hơn 40 môn. 

Ở nhiều trường ĐH khác, hầu như học kỳ nào cũng có vài học phần bị hủy.

Cần chuẩn bị trước

Việc nghẽn mạng lúc cao điểm đăng ký, theo các trường, là điều không tránh khỏi dù đã áp dụng biện pháp phân luồng. TS Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho biết dù đã phân luồng theo khoa, khóa nhưng lúc cao điểm vẫn quá tải do sinh viên vào quá nhiều. 

Ông Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết việc nghẽn mạng khi đăng ký là điều khó tránh khỏi dù trường đã chia khóa. Tuy nhiên, không ít sinh viên không nắm thông tin, không phải ngày của khoa, nhóm ngành của mình cũng vào đăng ký góp phần làm tăng sự nghẽn mạng.

Tương tự, TS Phan Ngọc Minh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - cho biết việc nghẽn mạng cũng tác động đến tâm lý sinh viên và trường đã yêu cầu tăng băng thông. Hơn nữa, sinh viên cũng cần có kế hoạch học tập cụ thể để việc đăng ký môn học thuận lợi hơn. 

Theo ông Minh, một số sinh viên không đăng ký được một vài môn học dẫn đến chậm tiến độ là có, nhưng chỉ là cá biệt. Trường quy định lớp đủ sĩ số 40 sinh viên mới mở, nhưng trong một số trường hợp đáp ứng yêu cầu cho sinh viên năm cuối tốt nghiệp nên dù không đủ sĩ số vẫn mở.

Trong điều kiện như vậy, để có tiến độ và kết quả học tập tốt, nhiều ý kiến cho rằng sinh viên cần phải có kế hoạch học tập rõ ràng, đôi khi phải chấp nhận sự cố ngoài ý muốn. 

TS Phan Ngọc Minh cho rằng mỗi chương trình đào tạo đều được trường thiết kế sao cho từng học kỳ sinh viên không phải học quá nhiều hay quá ít. Sinh viên cần nắm rõ đâu là môn tiền đề, đâu là môn cơ sở ngành, đâu là chuyên ngành để đăng ký môn học phù hợp.

Phó trưởng phòng đào tạo một trường ĐH chia sẻ ngoài lịch trình học tập chung, trước mỗi học kỳ sinh viên cần có kế hoạch cụ thể. Nên lập một thời khóa biểu sơ bộ (học lớp nào, môn gì, thời gian nào, giảng viên nào) và ghi chú lại mã lớp học phần. Đến lúc đăng ký chỉ cần đăng nhập, đăng ký thật nhanh để tránh tình trạng lỗi, lớp học bị kín chỗ. 

Khi đăng ký thành công, ngay lập tức chụp ảnh màn hình, chụp ảnh lịch học lúc đăng ký xong. Điều này để đề phòng trường hợp bị lỗi thì có thể mang ảnh đó đến khiếu nại với các thầy cô trong phòng đào tạo. 

Không nên đăng ký học quá nhiều hoặc quá ít trong một học kỳ vì ít quá sẽ không đủ tín chỉ xét học bổng, nhiều quá sẽ dẫn đến nản, không học được.

Phạm Thùy Trang - sinh viên năm 4 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - "bật mí" bí kíp đăng ký môn học: trước khi đăng ký môn học mấy ngày, cần xác định và tìm hiểu trước về những môn học các bạn muốn đăng ký. 

Hãy ghi ra mã môn học bạn cần, thời gian cụ thể ra sao để khi đăng nhập được vào là bấm mã môn, lọc, tìm lớp mình cần. Việc này sẽ giúp ích rất nhiều trong giờ phút tranh nhau đăng ký, bởi chỉ chậm 1 giây là lớp sẽ đầy chỗ. Nếu nghẽn mạng, hãy bình tĩnh, kiên nhẫn gõ ID, password lại và bấm đăng nhập lại nhiều lần.

Tín chỉ nửa vời

Phó hiệu trưởng một trường ĐH công lập tại TP.HCM cho rằng việc đào tạo tín chỉ ở hầu hết các trường ĐH hiện nay rất nửa vời, chưa phải là tín chỉ hoàn toàn, bị yếu tố kinh tế chi phối khá nhiều.

Vị này giải thích việc mở lớp cũng phải cân nhắc sĩ số bởi liên quan đến chi phí chi trả của trường, phòng ốc còn hạn hẹp. Đội ngũ giảng viên của các trường cũng chưa đủ mạnh để đáp ứng hết nhu cầu chọn giảng viên của người học.

Với các môn thực hành, giảng viên thường kiêm luôn cố vấn học tập, trong khi các môn đại cương, cơ sở ngành hầu như không có đội ngũ cố vấn học tập chuyên trách hỗ trợ phần tự học của sinh viên. Những điều này dẫn đến người học vẫn bị hạn chế trong quá trình lên kế hoạch cũng như tiến độ học tập theo mong muốn.

Hiệu trưởng xin lỗi sinh viên vì "sập mạng" đăng ký môn học Hiệu trưởng xin lỗi sinh viên vì 'sập mạng' đăng ký môn học

TTO - “Tôi muốn gửi lời xin lỗi các em sinh viên ULIS đã không thể đăng ký lớp môn học tối nay. Giá như chúng tôi xử lý vấn đề nhanh hơn! Việt Nam thắng nhưng đào tạo ULIS chịu một bàn thua! Hơi buồn!”.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên