02/11/2016 18:41 GMT+7

Ai chịu trách nhiệm vụ cháy quán karaoke 13 người chết?

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Dù chưa đủ điều kiện đưa vào hoạt động, nhưng ngày 1-11, chủ cơ sở karaoke số 68 Trần Thái Tông vẫn để người vào hát trong 2 phòng, nên khi xảy ra cháy đã làm chết đến 13 người.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội (bìa phải) trao đổi thông tin về vụ cháy quán karaoke - Ảnh: THÂN HOÀNG
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội (bìa phải) trao đổi thông tin về vụ cháy quán karaoke - Ảnh: Thân Hoàng

Chiều 2-11, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội về việc cá nhân, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm trong việc để quán karaoke số 68 chưa đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động và xảy ra cháy làm 13 người thiệt mạng.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC - cho biết quán karaoke này trước đây là nhà dân và được chủ quán chuyển đổi công năng sang kinh doanh karaoke.

Theo quy định, công trình này có khối tích hơn 1.500m3 thì phải được thẩm duyệt, nghiệm thu về đảm bảo công tác PCCC.

Ngày 15-9, Phòng Cảnh sát PCCC số 3 tiến hành kiểm tra, công trình chưa đưa vào hoạt động nhưng có một số tồn tại chưa đảm bảo trong thi công như chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

Sở Cảnh sát PCCC đã có công văn yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công, hoàn thiện hồ sơ để thực hiện thẩm duyệt thiết kế PCCC.

Tiếp đó ngày 12-10, UBND quận Cầu Giấy có đoàn liên ngành kiểm tra nhưng chủ đầu tư quán karaoke này là bà Nguyễn Diệu Linh không xuất trình được các văn bản, giấy tờ liên quan đến công tác PCCC nên yêu cầu bà Linh phải đến trụ sở quận làm việc.

Ngày 13-10, Sở Cảnh sát PCCC đã thẩm duyệt, cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC cho quán karaoke này và yêu cầu đơn vị thi công theo đúng thiết kế được thẩm duyệt; công trình phải được nghiệm thu về PCCC trước khi đưa vào sử dụng.

Tại buổi làm việc ngày 17-10, bà Linh đã xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do UBND quận Cầu Giấy cấp.

Đồng thời chủ đầu tư cam kết chỉ đưa cơ sở vào hoạt động sau khi đã có đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật, nếu đưa cơ sở vào hoạt động khi chưa đủ hồ sơ theo quy định thì sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm; đoàn kiểm tra liên ngành yêu cầu chủ đầu tư chỉ được phép hoạt động, kinh doanh sau khi đã thực hiện và hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng quán karaoke không có đủ điều kiện an ninh trật tự và PCCC mà vẫn hoạt động kinh doanh thì đó là lỗi trước hết của chủ đầu tư. 

Còn trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra vụ hỏa hoạn là do thợ hàn xì biển quảng cáo quán karaoke gây cháy thì người thợ trực tiếp hàn xì đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Nếu xác định người thợ thi công hàn xì được thuê mướn thì người chủ quán karaoke phải có trách nhiệm liên đới bồi thường dân sự vì đã không áp dụng biện pháp bảo hộ và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng lao động nên đã gây hậu quả thiệt hại về người, tài sản.

Ông Tuấn Anh cho biết thêm khi cấp giấy thẩm duyệt lực lượng chức năng yêu cầu rất rõ chủ đầu tư phải thực hiện thi công công trình theo đúng hồ sơ thiết kế được thẩm duyệt và đặc biệt phải thực hiện nghiệm thu về công tác đảm bảo PCCC trước khi đưa vào sử dụng.

Kinh doanh karaoke là loại hình kinh doanh có điều kiện còn phải thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc cá nhân, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm khi để quán karaoke không đủ điều kiện mà vẫn cho người vào hát, ông Tuấn Anh nói: “Chủ cơ sở đã cam kết nhưng không thực hiện nghiêm trách nhiệm cá nhân thuộc về chủ đầu tư. Cơ quan nhà nước đã làm hết trách nhiệm theo Luật, đã kiểm tra, có biên bản vi phạm, liên ngành quận cũng có kiểm tra và yêu cầu không được kinh doanh khi không đủ điều kiện”.

Ông Tuấn Anh cho biết quá trình dập lửa vụ cháy quán karaoke lực lượng Cảnh sát PC&CC gặp rất nhiều khó khăn, hướng tiếp cận đám cháy bị hạn chế do toàn bộ mặt trước của công trình được bố trí lắp đặt khung sắt và các tấm thép dày 1,5mm nhằm treo biển quảng cáo; các vách ngăn giữa các phòng hát của ngôi nhà số 68 được ngăn bằng các tấm kim loại không kín, ốp bằng những vật liệu dễ cháy như: xốp, bông thủy tinh…

“Nguyên nhân của vụ cháy đang được điều tra làm rõ nhưng thông tin bước đầu xác định do sự bất cẩn của thợ hàn trong quá trình cải tạo, sửa chữa tại tầng 2 ở quán karaoke 68 và gây cháy”, ông Tuấn cho biết

Điều 240: Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến tám năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên