Cuốn sách vừa ra mắt bạn đọc đúng dịp Tết Ất Tỵ, góp thêm một tài liệu chỉ dẫn cho mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ thực hành các nghi lễ thờ cúng vừa đảm bảo ý nghĩa và giá trị cốt lõi cổ truyền, vừa dễ thực hiện theo.
Theo cuốn Thờ cúng cổ truyền Việt Nam - nghi lễ và thực hành nghi lễ, ngày Tết người Việt ở ba miền thường có 6 nghi lễ:
Lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo: Hãy làm việc tốt, tránh việc xấu vì có thần linh biết và ghi sổ
Lễ cúng ông Công, ông Táo mang đậm tinh thần nhân văn của người Việt, nó hướng con người ta tích cực làm việc tốt, sống lương thiện.
Với quan niệm ông Công, ông Táo là người ghi chép những sự kiện diễn ra hằng ngày của mỗi gia đình, ông bà ta thầm nhắc nhở cháu con hãy sống có ích cho gia đình, xã hội; không làm những điều xấu ác bởi lẽ những việc làm đó có thần linh biết, trời đất biết.
Việc thả cá chép phóng sinh trong những ngày này còn mang tính giáo dục về tình thương yêu muôn loài, vạn vật, nó chứa đậm giáo lý từ bi của Phật giáo.
Miền Bắc dùng cá chép làm đồ cúng lễ, có thể là cá chép thật hay cá giấy. Tại miền Trung, người dân thường cúng 1 con ngựa bằng giấy có đủ bộ yên, cương.
Miền Nam thường cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.
Lễ cúng đưa ông bà (25 tháng chạp)
Từ xưa, các cụ đã chọn ngày 25 tháng chạp hằng năm là ngày tảo mộ, tức là ngày đi thăm viếng, quét dọn, sửa sang lại phần mộ tổ tiên. Hầu hết các gia đình đều thu xếp công việc và dành thời gian cho việc tảo mộ ông bà để các bậc tiền bối có nơi chốn tươm tất đón năm mới.
Ý nghĩa sâu xa là lễ cúng để xin phép ông bà, chư tiên, chư Phật cho phép con cháu/phật tử lau dọn bàn thờ, thay tro, thay chân hương ở bát hương, vệ sinh phòng thờ và chánh điện để đón Tết.
Truyền thống này được lưu truyền phổ biến ở miền Nam. Còn ở miền Bắc, theo thường lệ ngày 30 Tết con cháu mới đi tảo mộ rồi lau dọn bàn thờ và thay chân hương.
Mâm cúng đưa ông bà ngày 25 tháng chạp cũng khác nhau tùy vùng miền, địa phương hay hoàn cảnh mỗi gia đình.
Lễ cúng tất niên
Theo dân gian, lễ cúng tất niên nhằm tạ ơn trời đất, thần linh, tiên tổ đã phù hộ, độ trì cho con cháu một năm qua được khỏe mạnh, làm ăn tấn tới, tốt đẹp mọi bề.
Lễ cúng tất niên cũng là dịp cả gia đình sum họp, tiễn biệt năm cũ, chuẩn bị đón năm mới. Mâm cỗ cúng mặn hay chay đều được chế biến cầu kỳ, thịnh soạn với đầy đủ các món ăn ngày Tết.
Miền Bắc có canh móng giò hầm măng, miến lòng gà, xôi gấc, bánh chưng, nem, giò lụa, giò xào...
Miền Trung thường có bánh chưng, bánh tét, giò lụa, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, giá chua, cá ngừ (hoặc cá khác) kho...
Miền Nam có bánh tét, canh khổ qua dồn thịt, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, dưa kiệu kèm tôm khô, nem, chả giò...
Lễ cúng giao thừa
Lễ cúng đêm giao thừa là một nghi lễ rất thành kính và trang trọng, các thành viên trong gia đình nghiêm trang đứng trước bàn thờ dâng hương khấn vái cầu nguyện một năm tốt lành.
Mặt khác, do ảnh hưởng của Đạo giáo, lễ cúng giao thừa còn là để tỏ lòng biết ơn đến các vị quan cai quản năm mới với mong muốn các quan che chở cho mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đây cũng là lời tri ân đối với các đấng thiêng liêng, thể hiện lối sống trọng nghĩa tình của người Việt từ bao đời nay.
Mâm lễ cúng giao thừa ở ngoài trời (hoặc trong nhà) của người Việt ở Bắc Bộ theo lệ phải có con gà trống hoa luộc, để nguyên con, vì gà trống hoa biểu thị cho tiếng gáy sáng, bình minh, cho dương, cho ánh sáng để xua đuổi âm, bóng tối, đón năm mới.
Lễ cúng đầu năm (mùng 1 Tết)
Các gia đình đều rất chú trọng đến việc cúng lễ vào sáng mùng 1 Tết, mâm cơm cúng được sửa soạn chu đáo, tươm tất, là các món ăn ngày Tết thơm ngon, bày biện đẹp mắt.
Con cháu quây quần thắp hương tiên tổ để cầu mong cho gia đình một năm mới khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc.
Lễ hóa vàng (mùng 3 Tết)
Theo quan niệm dân gian của người Việt, lễ cúng ngày 30 Tết để rước ông bà thì lễ cúng mùng 3 Tết là tiễn ông bà, còn được gọi là ngày lễ hóa vàng (lễ tạ âm cảnh) với ý nghĩa kết thúc 3 ngày Tết.
Ngày lễ hóa vàng được thực hiện khác nhau ở từng nơi, có thể là ngày mùng 2, mùng 3, mùng 4 hoặc mùng 7 - ngày khai hạ bàn thờ (hạ lễ trên bàn thờ còn gọi là lễ hạ nêu).
Nhưng với phần đông các gia đình, ngày lễ hóa vàng thường được cúng vào ngày mùng 3 Tết.
Mâm cỗ được chuẩn bị tươm tất, cơ bản thường có gà luộc nguyên con, xôi trắng, bánh chưng hoặc bánh tét, thịt heo luộc, bát canh, đĩa rau củ xào… kèm ba chung rượu.
Có được cúng hoa khô, hoa giả không?
Ngoài hướng dẫn thực hành các nghi lễ thờ cúng, cuốn sách còn gồm các lời hỏi - đáp, làm sáng tỏ những cách hiểu sai thường thấy về hoạt động thờ cúng, như: Thờ là gì?
Cúng là gì? Cúng và thờ khác nhau thế nào? Một bài văn lễ cần đảm bảo những nội dung gì? Đồ lễ gồm những gì? Có thể cúng hoa khô, hoa giả được không? Nên dùng hoa gì để cúng lễ? Thắp hương nên thắp mấy nén? Đốt vàng mã sao cho đúng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận