03/04/2023 06:10 GMT+7

50 tuổi, điện thoại di động còn đi xa đến đâu?

Tính từ cuộc gọi đầu tiên trên phố ở New York (Mỹ), đến nay chiếc điện thoại di động - được xem gần như vật bất ly thân trong cuộc sống loài người - đã tròn 50 tuổi đời.

50 tuổi, điện thoại di động còn đi xa đến đâu? - Ảnh 1.

Kỹ sư Martin Cooper, năm nay 94 tuổi, được xem là cha đẻ của điện thoại di động - Ảnh: AFP

Ngày 3-4-1973 đáng nhớ đó gắn liền với tên tuổi kỹ sư Martin Cooper của Hãng Motorola với cuộc gọi trên mẫu điện thoại di động được xem là đầu tiên.

Đứng trước khách sạn Hilton trên đại lộ Sixth Avenue của New York, ông nhập vào một chuỗi chín con số trên "cục gạch" Motorola Dyna-Tac, sau đó chờ cho điện thoại cách đó 30 dặm ở Murray Hill, New Jersey đổ chuông.

Kỹ sư Martin Cooper cùng các đồng nghiệp của ông đã dành 5 tháng để chế tạo chiếc điện thoại di động dài cỡ gang tay và nặng 1kg này.

Ai nhận cuộc gọi điện thoại di động đầu tiên?

Martin Cooper chào đời ở Chicago (Mỹ). Cha mẹ ông là người Do Thái chạy tị nạn từ Ukraine.

Trả lời phỏng vấn trên trang Motherboard, Martin khẳng định từ bé ông đã biết mình sẽ làm kỹ sư vì tính ưa tò mò, thử làm đủ thứ.

Thực tế là đến năm 1950, ở tuổi 22, ông lấy bằng kỹ sư điện ở Viện Công nghệ Illinois. Ông mất thêm bảy năm để lấy được bằng thạc sĩ và mãi đến năm 2004, khi đã 76 tuổi thì ông mới được trao tặng bằng tiến sĩ danh dự.

Sau khi có bằng kỹ sư, ông gia nhập Hải quân Mỹ, làm việc trên tàu khu trục và tàu ngầm.

Ra quân ông mới vào làm ở Motorola năm 1954 và làm trưởng nhóm phát nhận sóng radio.

Vị kỹ sư trẻ không từ bỏ đam mê tò mò, chế tạo, đặc biệt là các sản phẩm điện tử cầm tay. Năm 1967, Hãng Motorola cung cấp những bộ đàm cầm tay đầu tiên cho cảnh sát Chicago.

Sau thành công đó, Martin chuyên trách nghiên cứu về điện thoại cầm tay.

Chính ông nhìn nhận ý tưởng về chiếc điện thoại cầm tay của ông lại đến từ bộ phim serie khoa học viễn tưởng đình đám Star Trek. Nhân vật thuyền trưởng Kirk trong phim giao tiếp qua máy bộ đàm.

Bối cảnh thực tế lúc đó cũng góp phần thúc đẩy khả năng phát minh của Martin chính là việc Hãng AT&T chế tạo ra loại bộ đàm gắn trên xe hơi.

Khi đó, Martin nghe được phàn nàn của cảnh sát về việc bộ đàm gắn liền với xe thì cũng chẳng hay ho gì mấy vì họ phải ngồi vào ghế lái mới nói chuyện được. Vị cảnh sát trưởng gợi ý: "Phải chi họ có thể nói chuyện trực tiếp ngay ngoài phố".

Martin Cooper đã làm được. Vào cái ngày 3-4 lịch sử cách đây nửa thế kỷ, đứng trên một phố gần khách sạn Manhattan Hilton, Martin quyết định thử thực hiện một cuộc gọi riêng trước khi đi lên gác tham dự một cuộc họp báo giới thiệu thiết bị. 

Cú điện thoại ấy được ông gọi tới chính đối thủ cạnh tranh của mình: Joel Engel - giám đốc Trung tâm thí nghiệm Bell Labs của AT&T. Joel Engel cũng đang phát triển một thiết bị không dây tương tự.

"Tôi đứng cùng một nhà báo. Tôi bèn bấm vào số bàn của Joel Engel rồi nói 'Chào Joe, Marty Cooper đây'. Bên kia chào lại 'Chào Marty'. Tôi bèn nói ngay 'Tôi gọi cho anh từ chiếc điện thoại di động đây. Nhưng là điện thoại cá nhân mà tôi đang cầm trên tay đây'. Đầu dây bên kia im lặng hồi lâu. Tôi đoán là cậu ta tức điên. Nhưng rồi cậu ta cũng tỏ ra nhã nhặn và chúng tôi kết thúc cuộc gọi", Martin kể lại trên trang Motherboard.

50 tuổi, điện thoại di động còn đi xa đến đâu? - Ảnh 3.

Martin Cooper khoe "cục gạch" đầu tiên trong văn phòng của ông ở California (Mỹ) - Ảnh: AFP

Điện thoại di động đã đi những bước thần tốc

Để có 35 phút chuyện trò với chiếc Motorola Dyna-Tac "cục gạch" đó, đội ngũ của Martin phải sạc pin đến 10 tiếng đồng hồ và phải thiết lập một trạm thu phát đặt trên nóc tòa tháp Burlington Consolidated (nay là tòa nhà Alliance Capital Building) ở New York.

Nhưng mọi thứ sau đó tiến triển nhanh hơn với nhiều cải thiện. Khoảng mười năm sau thì điện thoại di động được bán rộng rãi ra thị trường với nhiều tiện dụng hơn so với bản Motorola Dyna-Tac đầu tiên.

Motorola đã đầu tư 100 triệu USD để nghiên cứu và khoảng 3.500 USD để chế tạo chiếc DynaTAC đầu tiên. Tuy nhiên, phải tới 10 năm sau đó, thiết bị này mới được phát triển thương mại và bán ra thị trường với giá bán lẻ lên đến gần 4.000 USD. 

Thời bấy giờ, khối pin của điện thoại Motorola nặng gấp 4-5 lần điện thoại ngày nay. Bước tiến của Motorola cũng giúp ngăn cản sự độc quyền về dịch vụ di động của tập đoàn khổng lồ AT&T, là động lực và cơ hội cho những đối thủ cạnh tranh khác cùng tham gia thúc đẩy phát triển lĩnh vực mới mẻ này.

Giá bán lẻ của DynaTAC là 3.995 USD (khoảng 10.400 USD, tính theo tỉ giá ngày nay), vì vậy nó không phải là mặt hàng đại chúng.

Mức lương tối thiểu ở Mỹ là 3,35 USD/một giờ vào năm 1984, điều đó có nghĩa là một lao động bình thường phải cần hơn 1.192 giờ làm việc chỉ để mua điện thoại.

50 tuổi, điện thoại di động còn đi xa đến đâu? - Ảnh 4.

Điện thoại di động sẽ còn tiến xa - Ảnh: iStock

Trước khi DynaTAC 8000X được phát minh, điện thoại di động có kích thước rất lớn, cồng kềnh và chỉ dành cho những khách hàng giao tiếp qua điện thoại ô tô.

Thiết kế cơ bản của DynaTAC 8000X tương tự như thiết kế của điện thoại di động hiện đại. Nó có một bàn phím số để quay, một màn hình nhỏ để hiển thị văn bản và số và một ăng ten tích hợp. Nó cũng có thời gian đàm thoại 30 phút và thời gian chờ 10 giờ.

Mặc dù có tuổi thọ tương đối ngắn nhưng Motorola DynaTAC 8000X đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của công nghệ di động. Nó mở đường cho những chiếc điện thoại di động nhỏ hơn, giá cả phải chăng hơn mà chúng ta sử dụng ngày nay.

Với những bước tiến thần tốc, số lượng điện thoại di động trên thế giới còn nhiều hơn cả con người.

Giờ đây, cha đẻ của điện thoại di động cho rằng những chiếc điện thoại trong tương lai sẽ trở thành một phần của cơ thể chúng ta.

Ông chia sẻ với trang CNBC tại Hội nghị Di động quốc tế (MWC) ở Barcelona mới đây: "Thế hệ tiếp theo sẽ có điện thoại cấy dưới da tai của họ".

Người đàn ông 94 tuổi này đã được trao giải thưởng thành tựu trọn đời để kỷ niệm cuộc gọi điện thoại mang tính biểu tượng mà ông đã thực hiện với chiếc Motorola DynaTAC 8000X.

Theo Cooper, những thiết bị thế hệ tiếp theo này sẽ không cần phải sạc vì chúng sẽ lấy một năng lượng nhỏ từ chính cơ thể con người. Bởi ông nhận định cơ thể con người là một bộ sạc hoàn hảo, "nó có thể tạo ra năng lượng khi mọi người ăn thức ăn".

Điều này thực sự là thông tin hấp dẫn trong bối cảnh các công ty đang làm việc cật lực để tung ra công nghệ sạc nhanh nhất có thể. 

Tuy nhiên, Cooper cho biết các công ty này cũng chưa bao giờ tưởng tượng được rằng một ngày nào đó điện thoại "sẽ trở thành một chiếc máy ảnh và một cuốn bách khoa toàn thư".

Mặc dù vậy, ông cũng bày tỏ sự không đồng tình với những chiếc điện thoại hiện tại, nhấn mạnh chúng không phải là phương tiện tối ưu cho việc trò chuyện.

50 tuổi, điện thoại di động còn đi xa đến đâu? - Ảnh 5.

Cha đẻ của điện thoại di động lo sợ thói nghiện điện thoại của giới trẻ ngày nay - Ảnh: AFP

Tầm nhìn của Cooper về điện thoại trong cơ thể thực sự không phải là một ý tưởng quá xa vời, bởi trong thực tế các công ty như Neuralink đã thử nghiệm giao diện não - máy tính.

Hơn thế nữa, chúng ta đã nghe nói về các khái niệm như chủ nghĩa nhân bản kỹ thuật số, giúp thu hẹp khoảng cách giữa con người và công nghệ trong suốt nhiều năm qua.

Cooper cũng thừa nhận rằng hiện nay quyền riêng tư và chứng nghiện smartphone đã trở thành mối lo ngại nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, ông vẫn có "niềm tin vào nhân loại" và nói rằng "bằng cách nào đó mọi người đã đạt được điều đó" khi nhìn lại tất cả những tiến bộ công nghệ mà chúng ta đã đạt được cho đến nay.

Xây mạng liên lạc vệ tinh từ Mặt trăng đến Trái đấtXây mạng liên lạc vệ tinh từ Mặt trăng đến Trái đất

Hệ thống Parsec trên Mặt trăng tương đương với hệ thống GPS, cung cấp cho các phi hành gia vị trí và hướng chính xác của họ khi trở về căn cứ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên