Thầy và trò Nhạc viện TP.HCM trong Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020 - Ảnh: L.ĐOAN
1 Lý ra, năm nay cuộc thi định kỳ 3 năm một lần này sẽ diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên Cục Nghệ thuật biểu diễn đã quyết định tổ chức tại 5 địa điểm, gồm Buôn Ma Thuột, TP.HCM, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc và Hà Nội.
Khi chia ra như thế, số lượng đoàn đăng ký cũng tăng lên một cách bất ngờ với 35 đoàn và hơn 600 nghệ sĩ dự thi, đông nhất từ trước tới nay.
Trái với suy nghĩ của không ít người rằng những cuộc thi nhạc cụ dân tộc thường cũ kỹ và nhàm chán, không hấp dẫn, ai đó nếu xem phần thi của Nhạc viện TP.HCM có lẽ sẽ bất ngờ và có cái nhìn khác về độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc.
Qua 11 nhạc phẩm được trình tấu trong khoảng 110 phút, khán phòng vang lên từng tràng pháo tay, mọi người say mê theo dõi và đến cuối chương trình vẫn nấn ná ở lại để chụp ảnh, nhìn ngắm những nhạc cụ và khen ngợi nghệ sĩ...
2 Không chỉ chương trình của "anh cả" Nhạc viện mà phần dự thi của Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai cũng quyến rũ người xem. Các nhạc cụ dân tộc như tranh, sến, cò, bầu, kìm, sáo, trống... được các nghệ sĩ trình tấu thành những giai điệu đầy hấp dẫn.
Tuyệt nhất là trong những tiết mục độc tấu, khi tiếng sáo trúc véo von vút lên, hay tiếng đàn bầu nhỏ từng giọt tha thiết được hòa bè bằng cả một dàn nhạc dân tộc hỗ trợ, người xem như thấy rưng rưng một niềm xúc cảm... Tiếng đàn của nhạc cụ dân tộc sao mà đắt giá, sao mà sang trọng dường ấy!
Bên cạnh những đơn vị mạnh, có điều kiện nhân lực làm nên một dàn nhạc hoành tráng, những đơn vị nhỏ hơn cũng có cách riêng để thu hút khán giả, như Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh) với loại hình nhạc Dù Kê Ba Sắc, nhạc Ngũ âm...; Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh Bình Thuận với những biến hóa đa sắc thái cùng cây kèn saranai độc đáo.
3 Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Phượng - phó trưởng khoa âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.HCM - cho biết lần này các tác phẩm dự thi của Nhạc viện hầu như viết mới.
"Chúng tôi chú ý ngoài việc dàn dựng những tiết mục, tác phẩm theo lối cổ truyền thì cũng phải có những tác phẩm mới để bắt kịp thời đại, để khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, yêu thích.
Như bài thi kết thúc chương trình của nhạc viện, nhiều khán giả cho biết họ rất muốn đứng lên nhún nhảy theo. Rõ ràng, không phải khán giả không thể nghe được nhạc dân tộc mà do mình có làm hay, có làm khán giả thích thú chưa?".
Cũng với mong muốn nhạc dân tộc rộn ràng hơn, nhưng cách làm của Đoàn ca múa nhạc dân tộc Bình Phước dường như chưa đi đúng hướng.
Tiết mục tham gia của đoàn sử dụng quá nhiều nhạc cụ điện tử và khi giới thiệu tiết mục độc tấu với đàn đá, dàn nhạc cụ điện tử bè lại quá ồn ào và lấn át tiếng đàn đá.
Nhạc cụ dân tộc có âm sắc riêng rất độc đáo, đòi hỏi người sử dụng khai phá nét riêng biệt đó, nâng cao giá trị để âm nhạc dân tộc đi vào cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ được hồn cốt.
Còn mượn danh hiện đại và kết hợp truyền thống một cách cẩu thả sẽ khiến người trẻ không nhận ra được giá trị thật của tiếng đàn dân tộc để nâng niu.
Trong ba ngày 21, 22 và 23-9, Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020 đã diễn ra tại Nhạc viện TP.HCM (dành cho khu vực Đông và Tây Nam Bộ).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận