20/03/2013 09:24 GMT+7

57 ngành không được đào tạo tiến sĩ: Các trường xin đào tạo lại

TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ ghi
TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ ghi

TT - Ngay sau khi Tuổi Trẻ đăng bài “57 ngành không được đào tạo tiến sĩ”, các trường ĐH, CĐ, viện nghiên cứu... đã lên tiếng.

CfN7osMs.jpgPhóng to
Theo quyết định của Bộ GD-ĐT, tại Trường ĐH Thủy lợi chuyên ngành vật liệu và công nghệ vật liệu xây dựng bị thu hồi quyết định giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ - Ảnh: Nguyễn Khánh

* PGS.TS Châu Ngọc Hoa (phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM):

Làm lại từ đầu

Tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, do hoàn cảnh lịch sử để lại đã đẩy trường vào chỗ thiếu nhân lực đào tạo bậc sau ĐH theo yêu cầu của bộ. Thứ nhất, đội ngũ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư của trường nghỉ hưu. Thứ hai, do trước đây “thiếu mã ngành”, hiện nhiều giảng viên là tiến sĩ nội khoa nhưng thực chất họ là tiến sĩ huyết học do trước đây họ làm nghiên cứu sinh về huyết học “đội mã số nội khoa”. Ngay cả chuyên ngành về ung thư (nhà trường vừa bị Bộ GD-ĐT thu hồi quyết định đào tạo - PV), trường chúng tôi cũng là đơn vị tập trung chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này nhiều nhất ở phía Nam. Việc trường chúng tôi bị thu hồi quyết định đào tạo một số ngành này thì chắc chắn nhiều trường khác cũng không được đào tạo.

Với một việc lớn như đào tạo bậc tiến sĩ y khoa mà bị ngừng một năm cũng không có gì lớn lắm. Đây sẽ là dịp để nhà trường làm lại. Chúng tôi lập sẵn đề án mở lại các ngành bị thu hồi quyết định đào tạo và chờ người.

* TS Đinh Phan Cẩm Vân (phó trưởng khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Cần xem xét linh hoạt

Theo tôi, Bộ GD-ĐT xử lý như vậy là đúng theo quy định hiện hành nhưng dù sao cũng cần xem xét linh hoạt hơn để tạo điều kiện cho các trường mở lại mã ngành đào tạo. Hiện bộ cho phép hai tiến sĩ có thể được hướng dẫn một nghiên cứu sinh. Trường nào đáp ứng được tiêu chí đó thì nên xem xét cho mở lại.

* TS Bùi Ngọc Hùng (trưởng phòng sau ĐH Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):

Bị thu hồi vì không tuyển sinh được

Theo quy định, ngành học nào sau ba năm không tuyển sinh được sẽ bị đóng cửa, thu hồi quyết định đào tạo. Thực tế, nhiều năm nay Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có hai chuyên ngành đào tạo bậc thạc sĩ (khoa học đất) và tiến sĩ (đất và dinh dưỡng cây trồng) không tuyển sinh được. Hai chuyên ngành này đi sâu về các nội dung chuyên ngành nên ít được chọn nghiên cứu. Việc Bộ GD-ĐT thu hồi quyết định đào tạo bậc tiến sĩ ngành đất và dinh dưỡng cây trồng thì nhà trường cũng chính thức chấm dứt đào tạo chuyên ngành này.

Ngoài ra, bộ cần tính đến việc cho phép các trường mở mã ngành lớn. Cụ thể, hiện nay không còn mã ngành văn học Trung Quốc, cần có mã ngành chung là văn học nước ngoài. Nếu làm được như vậy, những người làm nghiên cứu về văn học Trung Quốc cũng có thể đăng ký mã ngành văn học nước ngoài. Thực tế cho thấy trong đào tạo bậc tiến sĩ, nếu các trường mở chuyên ngành càng chuyên sâu, chẻ nhỏ từng chuyên ngành thì càng khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về đội ngũ giảng viên cơ hữu theo quy định của bộ. Lực lượng giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư ở từng chuyên ngành nhỏ đang khủng hoảng.

* PGS.TS Trịnh Minh Thụ (phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi):

Trường sẽ giải trình để xin được đào tạo lại

Việc bị thu hồi quyết định cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ với chuyên ngành vật liệu và công nghệ vật liệu xây dựng của trường là điều rất đáng tiếc. Đây là ngành có truyền thống đào tạo trình độ tiến sĩ khá lâu của trường khoảng mười năm. Bộ môn, khoa, nhà trường đang làm báo cáo giải trình để Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo trở lại với chuyên ngành này.

Tuy nhiên, thực tế nhà trường có đủ đội ngũ ở chuyên ngành rất gần như kết cấu bêtông, kết cấu công trình, có thể đáp ứng được yêu cầu đào tạo, trong đó có một giáo sư chuyên ngành thi công công trình bêtông. Tiếp cận việc xác định về đội ngũ của thế giới thì thấy việc xác định đội ngũ bảo đảm chất lượng ở chuyên ngành rất gần với nhau là phổ biến.

Đặc biệt, hiện nay nhu cầu được đào tạo trình độ tiến sĩ ở chuyên ngành vật liệu và công nghệ vật liệu xây dựng rất lớn, nhất là khi thời đại công nghiệp đang xuất hiện nhiều loại vật liệu xây dựng mới. Mỗi năm nhu cầu đăng ký nghiên cứu sinh chuyên ngành này ở trường là 5-7 người.

* TS Phạm Ngọc Minh (trưởng bộ môn ký sinh trùng Trường ĐH Y Hà Nội):

Rất cần đào tạo chuyên ngành ký sinh trùng

Ký sinh trùng là lĩnh vực cận lâm sàng và lâm sàng. Trong thời đại hiện nay, lĩnh vực cận lâm sàng ít người theo, lẽ dĩ nhiên chuyên ngành ký sinh trùng cũng không hấp dẫn người học. Là một chuyên ngành cần thiết, người học không mặn mà, lại bị thu hồi quyết định đào tạo, nhà trường thật sự lo lắng về sự thiếu hụt đội ngũ khoa học chuyên ngành này trong tương lai.

Việc thu hồi quyết định cho phép đào tạo không nên chỉ dựa theo quân số đội ngũ của cơ sở, khi thực tế hiện nay việc đào tạo chuyên ngành này tại trường có sự tham gia của cả đội ngũ khoa học chuyên về ký sinh trùng từ các viện sốt rét - ký sinh trùng, từ các bệnh viện, học viện. Bộ môn ký sinh trùng của Học viện Quân y và của Trường ĐH Y Hà Nội lâu nay gần như là một.

Trường ĐH Y Hà Nội quyết định sẽ làm báo cáo giải trình để xin phép được đào tạo tiến sĩ chuyên ngành rất cần thiết cho một đất nước nhiệt đới như Việt Nam.

TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên