04/12/2018 12:42 GMT+7

58% doanh nghiệp kêu chuyện giấy phép con

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Dù việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực, song điều tra năm 2017 của VCCI cho thấy vẫn có 58% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, và 42% trong số đó gặp khó khăn khi xin giấy phép.

58% doanh nghiệp kêu chuyện giấy phép con - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với cộng đồng nhà đầu tư bên lề diễn đàn VBF - Ảnh: Việt Dũng

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), thông tin như vậy tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018 (VBF 2018) với chủ đề chia sẻ cơ hội trong chuyển dịch thương mại toàn cầu, diễn ra sáng 4-12.

Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, với sự tham gia của nhiều tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

VBF là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng Chính phủ cần tiếp tục những nỗ lực thực chất để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.

Theo ông Lộc, hai lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng được doanh nghiệp ghi nhận có nhiều chuyển biến nhất trong thời gian qua. 

Ngược lại, các thủ tục về phá sản doanh nghiệp, lĩnh vực bảo vệ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu chậm chuyển biến.

58% doanh nghiệp kêu chuyện giấy phép con - Ảnh 2.

Cộng đồng đầu tư cho rằng việc thực hiện Luật an ninh mạng máy móc làm giảm sức hấp dẫn môi trường đầu tư - Ảnh: VIỆT DŨNG

Góp ý với Chính phủ, ông Kenneth Atkinson, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam, cho biết cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài lo ngại về việc tăng thu thuế và hải quan do những nguyên nhân không phù hợp.

Theo ông Atkinson, các doanh nghiệp Anh quan ngại về vấn đề thuế và khai thuế, nhấn mạnh rằng giới doanh nghiệp xứ này "tuyệt đối không chấp nhận việc trốn thuế trong bất cứ bối cảnh nào", nhưng việc thanh tra thuế quá chậm chạp "có thể 5 năm sau kỳ báo cáo".

"Có những trường hợp vì nguyên nhân sai sót trong quản trị cơ quan thuế, nhưng lại áp dụng hình phạt hành chính lên doanh nghiệp với lỗi thanh toán chậm. Thanh tra thuế xử phạt hành chính doanh nghiệp trong bối cảnh này vô lý. Hơn nữa, khoản phạt thanh toán muộn được tính lãi suất xấp xỉ 20%/năm, sau thời hạn 5 năm doanh nghiệp sẽ phải nộp gấp đôi số tiền ban đầu", ông Kenneth Atkinson nói.

Ông Kenneth Atkinson khuyến nghị thành lập cơ quan độc lập thanh tra thuế, vì ảnh hưởng trực tiếp tới thu hút đầu tư FDI.

Ông Ryu Hang Ha, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, kiến nghị Chính phủ xem lại việc giải thích của cơ quan có thẩm quyền không công nhận việc miễn thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ ở Việt Nam.

Ông Ryu Hang Ha nhấn mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của VN và chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc nuôi dưỡng ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế tạo là vô cùng quan trọng. 

Vì vậy, ông Ryu Hang Ha đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ miễn thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ.

"Thực thi Luật an ninh mạng máy móc sẽ ảnh hưởng tới đầu tư"

Ông Koji Ito, chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản (JCCI): Luật an ninh mạng có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia nhưng JCCI nhận thấy luật có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài nếu áp dụng một cách máy móc để thu thập và kiểm soát thông tin cá nhân.

Vì thế Chính phủ thực thi Luật an ninh mạng một cách hết sức cân nhắc để duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên