24/03/2018 19:42 GMT+7

6 bí quyết tránh nguy hiểm khi cháy ở chung cư

L.ANH- X.LONG ghi
L.ANH- X.LONG ghi

TTO - Vụ cháy chung cư ở TP.HCM đang làm nhiều người sống ở chung cư lo lắng. Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn, cho hay bạn nên nhớ 6 bí quyết để tránh nguy hiểm khi có cháy.

1 - Hiểu kỹ thuật phòng cháy chữa cháy. Ở VN nhiều người chưa biết về các kỹ thuật này, ngoài việc sử dụng bình chữa cháy cá nhân phun. Clip về thời điểm chung cư Carina ở TP.HCM cháy lại lần thứ 2 trưa 23-3 cho thấy khi nổ máy phát điện và có cháy trở lại, nhiều người tìm bình lao vào đám cháy để phun.

Nhưng thực tế phải nắm kỹ về kỹ thuật chữa cháy, khi cháy ở mức độ đốm lửa, tức là bằng thùng rác cá nhân trong gia đình, bất cứ ai cũng cần tham gia dập tắt, bởi đốm lửa có thể nhân đôi trong vòng 6 giây. Khi lửa cháy ở mức độ đốm lửa, có thể dùng bình chữa cháy cá nhân dập hoặc vải ướt, chăn ướt... để dập.

Khi đốm lửa phát triển thành đám lửa (từ gấp đôi đốm lửa) thì không thể dập bằng bình cá nhân,  khi đó cần cố gắng chạy khỏi đám cháy càng xa càng tốt, đồng thời kêu cứu để báo những người khác cùng chạy thoát.

2 - Có kỹ năng phòng cháy chữa cháy, như khi nào dùng bình nào dập lửa, kỹ thuật dập tắt ngọn lửa...

3 - Nên nhớ ở nhà chung cư thì toàn bộ cầu tháng thoát hiểm sẽ cứu sống mọi người nếu xảy ra cháy. Cầu thang thoát hiểm phải là cầu thang kín để khí CO và CO2, SO và SO2 không lan được vào, nên nguyên tắc cửa cầu thang luôn luôn phải đóng kín. Nếu không khí di chuyển ở cầu thang thoát hiểm, khí độc lan vào sẽ nhanh chóng vào phổi thì cạnh tranh với oxy, gắn vào hồng cầu và người bị nạn có thể ngạt rất nhanh.

Gần đây ở Mỹ có 2 vụ cháy chung cư hồi đầu và cuối tháng 2 vừa qua nhưng không vụ nào có người chết. Một vụ chỉ có 1 người bị thương dù đó cũng là vụ cháy lớn, thiêu rụi 40 căn phòng. Tất cả đều nhờ tuân thủ nguyên tắc này và kết hợp với kỹ năng chữa cháy và cứu người của lính cứu hỏa.

4 - Khi xảy ra cháy biết kỹ năng di chuyển thấp thậm chí là bò vì trong đám cháy, oxy thường ở thấp hơn khói độc, dùng khăn ướt ấp vào mặt để hạn chế khói.

5 - Trấn tĩnh xem ngọn lửa xuất phát từ đâu, nếu di chuyển qua cầu thang bộ (thang thoát hiểm) thấy không có khói thì nhanh chóng thoát ra khỏi đám cháy.

6 - Không vào thang máy và phòng tắm tránh khói, vì đó là nơi khói tụ.

Phòng tắm cũng thường nơi kín đáo trong nhà, cứu hộ khó tìm được. 

Khi thấy có báo cháy, kiểm tra cửa xem hành lang có lửa và khói, kiểm tra độ nóng. Nếu hành lang lửa lớn thì thoát ra ban công chờ cứu hộ.

Bác sĩ Phúc cũng cho hay một số hạn chế dẫn đến việc người dân chưa có kỹ năng thoát hiểm khi có còi báo cháy:

- Thỉnh thoảng còi báo động rú lên do chập kỹ thuật, dần dần người dân có tâm lý chủ quan;

- Còi báo động rú do các nhà đốt vàng mã, thắp hương... Người dân nên hạn chế đốt hương, không để nhiều chân hương trong bát hương, không hút thuốc trong nhà, ra khỏi nhà tắt hết hệ thống điện, không để nhiều thiết bị điện cùng chạy dẫn đến nguy cơ quá tải và chập điện...;

Bác sĩ Phúc cũng cho biết khói độc có thể làm ngạt và gây chết người trong bài giây đến vài chục phút tuỳ loại khói. Trong đó khói chứa khí CO nguy hiểm nhất, nhì là khí CO2 và các vật liệu cháy đều sinh ra khí độc này.

L.ANH- X.LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên