19/03/2016 11:11 GMT+7

Ai "có vấn đề" phải chỉ rõ, chớ nói chung chung

V.V.THÀNH thực hiện
V.V.THÀNH thực hiện

TTO - Đó là ý kiến của ông Lê Việt Trường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, thành viên Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Ông Lê Việt Trường - Ảnh: Việt Dũng

* Thưa ông, gần đây báo chí nêu ý kiến được cho là của một thành viên trong Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử quốc gia đề cập đến việc một số người tự ứng cử ở Hà Nội “có sự ủng hộ của tổ chức phản động, đứng ra vận động và cung cấp tài chính”. Ông bình luận gì về việc này?

- Tôi mới đi công tác về nên không rõ phát biểu nêu trên là với tư cách nào. Qua đọc thông tin trên báo thì chúng tôi cho rằng cách đặt vấn đề như vậy không ổn. Phải có bằng chứng cụ thể, nếu không có thì không nên nói chung chung, dù muốn hay không sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người tự ứng cử.

Tôi cùng đi công tác với Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Trưởng Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội) nên ngay lập tức đã kiến nghị xem xét cụ thể vấn đề này, cụ thể như thế nào, làm rõ để rút kinh nghiệm.

* Đã có ý kiến trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng "nói chung chung là xúc phạm đến người tự ứng cử", ông thấy sao?

- Khi công dân đã nộp hồ sơ và cơ quan có thẩm quyền chấp nhận hồ sơ để tiến hành hiệp thương, rồi tiến hành hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú, nói chung đó là điều bình thường, có vấn đề gì đâu. Nếu có vấn đề gì đó thì phải là cơ quan chuyên môn vào cuộc theo quy định pháp luật, và phải chỉ rõ ra đối tượng cụ thể.

Tôi ví dụ: anh nói tôi có tài sản bất minh thì phải chỉ rõ bất minh ở đâu? Tôi kê khai 5 bất động sản đều có sổ đỏ, đều là những tài sản có nguồn gốc rõ ràng, anh bảo tôi bất minh thì phải chỉ rõ, lại cứ đi nói vu vơ là “có những đồng chí rất nhiều nhà, có thể trong số đó có một số tài sản bất minh”. Nói như thế là nói theo kiểu “quăng chài”, nguy hiểm lắm.

* Xin hỏi quan điểm của ông về những người tự ứng cử?

- Những người tự ứng cử là những công dân có trách nhiệm, họ nhận thấy trong Hiến pháp và pháp luật đã quy định quyền và nghĩa vụ của công dân và mong muốn đóng góp khả năng của mình thông qua cuộc bầu cử Quốc hội.

Chúng ta hoan nghênh tinh thần trách nhiệm đó, những người đủ điều kiện theo quy định pháp luật nộp hồ sơ tự ứng cử là tốt quá chứ sao nữa, họ tham gia chia sẻ, gánh vác công việc quốc gia đại sự.

Tất nhiên, theo quy định cụ thể họ có đạt yêu cầu hay không còn có cơ quan phụ trách hiệp thương, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp, có các cơ quan chức năng khác, trải qua một quá trình sàng lọc và cử tri là người bỏ lá phiếu quyết định cuối cùng.

* Trong quá trình bầu cử thì Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm như thế nào?

- Trách nhiệm được thể hiện như tên gọi. Hội đồng bầu cử quốc gia đã có nghị quyết về việc thành lập Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội, và ban hành chương trình hoạt động của tiểu ban.

Theo đó, những nội dung hoạt động chủ yếu của Tiểu ban là giúp Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và Ủy ban bầu cử tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình chuẩn bị và tiến hành bầu cử. Nắm tình hình, kịp thời tổng hợp, báo cáo và kiến nghị Hội đồng bầu cử quốc gia xử lý những vấn đề nảy sinh, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ…

Bao giờ cũng vậy, với các sự kiện chính trị quan trọng thì phải đặt ra công tác an ninh, trật tự, một trong những mục đích của công tác này cũng là để đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng như nhau, đảm bảo bầu cử thành công.

V.V.THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên