08/06/2021 17:56 GMT+7

5 yếu tố cản trở chứng khoán Việt Nam, hàng đầu là nghẽn lệnh

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Theo tính toán, chỉ số VN-Index muốn vượt 1.200 điểm thì thanh khoản thị trường phải đạt 16.000-17.000 tỉ đồng, muốn vượt 1.300 điểm thì thanh khoản phải hơn 24.000 tỉ, nhưng cứ hơn 22.000 tỉ thì hệ thống lại bị nghẽn.

5 yếu tố cản trở chứng khoán Việt Nam, hàng đầu là nghẽn lệnh - Ảnh 1.

Các yếu tố được chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá đang cản trở sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong ngắn và dài hạn

Ngày 8-6, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2021, đồng thời thông tin kết quả khảo sát về thị trường này trong 5 tháng đầu năm 2021. 

Kết quả từ phỏng vấn ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng cũng đã chỉ ra những hạn chế đang cản trở sức bật của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục thăng hoa và có mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. 

Các chuyên gia cho rằng trong ngắn hạn lẫn dài hạn, thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi kinh tế. Đây là lý do khiến khối ngoại liên tục bán ròng trên thị trường. 

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn đối mặt với rủi ro quá tải của hệ thống công nghệ thông tin. Thời gian qua việc nghẽn lệnh, lỗi mạng liên tục xảy ra, đặc biệt là sàn giao dịch HOSE vào quý 1. Bước sang quý 2-2021, dù có cải thiện nhưng nhà đầu tư lại thấy hiện tượng nghẽn mạng quay lại mỗi khi thanh khoản thị trường vượt hơn 22.000 tỉ đồng

Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ số VN-Index muốn vượt 1.200 điểm thì thanh khoản thị trường phải đạt 16.000-17.000 tỉ đồng, muốn vượt 1.300 điểm thì thanh khoản phải có hơn 24.000 tỉ, nhưng vì yếu tố hệ thống, cứ hơn 22.000 tỉ thị trường lại bị nghẽn lệnh. Hệ quả là tạo ra những kháng cự tâm lý và cả kháng cự mang tính hệ thống.

Trong khi đó, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam còn quá nhỏ do tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước còn quá chậm, rất nhiều phần vốn hóa thị trường do Nhà nước sở hữu nên phần có thể thật sự mua bán được từ bên ngoài không nhiều, mặt khác lại bị hạn chế bởi room nước ngoài. Hiện nay có khoảng 9/30 mã chứng khoán lớn nhất đã hết room.

Thứ tư là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu nhiều sản phẩm, khiến thị trường chứng khoán Việt Nam khó thăng hạng và khơi thông dòng vốn ngoại.

Ngoài ra, việc minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam chưa cao, giá cổ phiếu chưa phản ảnh đúng thực tế của doanh nghiệp. 

Báo cáo cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam cần phải nâng hạng mới hút được dòng vốn ngoại và có thông tin minh bạch hơn. Nếu dòng vốn ngoại không vào thì chứng khoán Việt Nam sẽ gặp khó trong phát triển lâu dài. 

Báo cáo cho rằng những trở ngại này khiến số người tham gia thị trường chứng khoán ở Việt Nam còn khiêm tốn, chỉ đạt hơn 3% dân số, trong khi Mỹ đã có một nửa số hộ dân đầu tư vào chứng khoán, ở Thái Lan tỉ lệ này khoảng 17%, Trung Quốc là 35%. 

"Và cho dù còn nhiều hạn chế nhưng tỉ lệ người tham gia đầu tư tại các quốc gia khác cho thấy kênh đầu tư chứng khoán sẽ là xu hướng chủ chốt trong tương lai và dần trở thành một kênh tích trữ tài sản hiệu quả", nhóm chuyên gia nhận định.

Chứng khoán giảm sốc, sàn Chứng khoán giảm sốc, sàn 'tê liệt', nhà đầu tư chịu thiệt

TTO - Giữa lúc thị trường chứng khoán giảm sốc, nhà đầu tư 'mù mịt' không biết chuyện gì đang xảy ra vì bảng giao dịch bị 'tê liệt', chỉ số VN-Index 'treo cứng'. Chốt phiên 8-6, VN-Index rớt 38,49 điểm, thanh khoản sàn HoSE đạt 30.296 tỉ đồng.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên