20/11/2012 18:00 GMT+7

8 sai lầm cần tránh khi khởi nghiệp tại nhà

P.THÙY (Theo Entrepreneur)
P.THÙY (Theo Entrepreneur)

TTO - Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, càng có nhiều người chọn cách làm việc tại nhà nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và trở nên linh động, tự chủ hơn trong công việc.

Bên cạnh những tiện lợi cũng có những khó khăn nhất định khi bạn làm việc một mình trong không gian sống hằng ngày. Sau đây là tám lỗi cần tránh khi bạn quyết định khởi nghiệp tại nhà.

ML4Bv6wI.jpgPhóng to
Ảnh minh họa: Entrepreneur

Dành quá nhiều thời gian

Cô đơn là lo lắng lớn nhất của những người làm việc ở nhà. Nhiều người không chuẩn bị thích ứng với môi trường làm việc tách biệt. Mặc dù có vẻ đơn giản khi có thể hoàn thành mọi thứ trực tuyến, giam mình ở nhà với chiếc máy tính không phải là cách tối ưu. Thay vào đó, hãy ra ngoài gặp gỡ trực tiếp đối tác, mở rộng công việc kinh doanh. Lên lịch các cuộc hẹn ăn trưa, tham gia các nhóm giúp mở rộng các mối quan hệ hay làm việc trong các quán cà phê để xây dựng yếu tố xã hội trong ngày.

Làm việc 24/24

Leon Oks, người đồng sáng lập iCanvasART, trang web kinh doanh tranh vẽ, nhớ lại những lúc cùng nhân viên làm việc liên tục trong phòng ăn nhà ông. “Bạn cảm thấy tội lỗi khi bạn không làm việc, và bạn làm không ngừng” - ông nói. Cuối cùng, Oks phải yêu cầu nhân viên ngưng làm việc và rời nhà ông vào lúc 6g tối nhằm tạo thời gian nghỉ ngơi cho riêng mình.

Cho phép bị ngắt quãng

Lợi ích của làm việc ở nhà là không bị ai theo dõi. Bạn có thể dành thời gian làm việc cá nhân, như trả lời cuộc gọi từ bạn bè và người thân. Nhưng khi bạn hoàn toàn trong trạng thái bị ngắt quãng, mức độ tập trung công việc của bạn sẽ giảm. Cần đặt ra một khoảng thời gian yên tĩnh, tránh nghe điện thoại hay trả lời email. Bạn cũng cần đảm bảo không bị làm phiền bởi công việc nhà hay con cái. Cho người thân và người trông trẻ biết giờ làm việc của bạn và yêu cầu chỉ gọi bạn trong trường hợp khẩn cấp.

Trông cậy quá nhiều vào người thân

Khi không có đồng nghiệp xung quanh, bạn dễ dàng hình thành thói quen mới là chia sẻ vấn đề công việc với gia đình hay bạn bè. Nhưng những người thân dễ dàng trở nên lo lắng khi biết nhiều phiền muộn trong công việc của bạn. Thêm nữa, họ không thể cho những lời khuyên tốt nhất bởi họ không hiểu hết việc bạn làm. Vì vậy, hãy kết nối với những người khác trong ngành và phát triển một mạng lưới gồm những người cố vấn am hiểu về kinh doanh tại nhà.

Không tạo được không gian làm việc riêng

Tuy bạn không sống trong một căn nhà to đồ sộ, hãy dành ra một không gian chỉ để làm việc. Chọn một căn phòng ít dùng đến hay một góc trống trong không gian sống để tạo ra một khoảng cách vật lý giữa nhà và nơi làm việc. Nếu bạn phải làm trong một không gian chung của căn nhà như phòng ăn hay nhà bếp, hãy dọn dẹp bớt những vật dụng riêng để tạo một sắc thái chuyên nghiệp, thích hợp để làm việc.

Để nhân viên lợi dụng nhà mình

Cần xác định luật lệ cho nhân viên phải ứng xử thế nào trong nhà bạn. Ví dụ, Oks thường đau đầu khi thấy nhân viên ăn trưa trong phòng khách, đi giày lên tấm thảm màu sáng và ghim giấy tờ lên tường nhà. Thay vì la mắng nhân viên, Oks đã đưa ra những luật lệ, yêu cầu nhân viên cởi giày khi vào nhà, dọn dẹp không gian làm việc trước khi ra về. Từ đó, Oks có thể sử dụng bàn ăn của mình ngay mỗi buổi tối sau khi hoàn thành công việc.

Quá bận rộn để sắp xếp ngăn nắp

Khi công việc ngày càng chồng chất, bạn dễ dàng trở nên mất trật tự. Nhất là khi bạn làm việc ngay nơi bạn ở, nó trở thành không gian riêng bạn ít chia sẻ với đồng nghiệp hay đối tác. Cần sắp xếp tài liệu vào các tập hồ sơ và giữ những vật dụng liên quan đến công việc trong văn phòng tại nhà. Bạn cũng có thể trang trí văn phòng và tăng ánh sáng tự nhiên để tạo cảm hứng làm việc.

Bắt đầu một ngày mà không có kế hoạch

Nếu không quyết định rõ ràng về việc sử dụng thời gian trong ngày như thế nào, một ngày của bạn có thể trôi qua nhanh chóng mà không đạt hiệu quả gì. Thay vào đó, hãy dành thời gian cho hành động ngắn hạn và kế hoạch dài hạn để có thể chạy công việc một cách cân bằng. Lập kế hoạch và kiên trì với nó. Thay vì đưa ra một danh sách những nhiệm vụ cần làm, hãy đưa từng nhiệm vụ vào lịch trong ngày cùng với hạn chót hoàn thành công việc. Tuy nhiên, cũng cần dành một khoảng thời gian rảnh rỗi nhằm giải quyết những công việc quan trọng phát sinh đột xuất.

P.THÙY (Theo Entrepreneur)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên