30/12/2017 12:30 GMT+7

500 tỉ phú bỏ túi thêm 1.000 tỉ USD

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - "Nước chảy chỗ trũng", câu thành ngữ của các cụ ta xưa quả không sai. Năm 2017, số tài sản tăng thêm của 500 người giàu nhất thế giới là 1.000 tỉ USD, gấp 4 lần so với mức tăng năm ngoái.

500 tỉ phú bỏ túi thêm 1.000 tỉ USD - Ảnh 1.

Tỉ phú Jeff Bezos, ông chủ Amazon, hiện là người giàu nhất thế giới với khối tài sản khoảng 100 tỉ USD - Ảnh: Reuters

Nhìn tổng thể năm qua, gạt bỏ những chia rẽ về kinh tế, chính trị và xã hội, các thị trường chứng khoán đã thực sự khởi sắc, đây là lý do chính để tiền "chạy ầm ầm" về túi những người giàu có, đặc biệt là các ông lớn công nghệ. 

Theo đó, tính tới ngày 28-12, 500 tỉ phú đứng đầu thế giới đang sở hữu hơn 5.300 tỉ USD, cao hơn 4.400 tỉ USD đã đạt ở thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

"Người quen"

Nếu nhìn vào top 10 của bảng xếp hạng 500, có thể nhận ra một điều hầu hết họ là đàn ông, người Mỹ và phần lớn đều là những ông trùm công nghệ. 

Theo thứ tự từ 1 đến 10, đó là Jeff Bezos (tài sản 100 tỉ USD), Bill Gates (91,7 tỉ USD), Warren Buffett (85,8 tỉ USD), Amancio Ortega (75,2 tỉ USD), Mark Zuckerberg (73,4 tỉ USD), Bernard Arnault (63,3 tỉ USD), Carlos Slim (62,7 tỉ USD), Larry Ellison (53,3 tỉ USD), Larry Page (52,5 tỉ USD) và Ingvar Kamprad (52,4 tỉ USD).

Kể từ tháng 10-2017 đến thời điểm hiện tại, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty Amazon Jeff Bezos vẫn đang là người giàu nhất thế giới. 

Năm qua, ông chủ Amazon cũng là tỉ phú có lượng tài sản tăng thêm nhiều nhất với mức tăng 34,2 tỉ USD và việc soán ngôi của ông Bezos đã nằm trong ước tính của giới quan sát. Từ cuối tháng

11-2017, tỉ phú Bezos lần đầu tiên xác lập kỷ lục là người giàu nhất thế giới có tổng tài sản ròng vượt mốc 100 tỉ USD.

Không hiếm tỉ phú của các nước thành viên ASEAN có mặt trong danh sách 500 tỉ phú giàu nhất thế giới năm 2017. Trong đó Thái Lan có 7 tỉ phú, đáng chú ý nhất là tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đứng thứ 63 với tổng tài sản 17,1 tỉ USD. 

Đây cũng chính là ông chủ của ThaiBev, tập đoàn đứng sau Công ty Vietnam Beverage vừa thâu tóm 53,59% cổ phần Công ty Sabeco của Việt Nam.

Indonesia có 6 tỉ phú, người giàu nhất là ông Budi Hartono đứng thứ 101 với tổng tài sản 12,1 tỉ USD; Malaysia có 5 tỉ phú, người giàu nhất là ông Robert Kuok đứng thứ 51 trong bảng xếp hạng 500 với tổng tài sản 19,2 tỉ USD; Philippines có 4 tỉ phú; Singapore có 6 tỉ phú.

Giàu hơn, cho đi nhiều hơn

Cũng đã rất lâu rồi, kể từ khi tỉ phú Bill Gates giữ ngôi quán quân vào tháng 5-2013, mãi tới gần đây vị trí của ông mới rơi vào tay người khác lâu đến thế. Ở đây cũng phải kể tới một yếu tố tác động quan trọng khác. 

Đó là việc vợ chồng tỉ phú Bill Gates đã quyên tặng rất nhiều tài sản của họ cho các hoạt động từ thiện nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn cầu và giảm đói nghèo, trong đó có cam kết dành 4,6 tỉ USD cho Quỹ Bill & Melinda Gates hồi tháng 8 năm nay. 

Kể từ năm 1994, vợ chồng tỉ phú Bill Gates đã đóng góp từ thiện 35 tỉ USD. Quỹ Gates đã trở thành tổ chức hoạt động từ thiện tư nhân lớn nhất thế giới.

Cũng giống như tỉ phú Gates, tỉ phú người Mỹ gốc Hungary George Soros đã cho đi một phần lớn tài sản của ông. 

Tháng 10 năm nay, gia đình tỉ phú này cho biết đã đóng góp 18 tỉ USD cho Quỹ xã hội mở trong nhiều năm liền, theo đó đưa nhà đầu tư tỉ phú này xuống vị trí số 195 trong bảng xếp hạng 500 năm nay của Bloomberg, vì tổng tài sản ròng của ông chỉ còn 8 tỉ USD.

Ông chủ Facebook, tỉ phú Mark Zuckerberg trong năm 2017 có mức tăng tài sản nhiều thứ 4 trong danh sách với số tiền tăng thêm 22,6 tỉ USD (tăng 45%). Tỉ phú này đã đệ trình kế hoạch bán 18% cổ phần của mình tại Facebook, một phần trong lộ trình dần cho đi phần lớn khối tài sản 73,4 tỉ USD.

Ai thắng lớn trong năm 2017?

l 38 tỉ phú Trung Quốc trong năm 2017 đã cùng nhau "hốt bạc" với tổng số tài sản tăng thêm là 177 tỉ USD, tương đương mức tăng 65%, cũng là mức tăng cao nhất trong số 49 quốc gia có trong bảng xếp hạng.

l Sau Bezos, tỉ phú Hui Ka Yan, nhà sáng lập Tập đoàn China Evergrande, là người có số tài sản tăng nhiều thứ hai trong năm qua là

25,9 tỉ USD.

l Tỉ phú công nghệ Trung Quốc Ma Huateng (Pony Ma), đứng thứ 19 và là đồng sáng lập Công ty Tencent Holdings, đơn vị chủ quản dịch vụ nhắn tin WeChat, trở thành người giàu thứ hai châu Á khi tổng tài sản của ông này tăng gần gấp đôi trong năm qua lên 41 tỉ USD.

l Lần đầu tiên số tỉ phú châu Á nhiều hơn Mỹ, theo báo cáo của Công ty dịch vụ tài chính UBS Group AG và Công ty PricewaterhouseCoopers.

Tài sản người giàu nhất Việt Nam tăng hơn gấp đôi

Tại Việt Nam, năm 2017 cũng được đánh giá là năm thăng hoa với các tỉ phú, trong đó đặc biệt phải kể đến doanh nhân Phạm Nhật Vượng - chủ tịch Tập đoàn Vingroup (mã cổ phiếu VIC).

Sở hữu hơn 1,5 tỉ cổ phiếu VIC, nếu tính giá cổ phiếu này chốt phiên ngày 29-12, theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), là 77.300 đồng, tổng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng lên tới gần 120.000 tỉ đồng, tương đương 5,2 tỉ USD, tăng vượt bậc so với mức 2,4 tỉ USD được tạp chí Forbes công bố hồi tháng 3-2017.

Sự thăng tiến trên bảng xếp hạng đi liền với những thành công mà ông Vượng cùng Vingroup gặt hái được trong năm 2017, trong đó đáng chú ý là việc Vingroup khởi động dự án Tổ hợp sản xuất ôtô Vinfast tại Hải Phòng; đưa công ty thành viên Vincom Retail niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và ngay sau đó các cổ đông đã giao dịch kỷ lục hơn 740 triệu USD - được vinh danh là thương vụ đầu tư vốn cổ phần thành công nhất châu Á - Thái Bình Dương.

Vingroup cũng đã chính thức trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2017.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên