Như vậy, người Pháp sẽ tiếp tục chứng kiến giao thông đình trệ, trường học đóng cửa, nguồn cung năng lượng bị gián đoạn do đình công.
Theo Hãng tin AFP, cuộc gặp ngày 5-4 giờ địa phương giữa các lãnh đạo Công đoàn và Thủ tướng Borne rơi vào bế tắc, sau khi chính quyền quyết không đụng đến vấn đề nâng tuổi hưu từ 62 lên 64, mấu chốt của sự phản ứng giận dữ từ Công đoàn.
Các lãnh đạo Công đoàn đã nói họ sẽ rút khỏi đàm phán nếu chính quyền không chấp nhận thảo luận vấn đề nâng tuổi hưu. Tuy nhiên, bước ra khỏi cuộc họp kéo dài 1 tiếng, phe Công đoàn giận dữ kêu gọi đình công "tối đa".
"Rõ ràng là một thất bại khi thủ tướng thậm chí không cho phép thảo luận", ông Cyril Chabanier phát biểu thay mặt cho 8 công đoàn chính của nước Pháp sau cuộc họp.
"Chúng ta phải tiếp tục vận động cho đến cùng, đến khi chính phủ hiểu rằng không có lối thoát nào khác ngoài việc rút lại cải cách này", báo Guardian dẫn lời bà Sophie Binet, lãnh đạo Công đoàn thương mại CGT, kêu gọi.
Trong khi đó, phía bà Borne tuyên bố sẽ không thay đổi cải cách. "Tôi nói với họ một lần nữa rằng tôi tin cần phải cải cách hưu trí", bà nói.
Đây là cuộc họp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi chính phủ trình bày dự luật cải cách hưu trí gây tranh cãi vào tháng 1-2023. Các cuộc biểu tình bùng phát thành bạo lực sau khi Thủ tướng Borne sử dụng thủ tục đặc biệt để thông qua dự luật cải cách hưu trí.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cuối cùng để dàn xếp mâu thuẫn khi Hội đồng Hiến pháp Pháp sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về cải cách chế độ hưu trí vào ngày 14-4 tới, "cửa ải" sau chót trước khi kế hoạch cải cách này được ký thành luật.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó đã khẳng định đạo luật cải cách hưu trí sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
Theo cải cách mới, tuổi nghỉ hưu ở Pháp sẽ nâng từ 62 tuổi lên 64 tuổi vào năm 2030, cũng như áp dụng một cơ chế lương hưu tối thiểu. Ngoài ra, từ năm 2027, người lao động sẽ phải làm việc ít nhất 43 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận