Hai buổi hội thảo do Bộ VH-TT&DL tổ chức ở khu vưc phía Nam ngày 5 và 6-12-2012.
Phóng to |
Phản ứng mạnh mẽ của NSND Đoàn Dũng về cơ chế xin cho danh hiệu - giải thưởng - Ảnh: Cát Khuê |
Những bất cập của việc xét tặng giải thưởng hay phong danh hiệu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã bộc lộ rõ trong năm 2011 khi nhiều nghệ sĩ khiếu kiện, nhiều nghệ sĩ từ chối làm hồ sơ vì không chấp nhận cơ chế xin cho, một số nghệ sĩ chỉ được phong danh hiệu hay nhận giải thưởng khi được xét đặc cách... đã là nguyên nhân để Bộ VH-TT&DL quyết định sẽ lấy ý kiến nghệ sĩ, nhân dân cho một nghị định mới về vấn đề này.
Thủ tục vẫn nhiêu khê
Dự thảo nghị định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật áp dụng cho tác giả người Việt và cả người nước ngoài có tác phẩm văn học, nghệ thuật được công bố, sử dụng kể từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thuộc chín chuyên ngành văn học, nghệ thuật (âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian).
Dự thảo cũng nói rõ hơn về mức tiền thưởng của hai giải thưởng này, Giải thưởng Hồ Chí Minh là 270 lần mức lương cơ bản và Giải thưởng nhà nước là 170 lần mức lương cơ bản.
Phần tranh luận nóng bỏng và suy tư nhiều hơn là khi bàn việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Một số thay đổi đáng chú ý ở dự thảo lần này là việc giảm từ 20 năm trong nghề xuống còn 15 năm cho các nghệ sĩ xiếc và múa (do đặc thù nghề này các nghệ sĩ thường vào nghề từ rất sớm). Gây tranh cãi rất nhiều trong hội thảo là quy định về việc các cá nhân muốn được xét tặng các danh hiệu trên phải nộp tới... sáu bộ hồ sơ, trong mỗi bộ hồ sơ ngoài các bản kê khai còn có thêm yêu cầu lấy xác nhận của UBND phường xã nơi cư trú về việc chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước!
NSND Đoàn Dũng không đồng tình: “Tính mục đích của việc phong tặng là tôn vinh các nghệ sĩ, điều đó sẽ không chỉ đem lại vinh dự cho một mình nghệ sĩ mà là tôn vinh cho cả xã hội khi thấy văn hóa đang phát triển. Tại sao lại yêu cầu nghệ sĩ về tổ dân phố, UBND phường xin ý kiến mà không có một bộ phận giám sát kiểm tra tự làm những việc này? Nhiều nghệ sĩ chỉ thiếu vài tháng thâm niên lại bắt chờ đợi và có rất nhiều nghệ sĩ đã không muốn làm đơn như Thành Lộc, Bảo Quốc. Họ đã không kê khai theo mẫu để xin danh hiệu, giờ còn yêu cầu ra phường chứng nhận thì họ càng bức xúc”.
Quy đổi - vàng thật hay là vàng... non?
Sau “phát súng mở màn” của NSND Đoàn Dũng làm nóng rực hội thảo, việc tranh luận góp ý về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thật sự nóng lên. Các tranh luận tập trung chủ yếu vào việc cơ chế xin cho vẫn còn nặng nề trong cả việc xét tặng giải thưởng và danh hiệu. Các tác phẩm, cống hiến của nghệ sĩ, tác giả chẳng lẽ các hội nghề nghiệp không nắm được để lập danh sách báo cáo mà nghệ sĩ cứ phải đi làm cái việc vốn khiến họ cảm thấy bị tổn thương nhất: đi xin danh hiệu, xin giải thưởng. Những tiêu chuẩn được coi là cần phải có để xét tặng danh hiệu cũng được bàn cãi bởi nếu cứ phải căn cứ vào các giải thưởng nghệ sĩ có được ở các hội diễn quốc gia thì những nghệ sĩ không có cơ hội tham gia hội diễn sẽ rất thiệt thòi.
Nhưng, chính phương án quy đổi giải thưởng ở các lĩnh vực khi xét giải mới thật sự làm khó nghệ sĩ. Tất cả phương án quy đổi được tính trên giải thưởng cao nhất là huy chương vàng hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc làm chuẩn (riêng lĩnh vực điện ảnh là giải thưởng Bông sen vàng), các giải vàng, giải A khác của các hội nghề nghiệp sẽ chỉ được tính bằng 2/3 chuẩn vàng quốc gia (với âm nhạc, múa, sân khấu), 1/2 với phát thanh truyền hình. Và giải Cánh diều vàng cho phim của Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ chỉ được tính bằng 1/2 Bông sen vàng. Chưa kể các nghệ sĩ được giải thưởng quốc tế thì hội đồng sẽ xem xét riêng, nhưng xếp hạng quốc tế, khu vực tầm cỡ ra sao thì dự thảo chưa làm rõ.
Ông Phạm Huy Thục - phó hiệu trưởng ĐH Sân khấu và điện ảnh TP.HCM - đưa ra một nghịch lý có những năm tại các liên hoan hội diễn không trao giải vàng mà chỉ có bạc, hoặc không có A mà chỉ có B vậy thì khi đó giải B hoặc bạc được coi là vàng, là A (dù vàng non) trong kỳ hội diễn - liên hoan.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải sau đó trong phần tổng kết hội thảo đã gián tiếp trả lời ý này rằng cộng hai B hay hai bạc thành một vàng thì hóa ra có hai bằng trung học coi như bằng một bằng đại học ư? Không hợp lý! Ông Hải hứa hội đồng biên soạn nghị định sẽ cân nhắc những ý kiến quy đổi này.
Đặc cách - cách nào công tâm?
Phần dự thảo cho cả việc xét giải thưởng và danh hiệu đều chú trọng đến việc xét đặc cách. Nhưng những yêu cầu, tiêu chuẩn của việc xét đặc cách có vẻ như chưa thật sự phù hợp với thực tế. Nhiều đại biểu nhắc đến trường hợp của ca sĩ Y Moan được đặc cách phong danh hiệu NSND khi anh sắp mất, hay diễn viên Phương Thanh khi chị đã mất... như một việc làm được giới nghệ sĩ và công chúng tâm phục khẩu phục. Nhưng còn rất nhiều trường hợp khác thì sao?
Bà Nguyễn Hồng Dung - Hội Sân khấu TP.HCM - kể lại trong đợt xét đặc cách vừa rồi có năm nghệ sĩ của TP.HCM được xét đặc cách khi các nghệ sĩ không có đủ số huy chương vàng, trừ Hồng Vân (nhưng Hồng Vân thì chưa đủ số năm). Dù thế, còn một lực lượng đông đảo nghệ sĩ đã hoạt động sân khấu từ trước năm 1975 đến nay, họ đã không được xét đến vì đến năm 1980 mới có các hội diễn. Trong khi con cháu họ, những người được truyền nghề, lại được vô số huy chương vàng, thì họ, những người nghệ sĩ đạt đến tầm nghệ nhân, có nên được xét đặc cách không, và nếu không thì ta có vô phép với các nghệ nhân không.
“Văn bản luật pháp có chữ nghĩa nhưng cũng phải xét đến chữ tình để có thể thuyết phục được cả giới chuyên môn và cả công chúng!” - bà Dung chia sẻ.
Mọi chuyện vậy là vẫn còn loay hoay tìm một phương án khả thi. “Các ý kiến sẽ được tổng hợp, dự thảo tiếp tục được sửa chữa, rồi sẽ đưa lên mạng để tiếp tục xin ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các nghệ sĩ, nhân dân cả nước để cố gắng có một nghị định mới đầy đủ, không cần có thêm thông tư hướng dẫn nữa” là ý kiến kết luận của ông Lê Khánh Hải.
* Đi “xin” một lần tôi muốn... xỉu! Tôi nghĩ việc xét duyệt danh hiệu dựa trên thành tích, giải thưởng là đương nhiên. Nhưng, bất cập ở chỗ người nghệ sĩ phải tự mình làm hồ sơ để “đi xin” danh hiệu đó. Khi tôi làm hồ sơ NSƯT, mặc dù có sự hỗ trợ của Hội Sân khấu TP.HCM, nhưng việc đi làm thủ tục như sao y bản chính, công chứng, làm đơn, xác nhận chính quyền... quần qua quần lại khiến tôi mệt thiếu điều muốn xỉu. Mà tôi nghĩ chuyện này lẽ ra các hội quản lý nên làm. Các nghệ sĩ có thành tích gì thì hội đều lưu. Đạo đức nghệ sĩ ra sao hội cũng nắm... Hội chỉ cần cử người đến gặp nghệ sĩ xác minh lại những thành tích, sau đó làm hồ sơ gửi cho bộ. Phải để cho người nghệ sĩ không biết gì, có như vậy khi nhận tin vui họ mới phấn khích. Phải làm được điều mà từ trước đến nay nghệ sĩ vẫn nói: Đừng bắt chúng tôi phải đi “xin”. (NSƯT Công Ninh) * Quy chế đặc cách còn nặng cảm tính Quy chế xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND có hạn chế là dễ bỏ sót những nghệ sĩ tuy không có huy chương nhưng có sự dày công cống hiến. Để lấp kẽ hở này, quy chế có quy định thêm phần nghệ sĩ được đặc cách phong tặng. Tuy nhiên, tôi thấy sự đặc cách đó còn nặng cảm tính. Ai được hội đồng xét duyệt thích hoặc quen biết thì họ bỏ phiếu cho, không thì thôi. Cho nên, tôi nghĩ cần cụ thể hóa các tiêu chuẩn về sự đặc cách này sẽ tốt hơn. Mặt khác, các thầy cô của Nhạc viện TP.HCM cũng có sự thiệt thòi hơn các nghệ sĩ khác do họ ít đi thi (vì tuổi tác, vì họ là thầy cô...) làm sao có huy chương? Đợt vừa rồi tôi làm hồ sơ xét tặng NSND, họ hỏi tôi số huy chương. Tôi nói làm gì có huy chương, vì những cuộc thi đó tôi chỉ làm... ban giám khảo không mà. Có người yêu cầu tôi khiếu nại, nhưng tôi cũng không lấy làm bức xúc. Danh hiệu nếu được trao thì cao quý, còn nếu không mình vẫn là mình thôi. Việc xét duyệt thành tích nghệ sĩ dựa quá nhiều vào huy chương dẫn đến tiêu cực, chạy chọt ở các liên hoan, hội diễn tôi thấy cũng là một vấn đề. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận