Đưa cháu bé 11 tuổi bị cha đánh đập đi khám tại bệnh viện - Ảnh: T.TÂN
Thiếu tá Y Tuệ Ayun - trưởng Công an xã Cư Né - cho biết cha của cháu bực tức con không nghe lời nên ông lấy một cây tre đánh nhiều cái vào người con. Hiện hồ sơ vụ việc được chuyển đến Công an huyện Krông Búk điều tra theo thẩm quyền.
Thiếu tá Y Tuệ Ayun còn nói cách đây năm năm, cha của cháu bị tai nạn giao thông nên tinh thần không được ổn định. Những lúc "trái gió trở trời" ông thường có hành vi bạo hành với vợ. Vì việc này nên mẹ cháu bé đưa một con về bên ngoại ở, còn cháu bé 11 tuổi sống với cha.
Từ khi vợ bỏ đi, tình trạng cha cháu bé chuyển biến xấu hơn. "Lúc bình thường ông ấy rất thương con, chăm lo con hết mực. Nhưng những lúc trái gió trở trời lại thường đánh con rất nặng tay" - ông Y Tuệ Ayun kể.
Lo ngại cháu bé tiếp tục bị bạo hành, thiếu tá Tuệ Ayun đề nghị cách ly cháu bé khỏi cha. "Tuy nhiên việc cách ly con trai với bố ruột phải do cấp thẩm quyền quyết định" - thiếu tá Y Tuệ nói.
Luật sư Phan Thanh Sơn - Đoàn luật sư Đắk Lắk - cho rằng việc cha hay mẹ đánh đập con cái dẫn đến thương tích có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Để tránh những tổn thương cho trẻ, tòa án có thể ra quyết định cách ly con khỏi cha (mẹ) một thời gian. Việc này được quy định cụ thể trong điều 85 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Cụ thể, cha (mẹ) bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp: bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Ngoài ra, cha (mẹ) còn bị hạn chế quyền đối với con nếu có lối sống đồi trụy, xúi giục hoặc ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội...
Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức mà ra quyết định cách ly con khỏi cha (mẹ) trong thời hạn từ 1-5 năm. Tòa án có xem xét việc rút ngắn thời hạn này nếu như cha (mẹ) có chuyển biến tích cực.
Trong trường hợp cụ thể ở xã Cư Né, mẹ của cháu bé có thể làm đơn yêu cầu tòa án không công nhận là vợ chồng với cha cháu bé, đề nghị giải quyết vấn đề nuôi con chung. Đồng thời yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để được trực tiếp nuôi con.
"Khi giải quyết vấn đề nuôi con chung, tòa án sẽ xem xét đến ba yếu tố: điều kiện về vật chất, điều kiện về tinh thần và đặc biệt là nguyện vọng của cháu bé (đủ 7 tuổi trở lên) để quyết định ai nuôi con" - luật sư Sơn tư vấn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận