Đây không phải là trường hợp duy nhất người tố giác tội phạm bị trả thù, nhưng cái cách trả thù của những đối tượng phạm tội trong vụ việc này mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng; vừa được thả về đã mang mã tấu đi tìm người tố cáo trả thù, một sự trả thù trắng trợn, có tính chất “xã hội đen” của những tên côn đồ hung hãn.
Không chỉ đối với người tố giác tội phạm mà cả những người chẳng liên quan gì đến việc tố giác tội phạm cũng bị đe dọa, khủng bố tinh thần bằng nhiều thủ đoạn, cấp độ khác nhau như nhắn tin qua điện thoại, viết thư đe dọa vứt vào nhà, gửi vòng hoa tang đến “chia buồn cùng gia quyến”...
Sống trong một xã hội có nhà nước, có pháp luật, có lực lượng vũ trang, có cả một hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương mà không bảo vệ được người tố giác tội phạm thì còn đâu lẽ phải, lẽ công bằng!
Bộ luật tố tụng hình sự (từ năm 2003) có quy định: “Người làm chứng có quyền yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng” (điểm a khoản 3 điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự). Tuy nhiên từ quy định đến việc thực thi còn cả một quá trình. Cho đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa ban hành được quy chế bảo vệ người làm chứng.
Hành vi trả thù người làm chứng cũng chưa được xử lý nghiêm minh nên người tố giác tội phạm khi tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng vẫn chưa được bảo vệ, mặc dù họ có yêu cầu.
Nhiều vụ án hình sự nếu thiếu người làm chứng thì không thể kết án được người phạm tội, trong khi có người biết sự việc lại không dám đứng ra làm chứng vì sợ bị trả thù. Đây là một hiện tượng tiêu cực nhưng lại đang phổ biến.
Ngoài Bộ luật tố tụng hình sự Luật phòng chống tham nhũng cũng có quy định về bảo vệ người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo hành vi tham nhũng (điều 5 và khoản 2 điều 38 Luật phòng chống tham nhũng), nhưng quy chế bảo vệ thế nào cũng chưa được quy định, nên trong thực tế đã không ít người tố cáo tham nhũng bị trù dập, trả thù.
Còn người dân bình thường khi bị đe dọa, khủng bố tinh thần nếu có đến báo cơ quan chức năng “nhờ” giải quyết thì thường cũng chỉ nhận được câu trả lời đại loại: “tin rác ấy mà” hoặc “ông bà có biết người đe dọa, khủng bố mình là ai không?”...
Bộ luật hình sự có quy định tội “đe dọa giết người”, tội “khủng bố”, nhưng để đưa ra xét xử được hành vi này cũng không phải đơn giản, tìm cho ra người đe dọa, khủng bố là cả một vấn đề.
Chính vì vậy để người tố giác tội phạm được bảo vệ, việc trước mắt là cần phải hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ công dân, trong đó có người làm chứng, người tố giác tội phạm.
Bộ luật hình sự cần quy định thêm tội “đe dọa tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” là tội danh độc lập với tội “đe dọa giết người”, tội “khủng bố”.
Nếu chúng ta không làm quyết liệt thì không chỉ ở Dĩ An mà còn nhiều nơi khác, bọn “xã hội đen”, côn đồ vẫn sẽ lộng hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận