06/02/2018 17:17 GMT+7

50 năm Mậu Thân: Những thân phận, những cuộc đời vào sách

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Trong hàng loạt hoạt động kỷ niệm 50 năm tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, những cuốn sách luôn lặng lẽ nhưng lại kể được nhiều nhất về những người đã làm nên Mậu Thân 1968.

50 năm Mậu Thân: Những thân phận, những cuộc đời vào sách  - Ảnh 1.

Loạt sách kỷ niệm 50 năm tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân - Ảnh: TỰ TRUNG

Bao nhiêu năm tháng tìm kiếm, lắng nghe, thẩm thấu, Chuyện năm 1968 của nhà văn Trầm Hương chứa đựng trong đó những cuộc đời, chứ không chỉ là những câu chuyện biệt động đào hầm chứa vũ khí, tình báo muôn mặt ngụy trang, đặc công thâm nhập chiếm giữ tòa đại sứ Mỹ...

Cũng đi vào những thân phận, những cuộc đời, các tập truyện ký Chiến sĩ Mậu Thân (tác giả Thanh Giang), Biệt động Sài Gòn trong Tết Mậu Thân 1968 (Ngô Bá Chính), tập kịch bản sân khấu Ký ức Mậu Thân (nhiều tác giả), tập trường ca Củ Chi và xuân Mậu Thân (nhiều tác giả)... đã thể hiện những cố gắng tái hiện những ngày tết bi hùng của các tác giả.

Đọc để thấy những người trẻ "đẹp hơn hoa hồng, cứng hơn sắt thép" 50 năm trước vẫn còn những vai trò lớn như thế nào với hôm nay: vai trò của lời nhắc nhở bằng ước mơ một đời, lời thúc giục bằng máu xương một đời.

Đó là câu chuyện với những khoảnh khắc sinh tử cứ nối dài mãi như phim hành động của cô gái tuổi 20 Võ Thị Tâm, trinh sát của Bộ tư lệnh tiền phương, nhận nhiệm vụ dẫn đường cho các tiểu đoàn, trung đoàn tiến vào đường phố Sài Gòn giữa đạn, pháo, xe bọc thép. 

Từng người một ngã xuống đến người cuối cùng, nhiệm vụ các anh trao cho Tâm là phải sống. Chị biết nhiệm vụ sống này còn khó hơn cái chết. 

Suốt 50 năm sau giây phút nhận nhiệm vụ ấy, chị có lúc thỏa thuê với hòa bình - thống nhất mơ ước, có lúc đau quặn tim gan khi chứng kiến lý tưởng của mình và đồng đội bị phản bội, có lúc cảm ơn cuộc sống, lúc lại mong muốn được chết. Cuộc đời như buộc phải nhân lên sau những ngày Mậu Thân ấy.

Đó là những giọt nước mắt trào ra không dứt trong đêm mùng 1 tết của ông tướng biệt động Tư Chu tại bộ chỉ huy. 

Từng giây từng phút trôi qua, ông biết từng người lính biệt động của mình đang ngã xuống. Nhưng mà ông bất lực. Cuộc đời ông cũng thay đổi từ đó, mang một nỗi day dứt dường như mỗi năm hòa bình lại mỗi lớn thêm.

Chuyện cô Thu Nga, chuyện cô Tám Thảo, chuyện ông Năm Usom - Mai Hồng Quế, chuyện ông Tư Cang... mỗi câu chuyện là mỗi cuộc đời với những nỗi đau - hạnh phúc, riêng - chung cứ trộn vào nhau. 

Tự bảo mình phải sống thay phần đồng đội, các cuộc đời bị chồng lên, nhân lên sau ngày Tết Mậu Thân, sau cuộc chiến tranh. Hạnh phúc với hòa bình nhân bội. Đau lòng với cuộc đời bất ý cũng nhân bội.

Tết của nhà báo Mỹ Don Oberdorfer - dịch giả Hà Nguyễn - lại mang một góc quan sát từ nước Mỹ về cơn chấn động mà sự dấn thân của lực lượng biệt động Sài Gòn mang lại. 

Được viết bởi một nhà báo nhà nghề đã làm việc tại Việt Nam gần suốt chiến tranh, bản dịch dù không đầy đủ nhưng vẫn mang lại cho người đọc hôm nay một cái nhìn tổng quan từ phản ứng của báo chí Mỹ đến dân chúng, các nhà tài phiệt đến giới quân sự và tổng thống Lyndon Johnson. 

Là nhà báo Mỹ, ngay năm 1970, Don Oberdorfer không ngần ngại đưa ra nhận định: "Những người cộng sản đã chịu tổn thất trên chiến trường, nhưng Chính phủ Mỹ bên cạnh đó phải gánh chịu một tổn thất còn quan trọng hơn: mất lòng tin của dân chúng Mỹ".

Ngày đặt bút viết nhận định ấy, những dữ kiện thực tế chưa đủ để Don Oberdorfer nhận ra rằng Tết đã tạo ra bước ngoặt cho cuộc chiến tranh. Bước ngoặt về phía hòa bình.

50 năm sau, những cuốn sách, từ mọi chiều kích, cho người đọc nhìn rõ hơn một "tết" và những người Mậu Thân.

Nữ biệt động Sài Gòn kể chuyện trận Mậu Thân Nữ biệt động Sài Gòn kể chuyện trận Mậu Thân

TTO - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu với các nữ biệt động Sài Gòn vào sáng 26-1 để ôn lại kỷ niệm một thời.

Lãnh đạo TP.HCM thăm người có công trong chiến dịch Mậu Thân Lãnh đạo TP.HCM thăm người có công trong chiến dịch Mậu Thân

TTO - Trưa 30-1, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đi thăm, tặng quà tổ chức, cá nhân, gia đình liệt sĩ có công trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên