27/08/2012 02:31 GMT+7

8 tháng, 176 vụ phá rừng

T.LỘC - N.HIỂN
T.LỘC - N.HIỂN

TT - Đó là con số mà kiểm lâm thống kê tại 14 xã của huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế... Theo nguồn tin của người dân về tình trạng tàn phá rừng tự nhiên, chúng tôi tìm đến vùng rừng Khe Kiền thuộc xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế.

jWp473ep.jpgPhóng to

Một cây to khoảng hai người ôm vừa bị đốn hạ, vết cưa còn rất mới - Ảnh: THÁI LỘC

Sau khi đi qua một con đường mòn dài chừng 2km, băng qua một đám rừng keo và một khe suối cây bụi rậm rạp, chúng tôi đến sườn núi cao với một cảnh tượng vô cùng ngổn ngang của củi gỗ, tro than... Trên diện tích rộng chừng 1ha rừng đã bị đốt cháy còn trơ lại hàng trăm gốc cây to san sát, trong đó rất nhiều gốc đường kính 40-50cm, nhiều gốc lớn đến hơn hai người ôm. Hàng chục cây gỗ lớn nằm la liệt trên những bãi tro than. Nhiều chỗ còn để lại dấu vết cưa xẻ chứng tỏ người ta đã chọn những thân cây lớn, gỗ tốt tổ chức xẻ thành phách chuyển ra khỏi rừng trước khi đốt đi.

Không chỉ ở xã Hồng Thượng, đi dọc gần 100km đường Hồ Chí Minh qua huyện A Lưới, hầu hết các dãy núi có rừng tự nhiên dọc hai bên đường đều thấy sự loang lổ nhiều đám rừng vừa bị đốt phá. Ông Lê Nhân Đức, hạt trưởng Hạt kiểm lâm A Lưới, thừa nhận tình trạng phá rừng tự nhiên để làm rẫy ở A Lưới gia tăng trong năm nay. Từ đầu năm đến giữa tháng 8, kiểm lâm thống kê được 176 vụ phá rừng diễn ra tại 14 trong tổng số 21 xã của huyện. Tổng diện tích rừng bị đốt phá chừng 40ha, chủ yếu do bà con dân tộc thiểu số đốt để làm nương rẫy. Đơn vị này phối hợp với chính quyền đã lập biên bản xử lý 136 vụ, tổng mức phạt hơn 115 triệu đồng. Số còn lại vẫn đang tiếp tục điều tra để xử lý. Ông Đức nhận xét: “Tình trạng phá rừng đang ở mức báo động; nhiều cánh rừng tự nhiên với nhiều cây to bị đốn hạ thấy mà xót ruột!”.

Theo ông Lê Nhân Đức, việc phá rừng gia tăng chủ yếu do xây dựng các hồ thủy điện trên địa bàn huyện A Lưới đã khiến khoảng 1.000 hộ dân của huyện thiếu đất sản xuất. Tương tự, ông Lê Xuân Hồng, cán bộ địa chính xã A Roàng, nơi có 50 vụ phá rừng kể từ đầu năm, cũng cho rằng việc làm thủy điện làm người dân mất nhiều ruộng lúa khiến họ phải chặt phá rừng để làm rẫy. Xã và kiểm lâm cũng quyết liệt kiểm tra nhưng không kiểm soát nổi tình trạng chặt phá vì không thể túc trực 24/24 giờ, khi mà những cánh rừng tự nhiên quá gần nhà dân. Mặt khác, bà con còn phân bì với lâm tặc bởi tình trạng phá rừng diễn ra trên địa bàn một cách ồ ạt nhưng chính quyền không kiểm soát được.

T.LỘC - N.HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên